Dịch thuật: Thi nhãn

THI NHÃN

          “Thi nhãn” 诗眼 nói ở đây không phải chỉ “tự nhãn” 字眼 có tác dụng quan trọng, then chốt trong câu thơ mà các thi luận cổ điển nói đến, mà là chỉ tuệ nhãn riêng có của thi nhân.
          Thi luận gia Nghiêm Vũ 严羽 đời Tống trong Thương lãng thi thoại 沧浪诗话 có nói:
Thi hữu biệt tài; phi quan thư dã; thi hữu biệt thú, phi quan lí dã.
诗有别材, 非关书也; 诗有别趣, 非关理也
          (Thơ có đề tài đặc biệt, không liên quan gì đến việc đọc sách nhiều hay ít; thơ có ý thú riêng, không liên gì đến những lí luận thông thường)
          Sách vở là vật dẫn mà tác giả dùng tư duy logique tìm hiểu mối liên hệ nội bộ của sự vật để có được tri thức. Thi nhân tuy cũng giống như học giả, khoa học gia, cần phải có cặp mắt nhìn thấu từ hiện tượng đến bản chất, nhưng cặp mắt này còn cần phải nắm chuẩn xác mọi đặc trưng và tình tiết của sự vật đó. Ngoài ra, cặp mắt của thi nhân cũng cần phải có tác dụng sàng lọc chọn lựa. Phàm là những gì có cùng điểm cộng hưởng với lí tưởng mĩ học của thi nhân, có thể bị tình cảm của thi nhân dung hợp tạo thành ý tượng, mới được thi nhân hấp thu đưa vào phạm vi của thơ. Vì thế cho nên, gọi là “biệt tài” ở thơ, nội dung của nó bất luận thuộc thuyết lí, tự sự, trữ tình, thậm chí nghị luận đều khác với những tác phẩm thông thường khác.
          Thi luận gia cổ điển đời Lương là Chung Vinh 钟嵘 trong Thi phẩm tự 诗品序, từng đề cập một số ví dụ thích hợp để làm đề tài thi ca:
          Chí vu Sở thần khứ cảnh, Hán thiếp từ cung, hoặc cốt hoành sóc dã, hồn trục phi bồng … Phàm tư chủng chủng, cảm đãng tâm linh, phi trần thi hà dĩ triển kì nghĩa, phi trường ca hà dĩ sính kì tình?
          至于楚臣去, 境汉妾辞宫, 或骨横朔也, 魂逐非蓬凡斯种种, 感荡心灵, 非陈诗何以展其义, 非长歌何以骋其情?
          (Còn giống như Khuất Nguyên nước Sở bị đày, rời khỏi Dĩnh đô; Vương Chiêu Quân của Hán Đế bị gã đến Hung Nô xa xôi, từ biệt cung Hán, hoặc giả xương phơi nơi đồng hoang ải bắc, hoặc giả hồn theo cỏ bồng trong gió vật vờ … Muôn vàn tình cảnh bi hoan li hợp cảm động tâm linh như thế, nếu không phải là thi ca giải bày thì lấy gì để triển hiện ý nghĩa, nếu không phải là trường thanh ca xướng, thì lấy gì để phát tiết tình hoài?)
          Từ đoạn văn trên có thể thấy, đề tài thích hợp để làm thơ là như đương thời Khuất Nguyên 屈原 bị lưu đày, Vương Chiêu Quân 王昭君 hoà thân nơi xa xôi, họ bi phẫn uất ức, tình cảm kích động cho nên tất phải mượn thi ca mới có thể biểu đạt tư tưởng tình cảm của họ. Cũng có thể nói, thi tài đầu tiên là đề tài có thể trữ tình nhất.
          Đương nhiên, thi ca có thể dùng thuyết lí và tự sự, thậm chí nghị luận, nhưng khác với khoa học và những tác phẩm văn học khác. Thi luận gia Diệp Nhiếp đời Thanh trong Nguyên thi 原诗 có nói:
           Khả ngôn chi lí, nhân nhân năng ngôn chi, hựu an tại thi nhân chi ngôn chi? Khả trưng chi sự, nhân nhân năng thuật chi, hựu an tại thi nhân chi thuật chi?
        可言之理, 人人能言之, 又安在诗人之言之? 可征之事, 人人能术, 又安在诗人之述之?
          (Lí lẽ mà nói được thì mọi người đều có thể nói ra, cần gì thi nhân nói? Việc mà trưng ra được thì mọi người có thể thuật lại, cần gì thi nhân thuật?)
          Thế thì thi nhân làm thế nào để biểu đạt những lí lẽ mà người thường không nói được? Chúng ta có thể lấy bài thất tuyệt Phần thư khanh 焚书坑 của Chương Kiệt 章碣 đời Đường làm ví dụ. Nguyên văn bài thơ là:
Trúc bạch yên tiêu đế nghiệp hư
Quan hà không toả Tổ Long cư.
Khanh hôi vị lãnh Sơn Đông loạn
Lưu Hạng nguyên lai bất độc thư
竹帛烟销帝业虚
关河空锁祖龙居
坑灰未冷山东乱
刘项原来不读书
(Sách vở bị đốt thành tro, đế nghiệp nhà Tần cũng theo đó mà tiêu vong,
Quan hà hiểm yếu cũng bảo vệ không được Tần Thuỷ Hoàng nơi cung cấm.
Tro nơi hố đốt chưa nguội mà vùng Sơn Đông đã loạn,
Hoá ra Lưu Bang và Hạng Vũ đều là hạng người không đọc sách.)
          Bài thơ này châm biếm việc Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn nho. Tần Thuỷ Hoàng ghét nhất bọn nho sinh viện kinh dẫn điển bình luận việc được mất của Tần Thuỷ Hoàng, vì thế kế sách “rút củi dưới nồi” được cho là tốt đã đến - “phần thư khanh nho” 焚书坑儒. Không ngờ tro nơi hố đốt chưa nguội, chư hầu vùng Quan Đông 关东, bố y hào kiệt lũ lượt khởi nghĩa, trong số đó Lưu Bang 刘邦 và Hạng Vũ 项羽 đã đánh một đòn trí mạng vào vương triều Tần, hoá ra họ cơ bản đều là hạng người không đọc sách. Chỉ vỏn vẹn 14 chữ đã nói rõ một triết lí, tức sự đoản mệnh của vương triều không phải bởi tại những người có học, càng không ở bản thân sách vở, nếu như chính sách không được lòng người thì sự trị an trường cửu không thể nào có được.
          Từ ví dụ trên, chúng ta có thể biết, tính đặc thù của “thi tài” không phải ở chỗ tính đặc thù của đề tài. Hình thức văn chương mà chúng ta dùng, chẳng phải là đem đạo lí “phần thư khanh nho” không có ích gì đối với đế nghiệp của Tần Thuỷ Hoàng thuật lại sao? Đặc điểm của thi tài, trừ chất lượng nội dung có để đào lấy được từ bản thân của nó ra, còn ở chỗ nó có thể cung cấp tư duy logique đơn thuần. Nó cũng không tuân theo phương thức suy lí phổ thông từ tiền đề đến kết luận, mà là để cho nhiều ý tượng tuôn trào ra: sách vở bằng trúc bằng lụa bị đốt, hình thế hiểm yếu của quan hà, cung nhà Tần bị phá, tro nơi hố đốt chưa nguội, quần hùng nổi dậy, Lưu Bang Hạng vũ thô hào … Đồng thời từ cuối câu: bắt đầu từ đế nghiệp của Tần Thuỷ Hoàng sớm đã tiêu vong, đi đến bài học lịch sử nghiêm trọng. Tầm nhìn của thi nhân vô cùng sâu rộng.
          Thi ca cũng có thể dùng đề tài tự sự. Nhưng trong thơ tự sự, việc tổ chức sự kiện nó phục tùng tổ chức tình cảm. Nhìn từ bài Trường hận ca 长恨歌 của Bạch Cư Dị 白居易, An Lộc Sơn 安禄山 tạo phản, Đường Huyền Tông 唐玄宗 bôn đào, Mã Ngôi pha 马嵬坡 binh biến, tiền nhân hậu quả này có thể nói đủ để cung cấp cho câu chuyện mấy tiếng đồng hồ đàn ca hát xướng, nhưng Trường hận ca chỉ dùng câu:
Ngư Dương bề cổ động địa lai
鱼阳鼙鼓动地来
(Trống trận Ngư Dương vang lên chấn động cả mặt đất)
nói thay việc An Lộc Sơn tiến vào Trường An. Dùng câu:
Lục quân bất phát vô nại hà
六军不发无奈何
(Sáu quân không chịu tiến lên, biết làm thế nào bây giờ?)
nói thay sự kiện binh biến ở Mã Ngôi. Dùng câu:
Uyển chuyển nga mi mã tiền tử
宛转娥眉马前死
(Cuối cùng người đẹp phải giãy giụa chết trước đầu ngựa)
nói thay việc Dương Quý Phi bị hạ đài. Việc thi nhân tô đậm sắc thái đều hướng đến việc cảm thụ tình cảm của Đường Minh Hoàng mất đi người mình yêu thương. Như:
Thục giang thuỷ bích, Thục sơn than
Thánh chủ triêu triêu mộ mộ tình
蜀江水碧蜀山青
圣主朝朝暮暮情
(Sông Thục xanh biếc, núi Thục xanh
Thánh chúa nhớ thương sớm sớm chiều chiều)
Hành cung kiến nguyệt thương tâm sắc
Dạ vũ văn linh đoạn trường thanh
行宫见月伤心色
夜雨闻铃断肠声
(Nơi hành cung nhìn vầng trăng khiến lòng đau xót
Đêm đổ mưa nghe tiếng chuông cảm thấy đoạn trường)
………
          Tóm lại, bài thơ này cùng với thuyết của nó nếu nói là thuật lại sự kiện binh biến ở Mã Ngôi, không bằng nói nó thuật lại tình cảm của Đường Minh Hoàng khi mất đi người mình yêu. Không có tình thì không thuật bày cũng là một đặc điểm của thi tài.
                                                                       (còn tiếp)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 29/3/2014

Nguyên tác Trung văn
THI NHÃN
诗眼
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post