PHƯƠNG THỨC
TU TỪ TỈ DỤ Ở CÂU ĐỐI
Để
hình tượng ngôn ngữ ở câu đối được sinh động cụ thể, người ta thường vận dụng
phương thức tu từ tỉ dụ. Tỉ dụ 比喻 còn gọi là “thí dụ”
譬喻, “thủ thí” 取譬, “thiết dụ” 设喻, tục xưng là “đả tỉ phương” 打比方.
Tỉ
dụ được chia làm 2 loại: minh dụ 明喻 và ẩn dụ 隐喻. Minh dụ là sự vật được ví và sự vật bị ví xuất hiện
đồng thời, giữa cả hai thường dùng những từ như “tượng” 像, “tự” 似, “như” 如, “nhược” 若. Ví dụ:
Hữu như tác
hoạ tu cầu đạm
Văn tự khan
sơn bất hỉ bình
友如作画须求淡
文似看山不喜平
(Kết bạn tựa vẽ tranh, cần phải nhạt
Làm văn như nhìn núi, không thích bằng phẳng)
Ý nói kết giao bạn bè giống như vẽ
tranh, “tu cầu đạm” 须求淡 (cần phải nhạt), “quân tử chi
giao đạm như thuỷ” 君子之交淡如水 (bậc quân tử kết giao với
nhau nhạt như nước lã), không nhất thiết suốt ngày phải ở bên nhau, không nhất
định phải nhiệt tình thái quá. Làm văn cũng giống như xem núi, “bất hỉ bình” 不喜平 (không thích bằng phẳng). Văn chương viết không văn vẻ,
bình thường không có gì lạ, nhạt nhẽo vô vị thì mọi người không thích xem. Do bởi
có tiêu chí “như” 如, “tự” 似, nhìn qua biết đó là
minh dụ.
Ẩn
dụ thì tỉnh lược những từ “tượng” 像, “tự” 似, “như” 如, “nhược” 若, “do” 犹, hoàn toàn che lấp dấu
vết tỉ dụ, như:
Nhật nguyệt
lưỡng luân thiên địa nhãn
Thi thư vạn
quyển thánh hiền tâm
日月两轮天地眼
诗书万卷圣贤心
(Nhật nguyệt hai vầng là mắt của trời đất
Thi thư vạn quyển là tâm của thánh hiền)
Đây
là cặp đối của Chu Hi 朱熹, Triết học gia,
Giáo dục gia đời Tống. Câu trên xem nhật nguyệt là “nhãn” của trời đất, lúc nào
cũng nhìn mọi vật trên thế gian, thấy rõ nhất cử nhất động của con người, vì thế,
làm người cần phải lòng dạ trong sáng, quang minh lỗi lạc. Câu dưới xem thi thư
là “tâm” của thánh hiền, chính là nói thông qua việc đọc sách có thể nghe được
những lời dạy bảo của thánh hiền, hiểu được tâm tư của thánh hiền, từ đó mà
tăng thêm sự tu dưỡng cho bản thân.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/3/2014
Nguồn
TRUNG HOA ĐỐI LIÊN TẢ TÁC
中华对联写作
Tác giả: La Duy Dương 罗维扬
Trường Sa: Nhạc Lộc thư xã, 2004
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật