QUẢN TRỌNG
(tiếp theo)
Trong việc tuyển chọn nhân tài, Quản
Trọng cũng đã có những cải cách. Ông mạnh dạn phá bỏ khuôn khổ cũ thế khanh thế
lộc, đặt ra chế độ dùng người mới, đề xuất lấy phẩm chất đạo đức, tài năng học
thức và công lao làm căn cứ cho tư tưởng nhậm dụng quan viên. Theo đó, từ bình
dân ông tuyển “tú dân” 秀民 (dân ưu
tú) ra làm chính sự, khiến không ít nhân tài ưu tú như Ninh Thích 宁戚 đảm nhiệm chức vụ trọng yếu,
từ đó đã nâng cao hiệu suất hành chính của cơ cấu nhà nước.
Những thực thi cải cách này của Quản
Trọng, khiến nước Tề nhanh chóng chấn hưng, ngày càng mạnh lên.
Lúc bấy giờ, nhà Chu
suy yếu, các nước chư hầu trang đoạt đất đai và nhân khẩu,
chiến tranh liên miên, thôn tính lẫn nhau. Nhung địch ở phương bắc và phương
tây nhân cơ hội xuống phương nam tiến về phía đông, tộc man ở phương nam cũng
có ý đồ tiến lên phương bắc, các chư hầu ở trung nguyên chịu sự uy hiếp nghiêm
trọng. Đối với tình hình này, Quản Trọng đề xuất chiến lược “tôn vương nhương
di” 尊王攘夷 để hiệu triệu thiên hạ, tức
tôn nhà Chu làm cộng chủ của thiên hạ, chống lại sự xâm lược trung nguyên của
nhung địch nam man. Chiến lược này đã được sự tán đồng của các nước chư hầu,
khiến Tề Hoàn Công có được sức hiệu triệu về chính trị.
Quản Trọng phò tá Tề Hoàn Công, theo
tư tưởng chiến lược “tôn vương nhương Di” tranh bá trung nguyên. Dưới sự chỉ
huy của ông, nước Tề trước sau đánh diệt được các nước Đàm 谭, Toại 遂,
Thái (Sái) 蔡, Cô Trúc 孤竹, khiến các nước Lỗ 鲁, Tống 宋, Trịnh 郑,
Trần 陈 đều phục tùng nước Tề, lại
giúp các nước Yên 燕, Hình 邢, Vệ 卫, Trịnh 郑
đánh bại nhung địch, và sự quấy nhiễu của nước Sở, bức Sở kết minh với Tề. Từ
năm 681 trước công nguyên trở đi, Quản Trọng trước sau giúp Tề Hoàn Công 9 lần
chủ trì hội minh với các nước chư hầu ở trung nguyên, đính lập được minh ước hỗ
tương hoà hảo. Đặc biệt là năm 667 trước công nguyên, ảnh hưởng hội minh cử
hành tại nước Tống là lớn nhất, dường như các nước chư hầu có ở trung nguyên đều
tham gia. Chu Huệ Vương 周惠王 còn phái
Thiệu Bá 召伯 tứ phong Tề Hoàn Công tước Hầu,
khiến Tề Hoàn Công trở thành bá chủ được công nhận. Đây chính là sự kiện Quản
Trọng giúp Tề Hoàn Công “cửu hội chư hầu, nhất khuông thiên hạ” 九会诸侯一匡天下 được chép trong sách sử. Vì thế Tề Hoàn Công tôn xưng
Quản Trọng là “Trọng phụ” 仲父.
Năm 647 trước công nguyên, em trai Chu
Tương Vương 周襄王 là Thúc Đới
叔带 tranh đoạt vương vị, câu kết
với sơn nhung tấn công kinh thành, vương thất nội loạn. Dưới sự sai khiến của Tề
Hoàn Công, Quản Trọng giúp Tương Vương bình định nội loạn, lập được đại công.
Năm 645 trước công nguyên, Quản Trọng
bệnh và qua đời. Trước khi mất, Quản Trọng tiến cử Tập Bằng 隰朋 (1) thay mình,
còn khuyên Hoàn Công phải xa rời nịnh thần.
Quản Trọng để lại một bộ trứ tác là Quản Tử 管子, gồm 76 thiên, trong đó
16 thiên ghi chép lại lịch sử nước Tề và tư tưởng của ông, là di sản văn hoá
quý giá.
Quản Trọng chấp chính 40 năm, khiến nước
Tề trở thành cường quốc, xưng bá thiên hạ, trở thành thiên cổ danh tướng, được
sĩ đại phu phong kiến đời sau tôn làm mẫu mực, cùng với Chu Công 周公 được xưng là thánh hiền muôn
đời truyền tụng.
CHÚ
CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)-
Theo Khang Hi tự điển 康熙字典,
chữ 隰 : bính âm là xí
- Quảng vận 廣韻
phiên thiết là TỰ NHẬP 似入
- Tập vận 集韻,
Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là TỊCH NHẬP
席入. Đều có âm là 習 (TẬP).
………………..
Hựu
tính. “Tả truyện – Hi cửu niên”: Tề Tập Bằng soái sư hội Tần sư, nạp Tấn Huệ
Công.
又姓 “左傳 - 僖九年”: 齊隰朋帥師會秦師, 納晉惠公
(Họ
người. “Tả truyện – Hi Công năm thứ 9”: Tập Bằng nước Tề dẫn quân hợp với quân
Tần, thu nạp Tấn Huệ Công)
(trang
1350, 1351. Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2002)
-
Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu,
chữ 隰phiên
âm là THẤP (trang 742).
-
Trong Từ điển Trung Việt của nhà xuất
bản Khoa học xã hội, chữ 隰 bính là xí , với 2 âm Hán Việt là TẬP và THẤP. (trang 1278)
Trong
nguyên tác Trung Quốc lịch đại Tể tướng lục,
chữ 隰
có bính âm bên cạnh là xí , tôi theo Khang Hi tự điển phiên âm chữ 隰 là TẬP.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/3/2014
Nguyên tác Trung văn
QUẢN TRỌNG
管仲
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ
TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm
Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất
bản xã, 1999.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật