BÍ ẨN VỀ GIÁP CỐT VĂN Ở ÂN KHƯ
(tiếp theo)
Từ
tháng 10 năm 1928 đến tháng 6 năm 1937, khai quật tổng cộng 15 lần, do bởi chiến
tranh chống Nhật bùng nổ nên không thể không ngừng lại. Sau giải phóng, tiếp tục
tiến hành khai quật khoa học hơn 20 lần. Di chỉ “Ân khư” không những lần đầu
tiên áp dụng phương pháp khai quật khảo cổ có hệ thống khoa học, đào tạo bồi dưỡng
cho đất nước Trung Quốc mới một số lượng lớn nhân tài chuyên nghiệp, mà còn đạt
được những thành quả cực kì to lớn. Trải qua hơn nửa thế kỉ khai quật, tổng cộng
có được 15 vạn mảnh giáp cốt, di chỉ cung điện 56 toà, 11 mộ lớn cuối đời
Thương, 3 hố tế tự, trong đó nô lệ tuẫn táng và dùng trong tế tự có đến hơn
5000 người. Những tư liệu này chứng minh thôn Tiểu Đồn - một làng nhỏ bình thường ở phương bắc Trung
Quốc lại là quốc đô thời kì nhà Thương hơn 3000 năm trước.
Triều Thương khoảng từ thế kỉ
14 đến thế kỉ 11 trước công nguyên, trải qua 273 năm. Sau khi Tây Chu diệt
Thương, nơi đây dần suy tàn, cuối cùng thành gò hoang, đến đời Minh khi thành lập
thôn Tiểu Đồn ở đây , nơi đây đã là một vùng đất hoang, nhân vì vùng này vào
triều Thương được gọi là “Ân” 殷, nên mọi người có
lúc gọi triều Thương là Ân, gò hoang này được gọi là “Ân khư” 殷墟. Người đời sau chỉ thấy 2 chữ “Ân khư” trong sách cổ,
mà không biết nó ở đâu. Vì thế, việc khai quật Tiểu Đồn , ý nghĩa của nó đã vượt
xa đối với việc tìm kiếm giáp cốt văn.
Trong các sách thời cổ của
Trung Quốc, những ghi chép có liên quan đến lịch sử đời Thương tương đối ít,
ngay cả Tư Mã Thiên 司马迁 khi viết bộ Sử
kí 史记 cũng cảm thấy thiếu tư liệu. Việc phát hiện giáp cốt văn đã bổ sung
thiếu sót cho những ghi chép lịch sử. Nội dung mà giáp cốt văn có đề cập vô
cùng rộng, bao gồm nông nghiệp, chăn nuôi, săn bắn, có cả nội dung về thiên
văn, lịch pháp, y học, tế tự, nó cung cấp những tư liệu quan trọng cho chúng ta
nghiên cứu lịch sử đời Thương.
Đặc biệt là việc phát hiện bản
thân giáp cốt văn có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử phát triển văn tự Trung Quốc.
Nó là văn tự sớm nhất của Trung Quốc mà đến nay phát hiện được, có hệ thống và
quy luật nghiêm mật. Nó khác với kí hiệu giống như văn tự hoặc phù hiệu tượng
hình trên những mảnh gốm ở di chỉ Bán Pha 半坡 ở Tây An 西安 và di chỉ thôn Đài Tây 台西,
Hao Thành 蒿城, Hà Bắc 河北. Loại sau số lượng
rất ít, vừa không có hệ thống vừa không có quy luật, từ ý nghĩa nghiêm túc mà
nói nó không thể xem là hệ thống văn tự. Việc phát hiện giáp cốt văn đã chứng
minh cách đây hơn 3500 năm tại Trung Quốc đã hình thành một hệ thống văn tự
hoàn chỉnh. Chữ khắc trên giáp cốt, nét bút chỉ có thể thẳng tới thẳng lui,
nhân đó mà hình thành phong cách chữ khối vuông Trung Quốc.
Trong
giáp cốt văn, những ghi chép về khí tượng tương đối kĩ, ví dụ chỉ riêng miêu tả
lượng mưa có “đại vũ” 大雨, “tiểu vũ” 小雨, “mịch vũ” 糸雨 (mưa bụi), “chỉ vũ”
祉雨 (mưa liên miên không dứt). Về dự báo mưa, ở một trình
độ nhất định cũng tương đối chuẩn xác, ví dụ ở một bốc từ viết như sau:
Kỉ Dậu, tự kim tuần vũ? Tam nguyệt, Tân
Hợi vũ.
己酉, 自今旬雨? 三月, 辛亥雨
ý nghĩa là: Tháng 3 Kỉ Dậu ngày này bói, hỏi: từ hôm
nay trở đi, trong tuần này (10 ngày) có mưa không? Đến ngày thứ 3 sẽ có mưa.
Những dự
đoán này nhìn từ văn tự dường như là có một số mê tín, nhưng nếu không có những
kinh nghiệm quan sát khí tượng phong phú thì rất khó để có được những phán đoán
tương đối chính xác. Điều này cũng nói rõ vào đời Thương ở Trung Quốc đã có những
dự báo đối với hiện tượng tự nhiên là mưa.
Trong
giáp cốt văn đối với những ghi chép về thiên văn lịch pháp càng có giá trị.
Trong đó có những ghi chép liên quan tới nhật thực, nguyệt thực, tinh tú, là những
tư liệu quý báu sớm nhất trên thế giới có liên quan đến thiên văn học, có ý
nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu thiên văn học thế giới. Có bốc từ viết
rằng:
Quý Dậu trinh: nhật tịch hữu thực, giai nhược? Quý Dậu
trinh: nhật tịch hữu thực, phi nhược?
癸酉贞:
日夕有食, 佳若? 癸酉贞: 日夕有食, 非若?
ý nghĩa là: ngày Quý Dậu bói, hỏi: nếu như chiều tối
có nhật thực, đó là tốt hay là không tốt?
Nói
chung nhật thực phát sinh vào ban ngày, nhưng lần này có khả năng phát sinh vào
chiều tối, vì thế vua nhà Thương rất lo mới bói. Ngoài ra còn có những ghi chép
liên quan đến tinh tú như: “tân tinh” 新星, “tân đại tinh” 新大星,
“điểu tinh” 鸟星, “đại tinh” 大星.
Ngoài
ra, trong giáp cốt văn còn có những nội dung có liên quan đến việc sinh con
trai, sinh con gái, săn bắn có thuận lợi không, chinh phạt có thành công không,
nô lệ trong lúc lao động có bỏ trốn không. Tóm lại, giáp cốt bốc từ phong phú
đã cung cấp một số lượng lớn tư liệu đáng tin để chúng ta nghiên cứu lịch sử đời
Thương. Nhưng chung quanh giáp cốt văn cũng có nhiều bí ẩn chưa thể giải đáp
đang đợi chúng ta tìm hiểu. Ví dụ như giáp cốt văn đến nay đã phát hiện hơn
4500 chữ đơn, nhưng trước mắt nhận biết được chỉ có 2000 chữ, còn hơn 2500 chữ
vẫn chưa nhận biết, đa số là tên đất, tên người hoặc chữ chuyên dùng. Đây cũng
là một thách thức lớn của giáp cốt văn đối với học giả hiện đại. Trong những chữ
đã nhận biết, cũng có câu không có cách nào nhận định hàm nghĩa, như câu bốc từ “nhật hựu tai” 日又哉.
Có người cho rằng đó cũng là chỉ nhật thực, nhưng cũng có người cho rằng đó là nhưng
ghi chép sớm nhất liên quan đến vết đen trên mặt trời. Thuyết nào chính xác,
trước mắt vẫn chưa định được.
Trong
việc nghiên cứu giáp cốt văn, vấn đề giống như thế còn không ít, như ghi chép
có liên quan đến tên đất, tên sông trong giáp cốt văn có quan hệ gì với tên đất,
tên sông hiện nay.v.v… Những năm 70 của thế kỉ 20, giáp cốt văn Tây Chu phát hiện
tại di chỉ Chu nguyên 周原
Thiểm Tây 陕西 đã cung cấp những tư liệu mới để nghiên cứu giáp cốt
học. Nhưng trong số đó, có một số những văn tự trên giáp cốt phải dùng đến kính
phóng đại gấp 5 lần mới có thể nhìn rõ, thế thì vào thời Tây chu, khi kĩ thuật
điêu khắc tinh vi chưa phát đạt, những văn tự nhỏ như thế được khắc như thế
nào? đến nay vẫn là một bí ẩn chưa giải đáp được.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 25/3/2014
Nguyên tác Trung văn
ÂN KHƯ GIÁP CỐT VĂN CHI MÊ
殷墟甲骨文之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật