Ảnh: Chùa Long Khánh Quy Nhơn


Tượng Phật A Di Đà
14g49 ngày 29/01/2014


Tổ đường 
15g00 ngày 29/01/2014


Hành lang bên phải chánh điện 
15g20 ngày 29/01/2014


Hành lang bên trái chánh điện 
14g58 ngày 29/01/2014


Sắc tứ Long Khánh tự 
15g10 ngày 29/01/2014


Mặt tiền chánh điện
14g53 ngày 29/01/2014


Lầu chuông 
15g 08 ngày 29/01/2014


Tam quan 
15g24 ngày 29/01/2014

CHÙA LONG KHÁNH 
(Phường Trần Hưng Đạo, thành phốQuy Nhơn)


CHÙA LONG KHÁNH 
          Chùa Long Khánh toạ lạc tại số 141 đường Trần Cao Vân, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, đây là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bình Định.
          Tổ Khai sơn là Thiền sư Hải Khiển, hiệu Đức Sơn, đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế. Về niên đại xây dựng chùa, có tài liệu cho là năm 1700, có tài liệu cho là năm 1709. Kiến trúc nguyên thuỷ của chùa không còn, tương truyền được xây dựng bằng gỗ và tranh. Hiện chùa có kiến trúc theo hình chữ “khẩu”, phía trước có chánh điện gồm hai ngôi nhà ngói nằm ngang liền mái, ngôi đứng trước là Tiền đường, ngôi đứng sau là Hậu điện, hai bên là Đông đường và Tây đường, phía sau là Tổ đường.
Theo quyển Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định, Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, năm trùng tu và tái thiết chùa như sau:
          - Chánh điện được tái thiết và hoàn thành năm 1956 – 1957
          - Tam quan và bờ thành xây xong năm 1958
          - Đồng tượng Đức Thế Tôn (hiện thờ trong chánh điện) đúc năm 1960
          - Đông đường và Tây đường trùng tu xong năm 1967
          - Tổ đường (tầng trên), Giảng đường (tầng trệt) tái thiết năm 1967
          - Lầu chuông lầu trống đều được tái thiết năm 1971
          - Tượng đài Di Đà phóng quang xây dựng năm 1972.
Tượng ở sau hồ sen, trước chánh điện. Tượng bằng xi măng cốt sắt, cao 17m, toà sen và chân đế cao 5m.
          Hiện chùa đã xây thêm các dãy nhà phụ và dựng tượng đài Di Lặc.
Về Tổ Khai sơn
          Cũng trong quyển Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định, Lộc Xuyên Đặng Quý Địch có viết:
          Thiền sư huý Hải Khiển, hiệu Đức Sơn, đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế, chưa rõ ngài thuộc kệ phái nào, đệ tử ai. Căn cứ vào long vị hiện còn thì ngài sinh năm Ất Mùi. Ông Nguyễn Hiền Đức tác giả bộ “Lịch sử Phật giáo đàng trong” đoán định Dương lịch là năm 1655; Ngài tịch năm Tân Dậu, cả ông Đức lẫn tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đều đoán định Dương lịch là năm 1741. Như vậy ngài thọ được 89 tuổi Dương. Tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” căn cứ theo truyền thuyết trong chùa thì ngài là người Trung Hoa, đã xuất gia tu học từ bên ấy rồi mới sang Quy Nhơn lập chùa là khoảng năm Kỷ Sửu (1709) (?). Tháp ngài ở đâu chưa rõ, (hiện trong vườn chùa có hai ngôi tháp cổ, bia bằng đá xanh, nhưng nét chữ đã mờ không đọc được, không ai dám quả quyết là tháp của ai, chỉ biết là của các đời trước.)… (trang 45)
Theo quyển Danh mục Tu viện – Tịnh xá – Tịnh thất niệm Phật đường tỉnh Bình Định của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Định in năm 2007, chùa Long Khánh được tạo lập vào năm 1709, năm trùng tu là 1957, 2005.

Nguồn
- Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định, (tập thượng quyển thượng). Nxb Đà Nắng, 2012

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 15/3/2014

Previous Post Next Post