TỪ HÀNH LANG ĐẾN QUAN LANG
BÀN VỀ CHỮ “LANG”
Chữ
“lang” 郎 trong Thuyết
văn 说文, đầu tiên giải thích là địa danh. Vùng đất đó tại huyện Ngư Đài 鱼台 Sơn Đông 山东. Trong Lễ kĩ – Đàn Cung 礼记 - 檀弓 có ghi:
Chiến vu Lang
战于郎
(Đánh nhau ở đất Lang)
Chính là đánh nhau ở Ngư Đài. Về sau lấy địa danh làm
tính (1), Trung Quốc nhân dân
đại từ điển 中国人民大辞典 thu thập 32 người tính Lang, như thi nhân đời Đường
Lang Sĩ Nguyên 郎士元, tác gia đời Tống Lang Anh 郎瑛,
danh nhân đương đại Lang Bình 郎平.
“Lang”
là quan danh, cận thần của đế vương. Quan Lang sở dĩ gọi là “lang” 郎, bởi “郎” (lang) tức “廊”
(lang), vị quan này thường ở tại hành lang, tuỳ thời đợi mệnh vua cho nên gọi
là “Lang quan” 郎官 (2). Quan Lang bắt đầu từ thời Chiến Quốc, thời Tây Hán
trừ Nghị Lang 议郎 ra, đa phần là Trung Lang quan 中郎官bảo vệ cung đình, có thể sung vào xa kị. Trong quan thự
của Trung Lang, đặt Trung Lang tướng 中郎将, lãnh đạo quan
Lang. Mọi người đều biết, phụ thân của Thái Diễm 蔡琰
là Thái Ung 蔡邕 được gọi là Thái Trung Lang 蔡中郎,
ông chính là Trung Lang tướng, người thời Linh Đế 灵帝
nhà Đông Hán. Theo chế độ nhà Hán, quan viên hưởng 2000 thạch trở lên, con em
được nhậm chức Lang. Trong Hán thư – Tô
Vũ truyện 汉书 - 苏武传 có câu:
Vũ tự Thiếu Khanh, thiếu dĩ phụ nhậm,
huynh đệ tịnh vi Lang
武字少卿, 少以父任, 兄弟并为郎
(Vũ tên tự là Thiếu Khanh,
lúc trẻ nhân vì phụ thân làm quan nên anh em đều được làm Lang)
Chính là nói anh em của Tô Vũ nhân vị phụ thân là Tô
Kiến 苏建 từng được phong là Bình Lăng Hầu 平陵侯, làm quan tới chức Thái thú quận Đại 代, cho nên đều được làm Lang. Lang thời Đông Hán là thuộc
quan của Thượng thư. Sau thời Nguỵ Tấn, Lang trung là chủ quan các tào của Thượng
thư; thời Tuỳ Đường, Thượng thư đứng đầu Lục bộ, Lang trung là tư quan.
Có liên
quan với “Lang trung” là từ “Viên ngoại” 员外
thường thấy trong tiểu thuyết cũ. Viên ngoại là vị quan ngoài chính quan,
nguyên từ “Viên ngoại lang” 员外郎 thời Lục triều,
phân biệt với quan “Lang trung” tại triều. Chức Viên ngoại đời sau có thể dùng
tiền để mua, cho nên Viên ngoại đều là những sĩ thân 士绅
vừa có tiền vừa có thế.
“Lang”
cũng là từ nô bộc gọi chủ, cũng gọi là “Lang chủ” 郎主.
Trong Nhật tri lục 日知录 cho chúng ta
biết:
Tự Đường dĩ hậu, đồng bộc xưng chủ nhân
thông vị chi Lang (3).
自唐以后, 僮仆称主通谓之郎
(Từ đời Đường trở về sau, tôi tớ gọi chủ nhân là Lang)
Ví dụ như Trương Dịch Chi 张易之
quý hiển đời Đường có Tông Sở Khách 宗楚客và em trai là Tấn
Khanh 晋卿, trời sáng đợi Trương Dịch Chi ở cửa, Trương ra khỏi
cửa, anh em họ giành nhau đánh xe cho Trương Dịch Chi. Bọn họ gọi Trương Dịch
Chi là Ngũ lang 五郎, gọi Trương Xương Tông 张昌宗em
trai Trương Dịch Chi là Lục lang 六郎 mà không gọi quan
danh. Về sau Tông Sở Khách dựa vào mối quan hệ Võ Tắc Thiên 武则天 là cô (*) cùng với bản lĩnh siểm nịnh đã
làm đến chức Tể tướng. Còn như Lí Phụ Quốc 李辅国
quý hiển thời Đường Túc Tông 唐肃宗, hoạn quan không
dám gọi chức quan mà chỉ gọi ông là Ngũ lang.
