SỰ KHÁC BIỆT GIỮA “PHÚ” VỚI “THI” VÀ “TAO”
Nhiên phú dã giả, thụ mệnh ư thi nhân,
thác vũ ư Sở từ dã
然賦也者, 受命於詩人, 拓宇於楚辭也
(Phú nhận mệnh từ thi nhân, mở rộng cương vực ở Sở từ)
Đây là
nói, “phú” là từ Thi kinh 詩經, Sở từ 楚辭 phát triển mà ra. Thi
kinh là nguồn xa của phú, Sở từ
là nguồn gần của phú.
Người
xưa phân chia “phú” với “thi” (Thi kinh), “tao” (Sở từ), chủ yếu là nhìn từ nội
dung tư tưởng. Ví dụ “tao” sở dĩ khác với “thi” là do bởi tao không thuần chính
như thi, mà lại có nội dung hoang đường quái dị (Lưu Hiệp 劉勰: Văn tâm điêu
long – Biện tao 文心雕龍 - 辯騷 ).
“Phú” sở dĩ khác với “tao” là bởi vì phú “phô trần cái đẹp, lấy sự vật để nói
chí của mình” (Lưu Hiệp 劉勰 : Văn tâm điêu long – Thuyên phú 文心雕龍 - 詮賦 ), còn “tao thì sở trường về việc nói lên những tình cảm
u oán” (Thanh . Trình Đình Tộ 程廷祚: Tao phú luận thượng 騷賦論上)
““Phô
trần cái đẹp, lấy sự vật để nói chí của mình”, đây là nói đặc điểm chủ yếu của
phú ở phô trần sự vật. Vương Dật 王逸, Lục Cơ 陸機, Lưu Hiệp 劉勰, Trình Đình Tộ程廷祚 đều từng chỉ ra điểm này. Từ Hán phú đến phú thời Đường
Tống đều như thế, có thể nói đây là đặc điểm quán xuyến cả lịch sử của phú. Ví
dụ bài Giải trào 解嘲 của Dương Hùng 揚雄 chính là phô trần nhiều câu chuyện để biện giải “việc
bất đắc chí làm quan” của mình; bài Biệt
phú 別賦 của Giang Yêm 江淹
dùng nhiều điển cố để phô trần tình cảm li sầu. Tác phẩm điển hình nhất về phô trần sự vật đó là những
bài phú miêu tả kinh thành và hoa uyển đời Hán. Ví dụ Thượng Lâm phú 上林賦 của Tư Mã Tương Như 司馬相如, nội dung của nó miêu tả khoa trương tỉ mỉ cảnh vật trong vườn Thượng
Lâm như: thuỷ thế, sơn hình, trùng ngư, điểu thú, thảo mộc, châu ngọc, cung
quán .v.v… và tình cảnh Hoàng đế tại vườn tiến hành săn bắn, yến ẩm vui chơi,
có thể nói cực kì phô trần khoa trương.
Để khoa
trương những vật dưới nước trong vườn Thượng Lâm, bất luận là trùng ngư, châu
ngọc và thuỷ cầm, chỉ cần nghĩ đến phô bày ra. Chúng ta đọc Hán phú, không nên
xem những miêu tả khoa trương ấy là có thực. Lưu Hiệp劉勰
trong Văn tâm điêu long – Khoa sức 文心雕龍 - 夸飾 phê bình rằng:
Tương Như bằng phong, quỷ lạm dũ thậm
相如憑風, 詭濫愈甚
(Tương Như cưỡi gió, xảo trá phù phiếm càng nhiều)
Trên thực
tế điều này hoàn toàn không phải là khuyết điểm của cá nhân Tư Mã Tương Như mà
là nét đặc sắc chung của Hán phú. Loại phú miêu tả hoa uyển cung điện này (như Lưỡng đô phú 兩都賦 của Ban Cố 班固) rõ ràng rất khác với
“thi” và “tao”.
Nhìn từ
hình thức, “thi” “tao” và “phú” đều gieo vần. Đây là điểm chung của cả ba.
Nhưng nói chung: “thi” lấy tứ ngôn làm chính; “tao” là lục ngôn, hoặc thêm chữ
“hề” 兮 thành thất ngôn; riêng “phú” số chữ không câu thúc,
nhưng đa phần lấy tứ ngôn, lục ngôn làm chính. Hán phú điển hình đa số xen cú
thức tản văn, còn “thi” ‘tao” về cơ bản không có tản văn. Giữa câu với câu ở
“thi” và “tao”, đặc biệt là giữa đoạn với đoạn thường chú trọng mối liên hệ nội
tại, rất ít dùng từ ngữ liên kết. Ví dụ những bài như Quan thư 關雎, Đào Yêu 桃夭, Thất nguyệt 七月 trong Thi kinh,
những bài như Sơn quỷ 山鬼, Quốc thương 國殤, Ai Dĩnh 哀郢 trong Sở từ đều không dùng từ ngữ liên kết.
Còn phú lại nhất trí với tản văn, dùng nhiều từ ngữ liên kết. Ví dụ như bài Giải trào 解嘲 của Dương Hùng 揚雄
rất nhiều chỗ dùng những từ như: “cố” 故, “thị cố” 是故, “thị dĩ” 是以, “nhiên nhi” 然而, “nhiên tắc” 然則,
“nhược phù” 若夫, “thả” 且, “tuy” 雖, “toại” 遂 … để liên kết trên
dưới; bài Biệt phú 別賦 của
Giang Yêm 江淹 dùng những từ liên kết như: “huống” 況, “phục” 復, “cố” 故, “chí nhược” 至若,
“nãi hữu” 乃有, “hựu hữu” 又有, “thảng hữu” 儻有, “thị dĩ” 是以, “tuy” 雖; bài Tiền Xích
Bích phú 前赤壁賦 của Tô Thức 蘇軾 dùng những từ liên
kết như: huống” 況, “cái tương” 蓋將,
“tắc” 則, “thả phù” 且夫, “cẩu” 苟, “tuy” 雖.
Nói tóm
lại, sự sai biệt giữa “phú” và “tao” không lớn. Còn như gọi là “tao thể phú” 騷體賦 (như Điếu Khuất
Nguyên phú 弔屈原賦 của Giả Nghị 賈誼), về hình thức càng
không có sự phân biệt với Sở từ. Nếu
chỉ nhìn riêng về hình thức, thậm chí có thể cho “phú” và “tao” là cùng một loại.
Vì thế,
sự phân biệt giữa “phú” với “thi” và “tao” cần phải khảo sát từ hai phương diện là nội dung và hình thức. “Phú” so với
“tao” thành phần trữ tình ít, thành phần vịnh vật thuyết lí nhiều, thành phần
thi ít, thành phần tản văn nhiều. Tính chất của “phú” nằm ở giữa thi và tản
văn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/4/2014
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 4)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật