THƯƠNG ƯỞNG
Thương Ưởng 商鞅
(khoảng năm 390 đến năm 338 trước công nguyên), Tể tướng đời Tần Hiếu Công 秦孝公 thời Chiến Quốc.
Chính trị gia, cải cách gia nổi tiếng. Bị quý tộc sát hại, hưởng niên khoảng 53
tuổi.
Thương
Ưởng người nước Vệ, tính Công tôn 公孙, gọi là Công Tôn Ưởng 公孙鞅, cũng được gọi là Vệ Ưởng 卫鞅, nhân được phong ở đất Thương 商, sử gọi là Thương Ưởng 商鞅. Thương Ưởng lúc nhỏ đã bắt đầu
học thuật hình danh, thời trai trẻ tinh thông học thuyết Pháp gia, rất có tài
năng, được Tể tướng nước Nguỵ là Công Tôn Toạ 公孙痤 nhận làm gia thần. Khi Công Tôn
Toạ bệnh nặng từng tiến cử Thương Ưởng lên Nguỵ vương, kiến nghị Nguỵ vương trọng
dụng, nếu không dùng thì giết đi để tuyệt hậu hoạn. Nguỵ vương xem thường
Thương Ưởng, không để ý đến sự tiến cử và kiến nghị của Công Tôn Toạ, đã không
dùng Thương Ưởng, lại không giết Thương Ưởng.
Sau
khi Công Tôn Toạ chết, Thương Ưởng mất đi người biết đến mình. Lúc bấy giờ Tần
Hiếu Công hạ lệnh tìm người hiền tài, Thương Ưởng đến nước Tần, thông qua vị sủng
thần của Tần Hiếu Công tiến dẫn, mấy lần trình bày trước Tần Hiếu Công chủ
trương cải cách chính trị, biến pháp cường quốc, cuối cùng thuyết phục được Tần
Hiếu Công quyết định biến pháp. Năm 359 trước công nguyên, Tần Hiếu Công cho
Thương Ưởng nhậm chức Tả thứ trưởng 左庶长, nắm giữ đại quyền quân chính nước Tần. Chức này tương
đương với chức Khanh của các nước, nhưng thực là Tể tướng. Chẳng bao lâu Tần Hiếu
Công sai Thương Ưởng nhậm chức Đại lương tạo 大良造 (cũng gọi là Đại thượng tạo 大上造). Đây là chức vị cao nhất của
nước Tần lúc bấy giờ, nắm giữ đại quyền quân chính, là Tể tướng danh đúng với
thực.
Sau
khi Thương Ưởng bái Tướng, lần lượt chế định một số biện pháp biến pháp, nội
dung chủ yếu gồm:
-
Tổ chức bách tính lại. Biên định cứ 5 nhà thành 1 ngũ 伍, 10 nhà thành 1 thập 什, cùng giám sát lẫn nhau. Nếu một
nhà phạm pháp mà các nhà khác không báo cũng sẽ bị tội.
-
Khen thưởng quân công. Tăng cường huấn luyện quân sự, phàm bách tính lập công
cho nước, tuỳ theo công lao lớn nhỏ mà ban thưởng phong tước. Quý tộc nếu không
có quân công không được trao cho tước vị. Bất luận quý tộc hay bình dân, phàm
vì việc riêng mà đánh nhau , nhất luật đều bị tội.
-
Khen thưởng nông canh. Phàm những ai cố gắng cày cấy, dệt vải đều được khen thưởng.
Những ai ham ăn nhác việc, cả vợ con cũng bị đưa vào phủ quan làm nô.
Trước
khi ban hành những tân pháp này, Thương Ưởng đã tìm cách làm cho bách tính tin
tưởng chánh lệnh ban ra nhất định sẽ thi hành, nên sai người tại cửa nam của quốc
đô dựng một trụ gỗ, hạ lệnh rằng:
Ai có thể đem trụ gỗ này dời đến cửa bắc sẽ
được thưởng 10 lượng vàng.
Người
xem nghi ngờ, không ai dám thử. Thương Ưởng lại hạ lệnh tăng thưởng lên đến 50
lượng. Lúc bấy giờ có một người bạo gan dời cây trụ sang cửa bắc. Thương Ưởng
liền lập tức thưởng cho 50 lượng vàng, khiến bách tính tin chính quyền đã nói
là làm. Lúc bấy giờ Thương Ưởng mới công bố tân pháp, thực hành biến pháp.
Tân
pháp thực hành được mấy năm, do bởi bách tính chuyên cần cày dệt, nhà nhà có thể
tự cấp tự túc, cuộc sống được cải thiện, trật tự xã hội ổn định, phong khí thay
đổi, trong nước “ngoài đường không ai nhặt của rơi, nơi núi rừng không có đạo tặc”.
Bách tính dũng cảm tác chiến, không ai đánh nhau vì việc riêng. Từ đó, Tần từ một
nước xa xôi lạc hậu đã giàu mạnh lên. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
18/02/2014
Nguyên tác Trung văn
THƯƠNG ƯỞNG
商鞅
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ
TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm
Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất
bản xã, 1999.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật