Dịch thuật: Nguồn gốc biệt hiệu "Tuý Ông" của Âu Dương Tu


NGUỒN GỐC BIỆT HIỆU “TUÝ ÔNG” CỦA ÂU DƯƠNG TU

          Âu Dương Tu 欧阳修, tự Vĩnh Thúc 永叔, người Lư Lăng 庐陵 (nay là Cát An 吉安 Giang Tây 江西), văn học gia nổi tiếng thời Bắc Tống, một trong “Đường Tống bát đại gia” 唐宋八大家 (1), tản văn, thơ, từ của ông đều có thành tựu rất cao.
          Âu Dương Tu có một biệt hiệu nổi tiếng đó là “Tuý Ông” 醉翁, biệt hiệu này đã theo tác phẩm Tuý Ông đình kí 醉翁亭记 của ông mà vang danh khắp nơi. Biệt hiệu này được đặt ra khi Âu Dương Tu tham gia cuộc cải cách chính trị của Phạm Trọng Yêm 范仲淹 gặp phải thất bại bị biếm trích làm Thái thú Trừ Châu 滁州. Sau khi đến Trừ Châu, ông thường du lãm núi Lang Nha 琅琊 nơi có phong cảnh tươi đẹp. Vị tăng trụ trì chùa Khai Hoá 开化 trên núi là Trí Nhân 智仁 đã xây cho ông một cái đình nhỏ nơi chân núi. Âu Dương Tu vô cùng vui thích thường cùng đồng liêu đến đó uống rượu ngâm thơ, xử lí chính sự, nhưng tửu lượng của Âu Dương Tu có hạn, thường ẩm thiểu triếp tuý, nhi niên hựu tối cao, cố tự hiệu viết Tuý Ông dã. 饮少辄醉, 而年又最高, 故自号曰醉翁也 (2) . Trong bài thơ Tặng Thẩm Tuân 赠沈遵, ông cũng nói rằng:
Ngã thời tứ thập do cường lực
Tự hiệu Tuý Ông liêu hí khách
我时四十犹强力
自号醉翁聊戏客
(Ta lúc bốn mươi tuổi hãy còn sức khoẻ
Tự đặt cho mình hiệu Tuý Ông để vui với khách)
          Đình nhỏ đó nhân đó mà có tên là “Tuý Ông đình” 醉翁亭. Chung quanh nhã hiệu “Tuý Ông”, Âu Dương Tu còn để lại cho mọi người một câu nổi danh thiên cổ:
Tuý Ông chi ý bất tại tửu, tại hồ sơn thuỷ chi gian
醉翁之意不在酒, 在乎山水之间
(Ý “say” trong tên hiệu đó không phải vì rượu mà say vì sơn thuỷ)
          Tuý Ông đình kí 醉翁亭记 là thiên tản văn nổi tiếng, văn bút trôi chảy, ngôn ngữ giản dị trong sáng. Về sau, Tô Thức 苏轼một vị văn học đại gia khác thời Bắc Tống, theo lời mời của Tri châu Trừ Châu lúc bấy giờ là Vương Chiếu 王诏 đã viết lại Tuý Ông đình kí, đồng thời cho khắc vào bia đá, dựng bên trong đình Tuý Ông. Nói đến tấm bia này có liên quan đến một câu chuyện lịch sử. Năm Sùng Ninh 崇宁 nguyên niên đời Tống Huy Tông, tức năm 1102, Tô Thức sau khi qua đời không lâu bị khép vào “Nguyên Hựu đảng tịch” 元祐党籍 (3). Kẻ địch về chính trị của ông thừa cơ dâng thư lên triều đình, nói Tô Thức là mua danh bán tiếng, thư hoạ khắc chữ khắp nơi, thực là bất trung. Huy Tông lập tức xuống chiếu lệnh phải huỷ bỏ tấm bia. Tri châu Trừ Châu nghe được tin, ngay trong đêm sai người đem giấu tấm bia. Lúc bấy giờ, nếu chuyển đi xa sợ mọi người trông thấy báo lại triều đình sẽ mắc tội khi quân, vì thế có người đã nghĩ ra một cách, dỡ mấy phiến đá ở chiếc cầu gần đó, đem tấm bia lắp vào. Khi quan viên kinh thành đến Trừ Châu, thấy sự việc đã như thế, đành thôi. Về sau, vụ Tô Thức được sửa sai, mọi người đem tấm bia đó đặt lại trong đình Tuý Ông. Đoạn lịch sử này không chỉ khiến tấm bí tăng thêm màu sắc truyền kì, mà còn khiến cho đình Tuý Ông càng thêm nổi tiếng.
