TRUYỀN THUYẾT MÃ ĐẦU NƯƠNG
Trong bộ
truyền kì thần thoại Sơn Hải Kinh 山海经 cổ xưa nhất của
Trung Quốc có thuật lại một chuyện lạ ở hải ngoại bắc phương: tại một nơi hoang
dã gọi là Âu Ti 欧丝 phía đông Đại Chủng 大踵
mọc lên 3 cây dâu cao đến cả trăm trượng, một thiếu nữ quỳ bên cạnh không ngừng
nhả ra những sợi tơ để cho loài người sử dụng. Đại khái đây chính là thần tằm
(tàm thần 蚕神) mà trong Dịch sử
绎史 đã dẫn từ những ghi chép trong Hoàng Đế nội kinh 黄帝内经. Theo truyền thuyết, vị thần tằm này từng cống hiến
tơ lên Hoàng Đế 黄帝 sau khi Hoàng Đế bình định Xi Vưu 蚩尤.
Thời cổ,
mọi người gọi tằm là Mã Đầu Nương 马头娘. Đời Đường, trong những chùa miếu vùng Tứ Xuyên 四川
thường có tượng một thiếu nữ xinh đẹp khoác tấm da ngựa. Theo truyền thuyết thiếu
nữ đó chính là Mã Đầu Nương. Những ngày xuân nuôi tằm, mọi người thường hướng đến
Mã Đầu Nương thắp hương cầu xin bảo hộ tằm kén được nhiều. Tại sao thần tằm là
một thiếu nữ khoác tấm da ngựa? Nguyên là từ thời cổ đã lưu truyền một truyền
thuyết cảm động. Trong Sưu thần kí 搜神记 chép rằng: thời cổ có một cô gái vì muốn cha ở
phương xa được trở về đã nói đùa với ngựa, nếu ngựa có thể đưa được cha trở về
sẽ làm vợ ngựa. Không ngờ quả nhiên ngựa chạy đi đưa cha cô gái trở về. Cô gái
rất sợ nói với cha, người cha liền giết ngựa, lột lấy da phơi khô. Một ngày nọ,
cô gái đi ngang qua cạnh tấm da ngựa, tấm da ngựa đột nhiên bay lên cuốn chặt lấy
cô gái rồi bay đến phương xa. Đợi đến khi mọi người tìm thấy cô gái, cô gái đã
biến thành con tằm mà phần đầu rất giống ngựa, không ngừng nhả tơ. Mọi người liền
dùng tơ để dệt, dệt thành những tấm lụa màu sắc tươi đẹp.
Sau khi
nghe được truyền thuyết này, chúng ta há không tỏ lòng tôn kính đối với cô gái
đã đem tơ hiến dâng cho nhân loại? Trên thực tế, cô gái là tượng trưng cho vô số
phụ nữ lao động cần cù trí tuệ trên mảnh đất Trung Hoa thời cổ. Do bởi họ từ đời
này qua đời khác cần cù lao động, mới lợi dụng được giá trị của tơ tằm sáng tạo
nên kĩ thuật công nghệ gia công tơ tằm dệt thành tơ lụa, khiến hoa tơ lụa nở khắp
Hoa Hạ, tơ lụa cũng dần trở thành nguyên liệu phục trang chủ yếu nhất của Trung
Quốc cổ đại.
Căn cứ
từ những tư liệu khảo cổ hiện có mà suy đoán, việc thuần dưỡng và gia hoá tằm
hoang có thể đã bắt đầu từ tảo kì thời đại đồ đá mới. Trong di chỉ văn hoá thời
đại đồ đá mới ở Hà Mẫu Độ 河姆渡 huyện Dư Diêu 余姚 tỉnh Triết Giang 浙江,
phát hiện được một chiếc cốc có khắc hoạ 4 con tằm. Trong di chỉ Mai Niệm 梅埝 ở
Ngô Giang 吴江 thuộc văn hoá Lương Chử 良渚
muộn hơn một chút phát hiện một vật bằng gốm đen có khắc đồ án hoa văn con tằm.
Tằm xuất hiện ở dạng hoa văn trang sức đã nói rõ mọi người lúc bấy giờ rất biết
và rất thích, xem nó là một động vật cát tường. Rõ ràng người thời bấy giờ đã
nuôi và lợi dụng tằm.
Trong
di chỉ Thanh Đài 青台 ở Trịnh
Châu 郑州 cách nay khoảng 5500 năm, các nhà khảo cổ đã phát hiện
một mẩu lụa tàn khuyết dính trên xương đầu, đồng thời cũng phát hiện hơn 10 cái
xe sợi bằng gốm đỏ. Đây là vật dệt sớm nhất mà hiện nay nhìn thấy. Do bởi hàng
dệt rất khó bảo tồn, nên khẳng định đây không phải là vật dệt bằng tơ sớm nhất,
rất có khả năng trước đó còn có hàng dệt ở các giai đoạn khác nhau.
Trong
di chỉ hạ tầng Tiền Sơn Dạng 钱山漾 ở Ngô Hưng 吴兴 Chiết Giang 浙江 cách nay khoảng 5000 năm, phát hiện được những loại
như mẩu lụa, dây tơ, sợi tơ … Qua sự giám định của kĩ thuật khoa học hiện đại,
những vật này đều từ tơ tằm nhà chế thành, mẩu lụa tàn khuyết ngang và dọc mỗi
bề có 48 sợi; dây tơ rộng 5 mm, dùng 16 sọi tơ nhỏ thô dệt thành. Những vật được
dệt từ thời viễn cổ này cho thấy kĩ thuật ươm tơ, kéo sợi lúc bấy giờ đã có một
trình độ nhất định. Nhà khảo cổ nổi tiếng Hạ Nãi 夏鼐
từng chỉ ra rằng: Trung Quốc là quốc gia nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa sớm nhất
trên thế giới. Trong một thời gian dài từng là quốc gia duy nhất theo nghề thủ công này. Có
người cho rằng tơ lụa có thể là một cống hiến lớn nhất của Trung Quốc đối với
văn hoá vật chất thế giới.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 02/3/2014
Nguyên tác Trung văn
MÃ ĐẦU NƯƠNG ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
马头娘的传说
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
PHỤC SỨC
中国民俗文化
服饰
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Bắc Kinh: Tôn giáo xuất bản xã, 2004.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật