Dịch thuật: Cơ quan âm nhạc nổi tiếng nhất thời cổ Trung Quốc

CƠ QUAN ÂM NHẠC NỔI TIẾNG NHẤT
THỜI CỔ TRUNG QUỐC

          Năm Nguyên Đỉnh 元鼎 thứ 5 đời Hán Vũ Đế 汉武帝 (năm 112 trước công nguyên), Nhạc phủ 乐府 được thiết lập. Nhạc phủ giống như đoàn ca múa nhạc ngày nay, Hiệp luật đô uý 协律都尉 là người lãnh đạo nghiệp vụ cao nhất của cơ quan này. Những người làm công tác chuyên nghiệp ở Nhạc phủ tiến hành thu thập và chỉnh lí, gia công dân ca của các vùng Triệu, Tần, Sở, sau đó sẽ do Hiệp luật đô uý phổ thành khúc mới dạy cho nhạc nhân ca hát để Đế Hậu Vương phi, Công Hầu, cùng khanh tướng thưởng thức. Thời kì “Nhạc phủ” phồn thịnh nhất có đến hơn 800 nhạc công, đa phần họ là những âm nhạc gia, văn học gia và nghệ nhân dân gian của một ngành. Cơ quan âm nhạc này là sản vật văn hoá phát triển theo bối cảnh trình độ kinh tế đời Hán đã phát triển đến một độ cao nhất định.
          “Nhạc phủ” nguyên vốn là một cơ quan sưu tập thơ và chế nhạc đầu đời Hán, sau chuyển sang chỉ thơ Nhạc phủ đời Hán. Thời Hán Huệ Đế 汉惠帝, có quan Nhạc phủ lệnh 乐府令, có khả năng lúc bấy giờ đã có Nhạc phủ. Thời Hán Vũ Đế, quy mô Nhạc phủ được mở rộng, trở thành một cơ quan chuyên biệt coi về âm nhạc khi tế tự. tuần hành, triều hội, yến tiệc, kiêm quản việc sưu tập ca dao dân gian, cung cấp cho kẻ thống trị quan sát phong tục, hiểu được dân tình hậu bạc. Những bài ca dao được sưu tập này cùng những thi ca đã được Nhạc phủ phối thành nhạc khúc được người đời sau gọi là “thơ Nhạc phủ”. Thời Đông Hán vẫn thiết lập Nhạc phủ.
          Theo Hán thư – Nghệ văn chí 汉书 - 艺文志, thời Tây Hán, dân ca các vùng mà Nhạc phủ sưu tập tổng cộng có 138 thiên, nhưng lưu truyền đến nay chỉ còn ba bốn mươi thiên, cộng với dân ca và những tác phẩm của văn nhân thời Đông Hán hiện tồn trong Nhạc phủ có hơn 100 thiên, được thấy rải rác trong Hán thư 汉书, Hậu Hán thư 后汉书, Văn tuyển 文选 và trong Ngọc Đài tân vịnh 玉台新咏 của Từ Lăng 徐陵 thời Nam triều, riêng Nhạc phủ thi tập 乐府诗集 do Quách Mậu Thiến 郭茂倩 đời Tống biên soạn là thu thập hoàn bị nhất.
          Nhạc phủ thi tập là tác phẩm được sắp xếp theo thể loại âm nhạc, có 4 loại liên quan đến Nhạc phủ, trong đó bài Hán giao tự ca 汉郊祀歌 xếp đầu tiên trong Giao miếu ca từ 郊庙歌辞  là nhạc ca do các văn nhân đời Hán sáng tác để tế tự tông miếu. Dưới tiêu đề các bài Cổ xuý ca từ 鼓吹歌辞, Tương hoà ca từ 相和歌辞 và Tạp khúc ca từ 杂曲歌辞 có nêu rõ là tác phẩm “cổ từ” 古辞, về cơ bản đều là dân ca thời Tây Hán. Trong những tác phẩm của văn nhân mà Tạp khúc ca từ thu thập có một số là của thời Đông Hán.
          Nhạc phủ đời Hán, dân ca chiếm đa số, dân ca cũng chính là tinh hoa trong đó. Từ ý nghĩa mà nói, khi nhắc đến Nhạc phủ đời Hán, mọi người thường chỉ dân ca trong Nhạc phủ. Những bài dân ca này đều “cảm vu ai lạc, duyên sự nhi phát” 感于哀乐缘事而发 (cảm xúc trước những buồn vui, theo sự việc mà bộc phát). Như những bài Đông môn hành 东门行, Cô nhi hành 孤儿行, Phụ bệnh hành 妇病行, Chiến thành nam 战城南, Thập ngũ tùng quân chinh 十五从军征, Ấm mã Trường thành quật hành 饮马长城窟行, Thướng sơn thái mi vu 上山采蘼芜 … đã phản ánh sâu sắc và rộng rãi tình hình sinh hoạt xã hội lúc bấy giờ cùng những khổ nạn mà người dân gặp phải. Những bài như Hữu sở tư 有所思, Thượng tà 上邪 … là những bài tình ca cảm động chân thành. Bài Mạch thượng tang 陌上桑 ca ngợi sự coi thường và phản kháng của một phụ nữ lao động đối với nhân vật quý tộc, thể hiện nguyện vọng của nhân dân. Bài Khổng tước đông nam phi 孔雀东南飞lấy việc phê phán lễ giáo phong kiến, ca tụng khí tiết cao thượng làm chủ đề, lại có đề câu: “Cổ thi vị Tiêu Trọng Khanh thê tác” 古诗为焦仲卿妻作 (Cổ thi vì vợ của Tiêu Trọng Khanh mà sáng tác), là bài thơ tự sự trường thiên mà trước đó chưa từng có, trong lịch sử văn học Trung Quốc có một địa vị tương đối cao. Thơ Nhạc phủ mà các văn nhân đời Hán sáng tác cũng là những giai tác, như bài Vũ Lâm Lang 羽林郎 của Tân Diên Niên 辛延年, Đổng Kiều Nhiêu 董娇饶 của Tổng Tử Hầu 宋子侯, nhưng những thi ca này cũng được sáng tác dưới ảnh hưởng của dân ca.
          Truyền thống ưu tú của chủ nghĩa hiện thực trong Nhạc phủ đời Hán đã có tác dụng mang tính khuôn mẫu đối với nhiều thi nhân đời sau, và với hình thức lấy ngũ ngôn và tạp ngôn làm chính, nó cũng đã thúc đẩy sự phát triển của thể thơ.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 07/3/2014

Nguyên tác Trung văn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI TỐI TRỨ DANH ĐÍCH ÂM NHẠC CƠ CẤU
中国古代最著名的音乐机构
Trong quyển
TRUNG QUỐC CHI TỐI
QUÂN SỰ KHOA KĨ – THỂ DỤC NGHỆ THUẬT
中国之最
军事科技体育艺术
Chủ biên: Lưu Chấn Vũ 刘振宇
Bắc Kinh: Kinh Hoa xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post