Dịch thuật: Dụng binh như thần

DỤNG BINH NHƯ THẦN
用兵如神

Giải thích: trong việc dùng binh tác chiến, liệu đoán sự việc như thần. Hình dung giỏi dùng mưu lược thường đánh thắng trận.
Xuất xứ: Minh . La Quán Trung 罗贯中: Tam quốc diễn nghĩa 三国演义.

          Năm Kiến An 建安 thứ 18 nhà Đông Hán (năm 213), Lưu Bị 刘备 để Chư Cát Lượng 诸葛亮 (1) trấn thủ Kinh Châu 荆州, tự mình dẫn binh tấn công Ích Châu 益州. Năm sau, Chư Cát Lượng cũng xuất binh tấn công Lạc Thành 雒城 chi viện cho Lưu Bị. Chư Cát Lượng được biết Trương Nhậm 张任 là danh tướng Ích Châu, rất có đảm lược nên không thể khinh địch, vì vậy đã định ra kế sách: bắt Trương Nhậm trước, sau đó lấy Lạc Thành. Bảo Hoàng Trung 黄忠, Nguỵ Diên 魏延 mai phục gần cầu Kim Nhạn 金雁 ở phía đông Lạc Thành, để tiện dụ địch  tới, bắt sống Trương Nhậm.
          Mọi việc sắp đặt xong, Chư Cát Lượng đích thân đi dẫn dụ Trương Nhậm. Ông dẫn một đội quân không chỉnh tề chạy qua cầu Kim Nhạn đối trận cùng Trương Nhậm. Chư Cát Lượng chỉ Trương Nhậm và nói rằng:
          Tào Tháo tuy có trăm vạn đại quân, nghe đến danh tiếng của ta cũng theo gió mà chạy. Ông còn không mau đầu hàng?  
          Trương Nhậm nhìn thấy hàng ngũ đội quân Chư Cát Lượng không chỉnh tề, trên lưng ngựa cười nói rằng:
          Mọi người đều nói Chư Cát Lượng dụng binh như thần, hoá ra là hữu danh vô thực!
          Nói xong liền nâng thương, quân sĩ ào lên. Lúc bấy giờ Chư Cát Lượng lui qua cầu. Trương Nhậm không biết đó là kế, từ phía sau đuổi theo. Qua khỏi cầu Kim Nhạn, Trương Nhậm trúng mai phục, vội vàng cho lui quân. Khi lui quân, cầu đã bị chặt đứt, cuối cùng bị Trương Phi 张飞 bắt sống.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Về tên nhân vật Chư Cát Lượng, với chữ :
          - Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “Chư”. (trang 630)
          - Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan cũng chỉ có âm “Chư”. Và ở nét nghĩa số 11 ghi rằng: Họ người (Chư Cát Lượng 诸葛亮, tức Khổng Minh đời Tam quốc). (trang 1339)
          - Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có các âm đọc như sau:
          * Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chương ngư” 章魚Tập vận集韻, Loại thiên 類篇, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều có phiên thiết là “ chuyên ư”專於, đọc như chữ  nhưng bình thanh. Âm đọc này có nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa là họ kép:
          Hựu phức tính. “Hán thư” hữu Chư Cát Phong. “Tam quốc chí” hữu Chư Cát Lượng.
          又複姓. “漢書” 有諸葛豐. “三國志” 有諸葛亮.
          (Họ kép. Trong “Hán thư” có Chư Cát Phong. “Trong “Tam quốc chí” có Chư Cát Lượng)
         * Quảng vận 廣韻  phiên thiết là “chính xa” 正奢 . Tập vận 集韻  phiên thiết là “chi xa” 之奢, đều có âm là  (già), cũng là một họ.
          (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1146, 1147).
          Như vậy tên gọi đúng của nhân vật là Chư Cát Lượng, nhưng mọi người quen đọc là Gia Cát Lượng. 

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 14/3/2014

Nguyên tác Trung văn
DỤNG BINH NHƯ THẦN
用兵如神
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post