Dịch thuật: Ngoại cường trung can

NGOẠI CƯỜNG TRUNG CAN
外强中干
NGOÀI CỨNG TRONG KHÔ

Giải thích: “can” có nghĩa là khô kiệt, trống rỗng. Thành ngữ dùng để ví bề ngoài thì mạnh mẽ nhưng thực chất bên trong lại mềm yếu.
Xuất xứ: Xuân Thu . Tả Khâu Minh 左丘明: Tả truyện – Hi Công thập ngũ niên 左传 - 僖公十五年

          Thời Xuân Thu, Tấn Huệ Công 晋惠公 đích thân dẫn quân giao chiến với quân Tần. Huệ Công ra lệnh cho thủ hạ đem những chiến mã của nước mình đang đóng ở xe tháo ra, thay vào đó là những con ngựa cao lớn mà do nước Trịnh tiến cống. Đại thần Khánh Trịnh 庆郑 nói với Tấn Huệ Công rằng:
          Từ xưa tới nay, các nước khi giao chiến với nhau luôn sử dụng ngựa của nước mình để đóng vào xe. Ngựa của nước Tấn xem ra tuy gầy yếu một chút, nhưng chúng thích ứng được với thuỷ thổ của nước ta, biết rõ đường đi nước bước, lại trải qua huấn luyện, khi điều khiển vừa lòng thuận tay có thể tin tưởng được. Ngựa nước Trịnh tuy bề ngoài nhìn rất bắt mắt, nhưng thực tế ngoài cứng trong khô, khi giáp trận lỡ bị kinh hãi, chúng sẽ không nghe theo người chỉ huy, đứng ngây một chỗ, nhảy đá loạn lên. Nay ngài muốn dùng những con chiến mã như thế để giao tranh với nước Tần, không thất bại thì không thể. Một khi trên chiến trường sa vào tình huống tiến không được, lui cũng không xong, không có cách nào đối phó với quân địch, lúc đó có hối hận cũng không kịp.
          Tấn Huệ Công không nghe lời can của Khánh Trịnh, vẫn dùng ngựa của nước Trịnh đóng vào xe tác chiến. Kết quả, khi lâm trận trống trận nổi lên, những tiếng la hét kinh thiên động địa trên chiến trường khiến chiến mã của nước Trịnh hoảng sợ. Chiến xa của Tấn Huệ Công sa vào hố bùn, không cách nào thoát được, đành phải bó tay chịu bắt, trở thành tù binh của quân Tần.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 18/4/2014

Nguyên tác Trung văn
NGOẠI CƯỜNG TRUNG CAN
外强中干
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post