Dịch thuật: Xã hội nô lệ và sự thịnh suy của quan học (tiếp theo)

XÃ HỘI NÔ LỆ VÀ SỰ THỊNH SUY CỦA QUAN HỌC
(tiếp theo)

          Thời Tây Chu còn hình thành nội dung dạy học lấy “lục nghệ” 六艺 làm hạt nhân. Giáo dục “lục nghệ” lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số manh nha vào cuối thời kì xã hội nguyên thuỷ, nhưng sự hình thành của nó chỉ có thể là việc sau khi tiến vào xã hội quý tộc. Thời Thương đã sơ bộ phát triển, đến thời Tây Chu đã đạt đến hình thái tương đối hoàn bị. “Lễ” là môn học lí luận chính trị, thể hiện quy phạm chính trị luân lí của chế độ tông pháp đẳng cấp, bao gồm cát lễ, hung lễ, tân lễ, quân lễ, gia lễ. “Nhạc” là môn học nghệ thuật tổng hợp, bao gồm âm nhạc, thi ca và vũ đạo. Mối quan hệ giữa nhạc và lễ vô cùng mật thiết. Trong Lễ kí – Văn Vương thế tử 礼记 - 文王世子 có ghi:
           Phàm tam vương giáo tử, tất dĩ lễ nhạc. Nhạc sở dĩ tu nội dã, lễ sở dĩ tu ngoại dã.
          凡三王教子, 必以礼乐. 乐所以修内也, 礼所以修外也
          (Việc giáo dục thế tử của ba triều Hạ Thương Chu nhất định dùng lễ nhạc. Nhạc là để tu sửa nội tâm, lễ là để chỉnh đốn hành vi cử chỉ)
          Thông qua nội dung lễ nhạc để tu chỉnh trong ngoài mà có được thuật thống trị, đối với việc ổn định trật tự xã hội, giải quyết mâu thuẫn xã hội quả thực có tác dụng quan trọng. Từ ý nghĩa này mà nói, không nghi ngờ gì, giáo dục lễ nhạc là hạt nhân và nền móng của giáo dục “lục nghệ”. “Xạ”, “ngự” là môn học huấn luyện quân sự, “thư” , “số” được xem là môn học văn hoá cơ sở tiến hành học tập. “Lục nghệ” là nội dung cơ bản của quan học thời Tây Chu, bất luận là quốc học, hương học đều cần phải học, chỉ có điều có sự sai biệt tầng thứ về yêu cầu mà thôi. Có thể nói, ý chỉ quan học thời Tây Chu là ở chỗ bồi dưỡng kẻ sĩ kiêm bị văn võ, giỏi về “xạ” “ngự” để bảo vệ xã tắc, tinh thông “lễ nhạc”, ‘thư số” để quản lí đất nước.
          Nhà Tây Chu đã kiến lập chế độ quản lí học hiệu sơ bộ. Theo ghi chép trong Học kí 学记, đại học trong quốc học Tây Chu đã kiến lập được chế độ khảo hạch cách năm một lần. Năm đầu tiên khảo “li kinh biện chí” 离经辩志 – có thể phân tích kinh nghĩa, phân biệt chí hướng học tập của bản thân hay không; năm thứ 3 khảo “kính nghiệp lạc quần” 敬业乐群 – có thể chuyên tâm vào việc học, đồng thời đối xử hài hoà cùng với bạn học hay không; năm thứ 5 khảo “bác tập thân sư” 博习亲师 – có thể tiến hành học tập rộng rãi đồng thời tôn kính sư trưởng hay không; năm thứ 7 khảo “luận học thủ hữu” 论学取友 – có thể nghiên cứu thảo luận việc học, giao hảo cùng bạn tốt hay không; năm thứ 9 khảo “tri loại thông đạt, cường lập nhi bất phản” 知类通达, 强立而不返 – có thể tri học luận sự để loại suy, lập thân trong khoảng trời đất mênh mông hay không. Những khảo hạch này thực tế gồm cả hai phương diện học nghiệp và đức hạnh, cung cấp khuôn mẫu tốt cho việc khảo thí học hiệu ở đời sau. Người trải qua khảo hạch được hợp cách sẽ do thiên tử trao cho quan tước; những người khảo hạch không hợp cách hoặc không tuân theo lời dạy, đã được giáo dục nhưng không sửa đổi sẽ bị đưa đi phương xa, suốt đời không được trọng dụng. Khảo thí của hương học cũng kiến lập những biện pháp tưởng thưởng và trừng phạt tương ứng. Để biểu thị sự coi trọng đối với giáo dục học hiệu, trong một năm thiên tử có 4 lần đích thân đến học hiệu, tế Tiên thánh Tiên sư, thị sát quy chế học hiệu và tình hình dạy học, gọi đó là “thị học” 视学. “Thị học” có thể được xem là một hình thức khác của “chính giáo hợp nhất” 政教合一, biểu minh ý đồ của kẻ thống trị tối cao thông qua giáo dục khiến mọi người vui vẻ tuân theo trật tự xã hội đã định, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài hợp cách phù hợp cho sự cần thiết của quý tộc.
          Không phải nghi ngờ gì, quan học thời Tây Chu đã đạt đến cực thịnh. Nhưng cuối thời Tây Chu, do bởi vương thất suy yếu, chư hầu phân tranh, cục diện “học tại quan phủ” bắt đầu dao động, văn vật điển chương cũng bắt đầu từ bí phủ đi ra dân gian, quan học cũng dần suy phế.
          Trong khoảng thời gian hơn 200 năm của thời Xuân Thu, những ghi chép liên quan đến quan học chỉ thấy 2 việc: Lỗ Hi Công 鲁僖公 “tu sửa Phán cung” và Trịnh Tử Sản 郑子产 “không phá huỷ hương hiệu”, học hiệu đã không còn do quan phương nắm giữ, xuất hiện cục diện mới “thiên tử thất quan, học tại tứ di” 天子失官, 学在四夷 (sau khi thiên tử mất quan học, học vấn đã tồn tại trong những tiểu quốc chư hầu). Đến giữa và cuối thời Xuân Thu, việc tư nhân dạy học lần lượt trổi dậy, và nhanh chóng có cảnh tượng phồn vinh sơ bộ.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 29/4/2014

Nguyên tác Trung văn
NÔ LỆ XÃ HỘI DỮ QUAN HỌC THỊNH SUY
奴隶社会与官学盛衰
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post