          Âu Dương Tu còn có một biệt hiệu là “Lục Nhất Cư Sĩ” 六一居士. Về chính trị, sau khi Âu Dương Tu trải qua đoạn đường gập ghềnh chìm nổi, đến lúc già, không mong cầu con đường sĩ hoạn, chỉ mong có cuộc sống nhàn tản yên bình. Ông từng viết qua thiên Lục Nhất Cư Sĩ truyện 六一居士传, trong đó có nói:
 Lục Nhất Cư Sĩ lúc đầu bị biếm trích đến Trừ sơn 滁山, tự đặt hiệu Tuý Ông, đã già lại yếu thêm bệnh tật. Khi về nghỉ nơi Dĩnh thuỷ 颖水, lại đổi hiệu là “Lục Nhất Cư Sĩ. Có người hỏi rằng: ‘Sao gọi là Lục Nhất?’ Cư Sĩ đáp rằng: ‘Ta có “Tập cổ lục” một ngàn quyển, tàng thư một vạn quyển, đàn một cây, cờ một bàn, thường với rượu một bầu.’ Khách lại hỏi: ‘Như vậy mới có năm’ Cư Sĩ đáp: ‘với  thân già của ta nơi ấy, há không phải là lục nhất sao.’
Từ đó, Âu Dương Tu thường tự xưng là Lục Nhất Cư Sĩ, tác phẩm của ông cũng lấy đó đặt tên, như: Lục Nhất thi thoại 六一诗话, Lục Nhất từ 六一词.
Trừ biệt hiệu “Tuý Ông”, “Lục Nhất Cư Sĩ” ra, Âu Dương Tu còn có những nhã hiệu “Âu Cửu” 欧九, “Dật Lão” 逸老, “Lư Lăng” 庐陵. Chỉ là những nhã hiệu này không có ảnh hưởng lớn như “Tuý Ông”, “Lục Nhất Cư Sĩ”.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Đường Tống bát đại gia 唐宋八大家:
          Còn gọi là “Đường Tống cổ văn bát đại gia” 唐宋古文八大家, chỉ 8 vị tản văn gia thời Đường và thời Tống:
          - Hàn Dũ 韩愈, Liễu Tông Nguyên 柳宗元 (thời Đường)
          - Âu Dương Tu 欧阳修, Tô Tuân 苏洵, Tô Thức 苏轼, Tô Triệt 苏辙, Vương An Thạch 王安石, Tăng Củng 曾巩 (thời Tống)
(2)-        Ẩm thiểu triếp tuý, nhi niên hựu tối cao, cố tự hiệu viết Tuý Ông dã.
饮少辄醉, 而年又最高, 故自号曰醉翁也
(Uống ít mà đã liền say, tuổi tác lại cao, cho nên tự đặt hiệu là Tuý Ông)
          Câu này trong tác phẩm Tuý Ông đình kí 醉翁亭记
(3)- Nguyên Hựu đảng tịch元祐党籍:
 Còn gọi là Nguyên Hựu đảng nhân 元佑党人. Năm Nguyên Phong 元丰 thứ 8 (năm 1085) triều Bắc Tống, Tống Thần Tông 宋神宗 qua đời, Triết Tông 哲宗 chỉ mới 9 tuổi lên kế vị, Tuyên Nhân Thái Hậu 宣仁太后 tham dự xử lí việc quân quốc. Cũng trong năm đó, Tư Mã Quang 司马光 nhậm chức Tể tướng, đã phế trừ toàn diện biến pháp của Vương An Thạch 王安石, khôi phục chế độ cũ. Trước sau trải qua được 9 năm. Đến lúc đó, phái ủng hộ biến pháp được người đời gọi là “Nguyên Phong đảng nhân” 元丰党人, phái phản đối biến pháp được gọi là “Nguyên Hựu đảng nhân” 元佑党人.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 08/4/2014

Nguyên tác Trung văn
ÂU DƯƠNG TU “TUÝ ÔNG” BIỆT HIỆU ĐÍCH DO LAI
欧阳修醉翁别号的由来
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post