“Lang”
cũng là từ mĩ xưng đối với nam, đa phần chỉ thanh thiếu niên. Tạ Đạo Uẩn 谢道蕴 gọi người chồng Vương Ngưng Chi 王凝之 là Vương lang. Phan Nhạc 潘岳
đời Tấn dung mạo xinh đẹp, mọi người gọi ông là Phan lang. Trong hí kịch, Dương
Diên Chiêu 杨延昭 của Dương gia tướng là Dương Lục lang; Tô Tam 苏三 gọi Vương Kim Long 王金龙
là Tam lang. Trong Xích Bích hoài cổ 赤壁怀古, Tô Thức 苏轼 gọi Chu Du 周瑜 là Chu lang. Trong Giang Biểu truyện 江表传, sĩ dân gọi
Tôn Sách 孙策 là Tôn lang. Những người này nhìn chung đều làm quan,
gọi họ là “lang”, tuy không phải là quan Lang, nhưng cách gọi này cũng từ quan
Lang phát triển diễn biến mà ra.
Gọi thầy
thuốc là “lang trung” có người nói cũng có liên quan đến quan Lang. Trong Thúc viên tạp kí 菽园杂记 của Lục Dung 陆容 đời Minh có nói, người Mông Cổ vào trung nguyên, vì
không hiểu rõ quan chế trung nguyên, đã tuỳ ý phong quan (4). Cách
nói này e là khó đứng vững, bởi trước đó, vào thời Tống đã gọi thầy thuốc giang hồ là “Lang trung”. Trong Di kiên chí 夷坚志 của Hồng Mại 洪迈
đời Tống có ghi “Lưu Lang trung tế thẩm thử bệnh” 刘郎中细审此病 (Lang trung họ Lưu xem xét kĩ bệnh này). Trong Nhật tri lục 日知录 cũng nói:
Bắc nhân vị y sinh vi Đại phu, nam nhân
vị chi Lang trung.
北人谓医生为大夫, 南人谓之郎中
(Người phương bắc gọi thầy
thuốc là Đại phu, người phương nam gọi thầy thuốc là Lang trung)
Nói như thế, từ “Lang trung”
cũng có quan hệ với phương ngôn khu vực.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Trần Minh Viễn 陈明远,
Uông Tông Hổ 汪宗虎: Trung Quốc
tính thị đại toàn 中国姓氏大全 trang 182:
Lang tính hữu nhị cá lai nguyên, nhất thị Lỗ
Ý Công chi tôn, Phí Bá cư vu Lang, tử tôn dĩ địa vi tính.
郎姓有二个来源, 一是鲁懿公之孙, 费伯居于郎, 子孙以地为姓.
(Tính
Lang có 2 nguồn gốc, một là cháu của Lỗ Ý Công, Phí Bá sống ở đất Lang, con
cháu ông lấy tên đất làm tính)
(Bắc Kinh xuất bản xã)
(2)- Thẩm Khởi Vĩ 沈起炜:
Trung học Lịch sử giáo sư thủ sách 中学历史教师手册, trang
121, Thượng Hải giáo dục xuất bản xã.
(3)- Cố Viêm Vũ 顾炎武:
Nhật tri lục 日知录, quyển 24, mục
“Lang”, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
(4)- Tài liệu Thúc
viên tạp kí 菽园杂记, tham khảo bài “Lang trung” 郎中ở Tân Dân vãn báo 新民晚报 ngày 5 tháng
6 năm 1988.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Trong Lịch
đại Tể tướng lục 历代宰相录 do Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
biên soạn nói mẹ của Tông Sở Khách 宗楚客 là chị họ của Võ Tắc
Thiên.
(trang 480, Thượng Hải văn hoá
xuất bản xã, 1999)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/02/2014
Nguyên tác Trung văn
LANG HẠ ĐÁO LANG QUAN
ĐÀM “LANG”
廊下到郎官
谈 “郎”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật