Dịch thuật: La Hán sàng

LA HÁN SÀNG

          La Hán sàng 罗汉床 là một loại sàng mà bên trái, bên phải và phía sau có lan can tựa. Lan can tựa đa phần dùng gỗ nhỏ ráp mộng mà thành, loại giản đơn là dùng 3 tấm ván ráp vào. Hai đầu lan can tựa có góc tròn hình bậc thang, vừa giản dị vừa điển nhã. Hình chế của La Hán sàng có lớn có nhỏ, thông thường gọi loại tương đối lớn là “sàng” , loại tương đối nhỏ là “tháp” . Nếu như gọi “Di Lặc tháp” 弥勒榻 đó là chỉ loại La Hán sàng tương đối nhỏ chuyên dùng để ngồi, trong hoàng cung và các điện đường vương phủ của hai triều Minh Thanh đều bày biện loại này. Loại tháp này nói chung đều bày đơn độc ở gian nhà lớn, người thời cận đại gọi đó là “bảo toạ” 宝座, nó được bày cùng bình phong, kỉ, lục đoan 甪端 (1), quạt, hiển thị sự tôn nghiêm trang trọng.
          Đại La Hán sàng vừa có thể dùng để nằm, cũng vừa có thể dùng để ngồi. Giữa sàng đặt một chiếc kỉ, hai bên trải đệm ngồi, gối tựa, sàng đặt giữa sảnh đường để đãi khách, tác dụng tương đương như sô pha hiện nay. Chiếc kỉ trên sàng vừa có thể tựa vừa có thể đặt bộ đồ trà, tác dụng giống như kỉ trà hiện đại. La Hán sàng là một loại gia cụ lưỡng dụng, nói chung tại phòng ngủ dùng để nằm thì gọi là “sàng”, còn tại sảnh đường dùng để đãi khách thì gọi là “tháp”. La Hán sàng là loại gia cụ rất được chú trọng.
          Ngoài ra, thời Minh Thanh cũng có một số ít văn nhân, học giả sử dụng loại “tháp” không có lan can tựa, ý muốn bắt chước theo cổ.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- LỤC ĐOAN 甪端:
thần thú trong truyền thuyết, tương tự như kì lân, trên đầu có một sừng. Truyền thuyết cho rằng, lục đoan một ngày có thể đi được 18000 dặm, thông hiểu được ngôn ngữ bốn phương.



                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 04/4/2014

Nguyên tác Trung văn
LA HÁN SÀNG
罗汉床
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI GIA CỤ
中国古代家具
Tác giả: Hồ Đức Sinh 胡德生
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1992
Previous Post Next Post