Dịch thuật: Thương Ưởng (tiếp theo)

THƯƠNG ƯỞNG
(tiếp theo)

          Năm 350 trước công nguyên, nước Tần dời đô đến Hàm Dương 咸阳, Thương Ưởng tiến thêm một bước ban bố một số pháp lệnh mới, như:
          - Đem hương thôn và thành trấn hợp lại thành huyện, chia cả nước làm 41 huyện, mỗi huyện có Huyện lệnh 县令, Huyện thừa 县丞 do triều đình phái xuống cai trị.
          - Phế bỏ tỉnh điền, mở rộng đường bờ ruộng. Tức loại trừ cương giới đất phong của quý tộc; cho phép mua bán ruộng đất, thưởng cho những ai khai hoang, người nào khai khẩn được đất hoang thì người đó sở hữu, chỉ cần nộp thuế cho triều đình là được.
          - Thống nhất cách đo lường trong cả nước, tăng cường mối liên hệ kinh tế giữa các vùng.
          Việc thực hành những tân pháp này khiến cho nước Tần càng hùng mạnh.
          Về sau, Thương Ưởng lại thống lĩnh quân Tần tấn công nước Nguỵ, bức nước Nguỵ phải cắt một phần quận Hà Tây 河西 dâng cho Tần.
          Do bởi Thương Ưởng lập đại công cho nước Tần, năm 340 trước công nguyên, Tần Hiếu Công đem đất Thương (nay là đông nam huyện Thương tỉnh Thiểm Tây 陕西) phong cho Thương Ưởng. Thương Ưởng cũng có hiệu là Thương Quân 商君, sử xưng là Thương Ưởng.
          Do bởi biến pháp của Thương Ưởng đả kích nghiêm trọng quyền thế của giới cựu quý tộc nên đã dẫn đến sự cừu thù, phản đối của họ. Được sự ủng hộ của Tần Hiếu Công, Thương Ưởng kiên quyết đả kích hành vi cản trở phá hoại tân pháp của cựu quý tộc. Có một lần, Thái tử phạm pháp, Thương Ưởng tâu với Tần Hiếu Công rằng:
          Mọi người đều tuân thủ phép nước, như nay Thái tử phạm pháp, cũng phải theo pháp luật mà trừng phạt. Nghĩ đến Thái tử là người kế vị, không tiện thực thi hình phạt, vị Sư phó của Thái tử phải gánh lấy tội.
Tần Hiếu Công biểu thị sự đồng ý, Thương Ưởng bèn hạ lệnh xẻo mũi vị Sư phó của Thái tử là Công Tử Kiền 公子虔, còn vị Sư phó khác là Công Tử Giả 公子贾 bị khắc chữ lên mặt. Sự việc này làm giới cựu quý tộc kinh sợ, đảm bảo cho việc thực hành tân pháp được thuận lợi.
          Năm 338 trước công nguyên, Tần Hiếu Công qua đời, Thái tử kế vị đó là Tần Huệ Văn Vương 秦惠文王. Giới cựu quý tộc thừa cơ phản công, Công Tử Kiền sai người vu cáo Thương Ưởng mưu phản. Tần Huệ Văn Vương bất mãn Thương Ưởng, sai quân bắt Thương Ưởng. Thương Ưởng chạy khắp đông tây, cuối cùng không còn đường thoát đã bị bắt. Tần Huệ Văn Vương hạ lệnh dùng hình phạt ngũ mã phân thây, xử tử Thương Ưởng một cách tàn khốc, lại còn sai chém cả nhà Thương Ưởng.
          Thương Ưởng tuy bị sát hại, nhưng tân pháp của ông đã thâm nhập vào lòng người nước Tần, không hề bị dao động. Chính nhờ những tân pháp ấy mà nước Tần ngày càng lớn mạnh, làm cơ sở để ngày sau diệt 6 nước thống nhất Trung Quốc.
          Chính kiến trọng yếu của Thương Ưởng được người đời sau chỉnh lí, biên soạn thành bộ Thương Quân thư 商君书 truyền đời.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 19/02/2014

Nguyên tác Trung văn
THƯƠNG ƯỞNG
商鞅
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post