Dịch thuật: Truyền thuyết trà Long Tỉnh

TRUYỀN THUYẾT TRÀ LONG TỈNH

          Trà Long Tỉnh 龙井 nổi tiếng vì có được “sắc lục 色绿 (sắc xanh), hương úc 香郁 (hương thơm), vị cam 味甘 (vị ngọt), hình mĩ 形美 (hình dáng đẹp)”, đã lưu lại không ít những truyền thuyết thần kì trong lịch sử, trong đó truyền thuyết có liên quan đến “Long Tỉnh” và “18 cây ngự trà” có thể phản ánh nguồn gốc lịch sử của trà Long Tỉnh.
          Truyền thuyết kể rằng: ngày xưa Vương Mẫu Nương Nương 王母娘娘 tổ chức hội bàn đào trên thiên đình, thần tiên các nơi đều về dự hội. Thần đồng tiên nữ thổi sáo tấu nhạc đàn ca hát xướng, dâng trà hiến quả, tới lui không ngớt. Đương lúc Địa Tiên bưng khay dâng trà bỗng nghe Thiện Tài 善财 đồng tử kêu lên:
Mẹ Địa Tiên bệnh nặng đang lăn lộn trên giường, mau  quay về.
 Trong lúc hoảng hốt, khay trà nghiêng, một chiếc chén lăn xuống trần gian. Địa Tiên hồn phi phách tán, mặt trắng bệch, vội vã chạy về cung.
          Lúc bấy giờ, Lữ Động Tân 吕洞宾 biết được chuyện, liền tiếp lấy khay trà của Địa Tiên, đem 7 chén còn lại dâng cho thần tiên của 7 động, riêng mình không có, đồng thời từ trong người lấy ra một viên thần đan nói với Địa Tiên rằng:
          Mau cầm về cứu mẹ rồi xuống phàm trần tìm chiếc chén, ở đây tôi sẽ thay.
          Địa Tiên vô cùng cảm động, cảm tạ ra đi. Một ngày trên trời bằng mấy năm ở nhân gian, Địa Tiên xuống trần đến Hàng Châu 杭州 biến thành một vị hoà thượng đi đến núi bên phía tây tìm chén trà. Hôm đó, Địa Tiên trông thấy có một ngọn núi hình dạng giống con sử tử đang ngồi, đá đẹp động xanh, bên cạnh rừng trúc trong núi có một gian nhà cỏ, một cụ bà hơn 80 tuổi đang ngồi nơi cửa. Địa Tiến tiến lên thi lễ và hỏi rằng:
          Thưa lão thí chủ, ở đây là đâu vậy?
          Bà lão đáp rằng:
          Đây là Huy Lạc Ổ 晖落坞. Ta nghe người xưa nói rằng, buổi tối một ngày nọ đột nhiên có một vầng sáng từ trên trời rơi xuống, từ đó ở đây có tên là Huy Lạc Ổ.
          Địa Tiên nghe qua trong lòng vừa sợ vừa mừng, vội nhìn đông nhìn tây, bỗng mắt sáng lên, kia không phải là chén trà của mình sao? Hoá ra bên cạnh nhà bà lão có một chiếc cối đá cũ chất đầy rác, trong cối mọc một loại cỏ xanh. Có một mạng nhện lấp lánh, từ hiên nhà treo thẳng xuống trong cối đá. Địa Tiên hiểu ra, con nhện tinh này đang hút trộm trà tiên, liền nói:
          Lão thí chủ, tôi đổi một sợi dây vàng lấy chiếc cối đá này được không?
          Bà lão nói rằng:
          Ông cần chiếc cối đá này à? Dù sao tôi giữ lại cũng vô dụng, ông lấy đi.
          Địa Tiên nghĩ rằng, mình phải đi tìm mã tiên thảo 马鞭草 bện thành sợi dây dài khoảng 9 trượng 9 thước mới có thể mang đi.
