Dịch thuật: Tiết Hàn thực cấm lửa nhớ Giới Tử Thôi

TIẾT HÀN THỰC CẤM LỬA NHỚ GIỚI TỬ THÔI

          Tiết Hàn thực (Hàn thực tiết 寒食节) còn gọi là “Cấm yên tiết” 禁烟节, “Lãnh tiết” 冷节, “Bách ngũ tiết” 百五节, vào tháng 3 âm lịch, sau tiết Đông chí 冬至 105 ngày, trước tiết Thanh Minh 清明 1, 2 ngày. Vào thời gian này mọi người không được nổi lửa để nấu ăn, chỉ ăn những thức ăn nguội. Hàn thực và Thanh Minh không chỉ thời gian liền nhau mà nội dung chủ yếu cũng tương đồng – đều là tế tự tổ tiên, nhớ đến người trước. Về sau, nhiều tập tục ở tiết Hàn thực đã dần dung nhập vào trong tiết Thanh minh. Đến hiện nay, tập tục cấm lửa chỉ ăn thức ăn nguội vào ngày Hàn thực và cả bản thân tiết Hàn thực cũng đã dần bị mất ở nhiều nơi tại Trung Quốc.
Giới Tử Thôi với tiết Hàn thực
          Về nguồn gốc của tiết Hàn thực, cách nói cũng không thống nhất. Thuyết được lưu truyền rộng rãi trong dân gian là để kỉ niệm Giới Tử Thôi 介子推 người nước Tấn thời Xuân Thu.
          Vào thời Xuân Thu, để tránh hoạ mưu hại của bà mẹ sau là Li Cơ 骊姬, người con của quốc quân nước Tấn là Trùng Nhĩ 重耳 đã đào vong. Chỉ có mấy vị tôi trung chạy theo, trải quan muôn vàn gian khổ, mười mấy năm lênh đênh lưu lạc. Đại thần Giới Tử Thôi nhiều năm phò tá lúc nào cũng ở bên cạnh Trùng Nhĩ. Một ngày nọ, cả nhóm lạc mất đường đi, tìm không được thức ăn. Trùng Nhĩ đói đến nỗi váng đầu hoa mắt. Giới Tử Thôi đã cắt lấy thịt đùi của mình nấu thành bát canh dâng lên Trùng Nhĩ, giúp Trùng Nhĩ qua được cơn nguy.
          Sau này, Trùng Nhĩ cuối cùng về lại nước Tấn, lên làm quốc quân, trở thành Tấn Văn Công 晋文公, một trong “Xuân Thu ngũ bá”. Những người năm đó chạy theo Tấn Văn Công cùng chung hoạn nạn đều được ban thưởng, gia phong quan tước. Duy chỉ một mình Giới Tử Thôi bản tính thanh cao, không theo lời mời đi nhận thưởng. Tấn Văn Công vì bận trăm công ngàn việc đã quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không được trọng dụng trong lòng có chút không vui liền đưa mẹ đến Cẩm sơn 锦山 ẩn cư. Sau nhân vì có người nhắc, Tấn Văn Công mới nhớ đến, cảm thấy bỏ sót một đại trung thần đối với mình đã có ơn cứu mạng, trong lòng muôn phần bất an, lập tức sai người đến Cẩm sơn tìm Giới Tử Thôi để mời ra làm quan. Nào ngờ, Giới Tử Thôi bản tính chính trực không chịu gặp lại Tấn Văn Công, có chết cũng không rời khỏi núi. Có người dâng kế phóng hoả đốt núi, nói rằng, Giới Tử Thôi là người con rất có hiếu, chỉ cần đốt lửa lên, bà mẹ già của ông ta chịu không nỗi, đương nhiên Giới Tử Thôi sẽ cùng mẹ chạy ra. Tấn Văn Công nghe qua cảm thấy có thể làm được, liền lập tức hạ lệnh đốt núi. Ngọn lửa rừng rực cháy liền 3 ngày 3 đêm, nhưng vẫn không thấy bóng dáng của Giới Tử Thôi. Cuối cùng mọi người phát hiện, Giới Tử Thôi ôm mẹ cả hai bị thiêu cháy dưới gốc cây liễu. Tấn Văn Công không ngăn nỗi đau thương cất to tiếng khóc. Để kỉ niệm vị trung thần này, Tấn Văn Công hạ lệnh đổi tên Cẩm sơn thành Giới sơn 介山, đồng thời cho lập miếu dựng bia. Tấn Văn Công còn hạ lệnh vào ngày kị của Giới Tử Thôi phải cấm lửa, cả nước trên dưới nhất loạt không được nổi lửa nấu ăn, chỉ được ăn đồ khô đồ nguội, để biểu thị sự sùng kính và tiếc thương của mình đối với Giới Tử Thôi sáng ngời khí tiết.
          Người thời cổ đều vô cùng sùng kính khí tiết của Giới Tử Thôi, tập tục cấm lửa vào ngày Hàn thực lưu truyền mãi đến ngày nay, hình thành tiết Hàn thực, một lễ tiết kỉ niệm đặc biệt.
Tập tục ở tiết Hàn thực
          Tiết Hàn thực hàng năm, nhà nhà đều gắn nhành dương liễu lên cửa. Phụ nữ ở một số nơi lấy dương liễu kết với hạt châu đội lên tóc, trẻ con thì lấy nhành dương liễu quấn thành vòng đội trên đầu, tục gọi là “liễu khuyên” 柳圈.
          Trước đời Hán, thời gian cấm lửa ở tiết Hàn thực tương đối dài, thường là 1 tháng. Cả một tháng đều ăn đồ nguội quả là không có lợi cho cơ thể, đời Hán đổi lại còn 3 ngày. Gọi là đồ nguội, nhìn chung là các loại bánh làm để cách nhật, có loại cho thêm táo đỏ làm thành bánh táo. Một số nơi vào tiết Hàn thực ăn bánh rán, bánh cuộn thừng.
          Tiết Hàn thực bắt đầu từ nước Tấn thời Xuân Thu, kéo dài qua không ít niên đại. Đầu triều Đường, tập tục tảo mộ, đi chơi ở ngoại thành vào tiết Hàn thực đã trở thành phong tục thịnh hành trong dân gian. Năm Khai Nguyên 开元 thứ 20 đời Đường Huyền Tông Lí Long Cơ 李隆基 (năm 732), triều đình ban bố mệnh lệnh, đến mộ tế tự vào tiết Hàn thực quy định thành lễ nghi.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 03/4/2014

Nguyên tác Trung văn
CẤM HOẢ HÀN THỰC ỨC TỬ THÔI
禁火寒食忆子推
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post