Dịch thuật: Những cấm kị trong ẩm thực

NHỮNG CẤM KỊ TRONG ẨM THỰC

          Người Hán có câu: Dân dĩ thực vi thiên 民以食为天, phản ánh tập tục coi trọng ẩm thực. Ẩm thực không chỉ là nhu cầu sinh lí đơn thuần, mấy ngàn năm nay, mọi người đã phú cho ẩm thực những nội hàm văn hoá, những cấm kị trong ẩm thực là một bộ phận trong đó.
Cấm kị trong phương thức ẩm thực
          Về phương thức ẩm thực, rất nhiều cấm kị xuất phát từ ảnh hưởng mê tín, nhưng trong đó, đằng sau những cấm kị bề ngoài mê tín hoá, lại có hạt nhân xuất phát từ các phương diện khác như: vệ sinh, tiết kiệm, lễ nghi. Thời cổ người Hán có tục kị không được dùng tay bốc ăn, kị khi ăn làm rơi vãi cơm hoặc sau khi ăn xong cơm trong bát còn sót lại. Không cẩn thận để hạt cơm rơi xuống đất thì phải nhặt lên để trên bàn, nếu không chân giẫm phải sẽ bị sét đánh. Nếu trẻ con ăn không hết cơm, tương lai sẽ lấy phải người vợ hoặc người chồng mặt rỗ. Những cấm kị về dụng cụ dùng trong ẩm thực cũng rất nhiều, như trước khi ăn cơm lấy đũa gõ vào bát, tục cho đó là “cùng khí” 穷气, bởi thời trước những người ăn xin khi đi xin ăn mới làm như thế. Tư thế tay bưng bát nhìn chung là 5 ngón cong tự nhiên bưng lấy bát, kị dùng lòng bàn tay nâng lấy bát, lại kị dùng tay nắm vành bát, đây cũng là tướng của “cái bang”. Không được úp bát lên bàn, không được đem đũa cắm vào bát cơm, đó là những việc không tốt. Bởi chỉ có người bệnh sau khi uống thuốc mới úp bát lên bàn, biểu thị sẽ hết bệnh không còn uống thuốc nữa; khi gọi linh hồn của những người đã mất, mới cắm đũa vào bát cơm. Có một số người rất kĩ lưỡng, khi để li rượu, đôi đũa cũng có quy củ, nếu bên cạnh li mỗi bên để một chiếc đũa đó cũng là điều không tốt, bởi sẽ “khoái (khoái) phân khai liễu” () 分开了(nhanh chóng chia lìa).
          Về cách dùng đũa, “tiệt khoái” 截筷 và “lệ khoái” 泪筷 đều là bị người ta cho là không nên. “Tiệt khoái” có 2 loại:
          - Khi chủ nhân gắp thức ăn cho khách, khách dùng đũa đón thức ăn trong không trung.
          - Khi hai người đồng thời giơ đũa gắp thức ăn, hai đũa đụng nhau.
          “Tiệt khoái” là hành vi không lịch sự. Còn “lệ khoái” tức gắp thức ăn trong canh để nước canh nhỏ không ngừng. Cách ăn như thế người ta cho là không vệ sinh, không được dạy bảo.
          Những cấm kị này không những không hại gì đối với con người mà ngược lại còn nuôi dưỡng thành tập quán ẩm thực của văn minh nhân loại.
Cấm kị đối tượng ẩm thực
          Cấm kị đối tượng ẩm thực tức cấm kị thực vật 食物 (thức ăn). So với các dân tộc khác, dân tộc Hán về ẩm thực tự mình hạn chế hoặc cấm kị là rất ít, nhưng một số quan niệm tín ngưỡng cổ xưa vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn đối với ẩm thực.
          Trong dân gian có kị ăn không sạch hoặc cấm kị vật của thần thánh. Có loại nhân vì tâm lí lo sợ mà cấm kị ăn một số động thực vật nào đó. Động thực vật đa phần có thuộc tính của nó, như gấu, beo hung dữ, thịt và da gà mái thô ráp, tục tin rằng thuộc tính của những loại động vật này sẽ nhiễm vào người ăn. “Ăn tim gấu gan beo” con người sẽ trở nên hung dữ vô tình như chúng; ăn thịt gà mái, da của người sẽ trở nên thô ráp; ăn gừng, sinh con sẽ có 6 ngón tay; ăn thịt thỏ, sinh con sẽ sứt môi; ăn giấm, sẽ sinh lòng đố kị; ăn cá, không biết số. Nhất là không được ăn những loài có trạng thái dị thường, như gà vịt bị dịch, sợ ăn vào sẽ dẫn đến những thay đổi bất lợi.
          Có một số động thực vật sẽ dẫn đến sự liên tưởng lo sợ cũng kiêng ăn. Như ngư dân ở một vùng thuộc Phúc Kiến 福建, lấy cá lớn làm món ăn chính, nhưng họ kị ăn cá lớn trên mặt đất để tránh nguy hiểm té ngã khi lên núi. Người Sơn Đông 山东 không cho trẻ con ăn táo chưa chín sợ sinh ghẻ, muốn ăn trước tiên phải bỏ phần đầu đi. Có những cấm kị thực vật sản sinh do lòng yêu thích đối với động vật. Ví dụ một số nơi của người Hán có tập tục cấm ăn thịt trâu. Đối với nông dân mà nói, trâu là công cụ lao động không thể thiếu, nhân vì giúp cho con người, nó quanh năm lao khổ, lại hiểu được tính người, cho nên không nỡ giết lấy thịt. Có một số cấm kị thức ăn chỉ nhằm cho một bộ phận người, như vùng Giang Nam 江南, kẹo cúng Táo thần cấm kị trẻ con và phụ nữ ăn, người lớn thì không kị. Một số nơi trong một thời gian nhất định kị ăn một số thức ăn nào đó, như vùng Nam Kinh 南京 trước đây lấy ngày mồng 2 tháng Giêng làm sinh nhật của Mễ Nương Nương 米娘娘, vùng Thấm Dương 沁阳 Hà Nam 河南 lấy ngày mồng 3 tháng Giêng làm sinh nhật Cốc Tử 谷子, những nơi đó kị ăn cơm một ngày.
          Cấm kị về ẩm thực không chỉ có những nội dung nêu trên, khi uống rượu, uống trà cùng ăn uống vào những ngày lễ tết đều có không ít cấm kị. Các loại cấm kị hoặc nhiều hoặc ít đều có thành phần mê tín, nhưng lại là một bộ phận trong văn hoá ẩm thực phong phú của Trung Quốc, phản ánh tập quán cùng tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 28/3/2014

Nguyên tác Trung văn
ẨM THỰC CẤM KỊ
饮食禁忌
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post