          Địa Tiên vừa đi khỏi, bà lão nghĩ bụng, cối đá này dơ, làm sao đụng tay vào. Vì thế bà tìm chiếc muỗng đến cào sạch rác đem đổ ở 18 gốc cây trà trước nhà. Bà lại tìm mảnh giẻ lau sạch. Không ngờ kinh động đến nhện tinh, nhện tinh biết có người cướp trà của mình liền thi triển phép ma. Một tiếng ầm vang lên, chiếc cối đá bị đánh rớt xuống tận đất sâu. Địa Tiên mang dây về, không thấy cối đá ở đâu đành tay không trở về lại thiên đình.
          Về sau “chén trà” thiên cung mà bị rớt xuống đất hoá thành một cái giếng, từng có rồng đến uống trà tiên, rồng đi mất để lại một giếng nước, đây chính là Long Tỉnh trong truyền thuyết. Cuộc đời dâu bể, lịch sử biến thiên, gian nhà tranh nơi bà lão từng cư trú được xây thành ngôi chùa Lão Long Tỉnh, sau đổi tên là miếu Hồ Công 胡公 thôn Long Tỉnh lưu tồn đến ngày nay. 18 cây trà trước miếu thấm qua tiên lộ ngày càng tươi tốt, phẩm chất siêu quần.
          Khi Hoàng đế Càn Long 乾隆 xuống Giang Nam 江南, thường vi hành đến dưới núi Sư Phong thôn Long Tỉnh ở Hàng Châu, khi lão hoà thượng ở miếu Hồ Công đưa Càn Long đi ngắm cảnh, bỗng thấy mấy cô thôn nữ vui cười đang hái búp non của 18 cây trà trước miếu, bất giác trong lòng hưng phấn bước nhanh vào vườn trà bắt chước hái trà. Hái được một lúc bỗng có thái giám đến báo Thái hậu có bệnh, mời Càn Long nhanh chóng hồi kinh. Càn Long nghe Thái hậu có bệnh trong lòng lo lắng, lập tức đem nắm búp trà trong tay bỏ vào trong túi, ngày đêm về kinh vấn an Thái hậu. Kì thực, Thái hậu không bệnh nặng, chỉ là nhất thời can hoả bốc lên, cặp mắt sưng đỏ, bụng ăn không tiêu. Thái hậu thấy Hoàng nhi trở về, bệnh tình liền thuyên giảm, lại ngửi thấy có một thơm bay đến mũi, liền hỏi:
          Hoàng nhi từ Hàng Châu về, mang theo thứ gì sao mà thơm thế?
          Hoàng đế Càn Long cũng cảm thấy kì lạ, mình vội vàng quay về đâu có mang theo thứ gì, mùi thơm này từ đâu tới? Ngửi kĩ, quả thực có một mùi thơm từ trong túi bay ra. Càn Long lấy tay rờ, hoá ra là một nắm trà trước miếu Hồ Công ở thôn Long Tỉnh tại Hàng Châu, sau mấy ngày đã khô, nhưng bốc lên một mùi thơm nồng ấm.
          Thái hậu muốn thưởng thức loại trà này, cung nữ liền đem trà đi pha rồi dâng lên, quả nhiên mùi thơm xộc vào mũi, uống xong có vị ngọt thuần, thần thanh khí sảng. Sau 3 chén, mắt bớt sưng, bao tử cũng dễ chịu. Lúc bấy giờ Thái hậu vui mừng, khen trà Long Tỉnh Hàng Châu là linh đan diệu dược. Hoàng đế Càn Long thấy Thái hậu vui mừng như thế, tự mình cũng vui lây liền truyền chỉ ban cho 18 cây trà mà mình đã hái ở trước miếu Hồ Công dưới chân núi Sư Phong thôn Long Tỉnh Hàng Châu là “ngự trà”, hàng năm hái và chế biến riêng để tiến cống Thái hậu. Từ đó, danh tiếng trà Long Tỉnh ngày càng vang xa. 18 cây ngự trà tuy đã nhiều lần đổi trồng mới, nhưng “ngự trà viên” vẫn còn được bảo lưu đến ngày nay, trở thành một trọng điểm du lịch.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 05/3/2014

Nguyên tác
LONG TỈNH TRÀ ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
龙井茶的传说
Previous Post Next Post