浣溪沙
游蕲水清泉寺,
寺临兰溪, 溪水西流
山下兰芽短浸溪, 松间沙路净无泥, 萧萧暮雨子规啼.
谁道人生无再少? 门前流水尚能西, 休将白发唱黄鸡.
(苏轼)
HOÁN KHÊ SA
Du
Kì Thuỷ Thanh Tuyền tự, tự lâm Lan khê, khê thuỷ tây lưu
Sơn hạ lan nha đoản tẩm khê, tùng gian
sa lộ tịnh vô nê, tiêu tiêu mộ vũ Tử quy đề. Thuỳ đạo nhân sinh vô tái thiếu?
Môn tiền lưu thuỷ thượng năng tê, hưu tương bạch phát xướng hoàng kê.
(Tô Thức)
HOÁN KHÊ SA
Đi chơi chùa
Thanh Tuyền huyện Kì Thuỷ, chùa gần khe Lan, nước khe chảy về tây
Dưới chân núi, lan thảo
đã trổ chồi non ở khe,
Con đường nhỏ nơi rừng
tùng không vương chút bụi.
Trong cơn mưa phùn
lúc chiều tà, chim Tử quy cất tiếng kêu
Ai bảo rằng già rồi
thì không thể trẻ trở lại?
Trước cửa nhà, dòng
sông còn chảy được về hướng tây.
Chớ than đầu bạc, chớ
buồn vì thời gian trôi đi.
Bài
từ này được Tô Thức 苏轼 sáng tác vào tháng 3 năm Nguyên Phong 元丰 thứ 5 (1082) lúc đi chơi tại
chùa Thanh Tuyền 清泉
huyện Kì Thuỷ 蕲水
thời kì ông bị biếm đến Hoàng Châu 黄州. Kì Thuỷ 蕲水 là tên huyện, tức nay là huyện Hi Thuỷ 浠水 tỉnh Hồ Bắc 湖北, cách Hoàng Châu không xa.
Trong Đông Pha chí lâm 东坡志林 quyển 1 có nói:
Phía đông nam Hoàng Châu 30 dặm là Sa hồ 沙湖, còn gọi là Loa
Sư điếm 螺师店,
ta mua khoảnh ruộng ở nơi đó, nhân đến xem ruộng mà mắc bệnh. Nghe nói Bàng An
Thường 庞安常
người Ma Kiều 麻桥
giỏi về y nhưng tai điếc, liền tìm đến xin chữa trị …Bệnh khỏi, cùng với ông ta
đến chơi chùa Thanh Tuyền. Chùa ở huyện Kì thuỷ, ngoài Quách môn 郭门 khoảng 2 dặm, có
suối rửa bút của Vương Dật Thiếu 王逸少,
nước cực ngọt, chảy xuống khe Lan, nước khe chảy về tây. Nên ta viết bài ca.
Bài
ca mà nói ở đây chính là bài từ Hoán khê
sa 浣溪沙 này. Trừ 2 chữ “môn tiền” 门前 ở câu thứ 5 mà trong sách đó viết
là “quân khán” 君看
ra, các câu khác lời văn hoàn toàn tương đồng.
Con
người Đông Pha lòng dạ thẳng thắn vô tư, theo nhân duyên tự thích. Nhân vì
trong thơ của ông có câu “cơ phúng triều đình” 讥讽朝廷 (mỉa mai triều đình) nên bị gán tội danh bắt
giam vào ngục. Sau vụ “Ô Đài thi án” 乌台诗案, tháng 2 năm Nguyên Phong thứ 3 ông bị biếm đến Hoàng Châu.
Thời gian đầu tuy cũng ngâm qua những câu mang tính chất lo lắng không yên như:
Ẩm trung chân vị
lão canh nùng
Tuý lí cuồng ngôn
tỉnh khả phạ
饮中真味老更浓
醉里狂言醒可怕
Mùi vị của rượu khi uống, về già
càng thấy nồng đậm
Trong cơn say nói năng bậy bạ,
lúc tỉnh lại thấy đáng lo
(Định Huệ viện ngụ cư nguyệt dạ ngẫu xuất 定惠院寓居月夜偶出)
Sau
khi cuộc sống yên ổn lại, được sự giúp đỡ của tiều phu dã lão, sự quan tâm của
thân bằng cố cựu, sự đãi ngộ theo lễ của vị trưởng quan châu quận, sự hấp dẫn của
phong cảnh núi sông đã khiến cho ông như được vén màn sương mù trước mặt, mở rộng
cánh cửa tâm hồn. Bài ca lạc quan kêu gọi nhân sinh này được ngâm lên trong trạng
thái tâm tình như thế.
Ba
câu đầu miêu tả cảnh sắc u nhã của chùa Thanh Tuyền. Khe nước nhỏ dưới núi chảy
róc rách, hai bên bờ cỏ lan vừa mới trổ chồi non. Con đường đất nơi rừng tùng
dường như được nước suối trong rửa sạch, không chút bụi trần. Chiều xế cơn mưa
phùn lất phất, bên ngoài chùa vang đến tiếng kêu của chim Đỗ quyên (Tử quy). Cảnh
tượng như bức hoạ này đã rửa đi nỗi ô trọc chốn quan trường, không có ồn ào bụi
bặm chốn thị triều. Cảnh rất đẹp, rất sạch, khoáng đạt … tràn đầy thú vị. Nó đi
vào tai mắt, thấm vào tâm can, quyến rũ thi nhân lòng yêu thích tự nhiên.
Hoàn
cảnh gợi mở, linh cảm phát sinh, phong thuỷ tương ngộ, hứng thú phiêu dật, ở đoạn
sau tác giả cảm khái phấn phát mà nghị luận. Nghị luận này không phải là trừu
tượng, không phải là khái niệm hoá, mà là nhân cảnh để ví, dùng ngôn ngữ tràn đầy
tình vận, viết lên những triết lí liên quan đến nhân sinh. Hai câu Thuỳ đạo nhân sinh vô tái thiếu? Môn tiền
lưu thuỷ thượng năng tê, dùng cách phản vấn, mượn đó để trả lời. Nhân sinh trường hận thuỷ trường đông 人生长恨水长东 (1) , thời gian như giòng sông ngày
đêm không ngừng tuôn chảy về đông, một đi không trở lại, tuổi xuân của đời người
cũng chỉ có một lần, như người xưa có nói:
Hoa hữu trùng khai
nhật
Nhân vô tái thiếu
thời (2)
花有重开日
人无再少时
(Hoa tàn đi còn có ngày có hoa
khác nở lại
Riêng đời người già đi sẽ không
có lúc trẻ lại)
Đây
là quy luật tự nhiên không thể kháng cự. Nhưng, từ một ý nghĩa nào đó mà nói, con
người chưa từng không thể lấy tinh thần lão đương ích tráng, tự cường bất tức để
từ đó toả sáng sức xuân. Ai bảo tuổi xuân không thể trở lại? Anh xem, giòng
sông trước nhà không phải có thể chảy về hướng tây sao? Sau khi làm bài từ này được ít lâu, Đông Pha
có ngâm qua câu:
Ngã lão đa di vong
Đắc quân như tái
thiếu
我老多遗忘
得君如再少
(Tôi già rồi nên thường luôn
quên
Nay gặp được anh thấy mình như
trẻ lại)
(Điếu Lí Đài Khanh 吊李台卿)
Có
thể thấy, trong điều kiện đặc biệt nào đó con có thể “tái thiếu”.
Mọi
người quen dùng “bạch phát” 白发, “hoàng kê” 黄鸡 để ví việc đời vội vàng gấp gáp, thời gian thúc giục ngày
tháng qua mau, khiến họ cất lên những khúc ngâm buồn thương. Trong bài Tuý ca 醉歌, Bạch Cư Dị đã viết rằng:
Thuỳ đạo sứ quân bất
giải ca
Thính xướng hoàng
kê dữ bạch nhật
Hoàng kê thôi hiểu
Sửu thời minh
Bạch nhật thôi
niên Dậu tiền lạc,
Yêu gian hồng thụ
hệ vị ổn
Kính lí chu nhan
khán dĩ thất
谁道使君不解歌
听唱黄鸡与白日
黄鸡催晓丑时鸣
白日催年酉前落
腰间红绶系未稳
镜里朱颜看已失
Ai bảo rằng anh nghe không hiểu
khúc ca
Nghe gà kia gáy kêu mặt trời mọc
Gà luôn đến giờ Sửu gáy vang, giục
trời mau sáng
Mặt trời luôn trước giờ Dậu lặn,
giục ngày tháng qua đi
Dây thao đỏ đeo ở bên người chưa
chắc chắn
Soi kiếng, nét trẻ trung không
còn thấy nữa
Tô
Thức cũng đã từng mượn ý thơ của Bạch Cư Dị, ngâm qua hai câu:
Thí hô bạch phát cảm
thu nhân
Linh xướng hoàng
kê thôi hiểu khúc
试呼白发感秋人
令唱黄鸡催晓曲
(Thử gọi những người tóc trắng cảm
thương thu
Hát khúc Hoàng kê thôi hiểu
khúc)
(Dữ Lâm An Lệnh tông nhân đồng niên kịch ẩm 与临安令宗人同年剧饮)
Ở
bài từ này, tác giả dùng với ý ngược lại, hi vọng mọi người không nên chỉ biết
cảm thán bản thân già yếu. Thuỳ đạo nhân
sinh vô tái thiếu? … Hưu
tương bạch phát xướng hoàng kê! Dụng ý của hai câu này cũng tương đồng với câu
Mạc xướng Hoàng kê
tịnh bạch phát
莫唱黄鸡并白发
(Chớ hát khúc Hoàng kê và bạch
phát)
(Hoán khê sa 浣溪沙)
Ở
đây không phải chỉ tự an ủi mình. Phải nói rằng, đây là tuyên ngôn không phục sự
suy lão, là sự truy cầu đối với cuộc sống và tương lai, là lời kêu gọi sức sống
thanh xuân. Trong cuộc sống bị biếm trích, có thể đảo ngược tình điệu cảm
thương tuổi xế chiều trầm lắng, hát lên khúc điệu mạnh mẽ thúc giục con người tự
cường đã thể hiện tính cách khoáng đạt lạc quan, nắm bắt cuộc sống của Tô Thức.
(Lưu Nãi Xương 刘乃昌)
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này trong bài từ Tương kiến hoan 相见欢 của Lí Dục 李煜, tức Lí Hậu Chủ nhà Nam Đường.
(2)- Hai câu này không rõ ai là
tác giả, nhưng trong những vở tạp kịch đời Nguyên thường thấy có, như trong Tây Sương kí 西厢记 của Vương Thực Phủ 王实甫, Đậu Nga Oan 窦娥冤 của Quan Hán Khanh, nhưng có
khác chữ cuối:
Hoa hữu trùng khai
nhật
Nhân vô tái thiếu niên
花有重开日
人无再少年
TÔ THỨC 苏轼 (1037 – 1101): tự Tử Chiêm 子瞻, hiệu Đông Pha Cư Sĩ 东坡居士, người Mi Sơn 眉山 (nay là huyện Mi Sơn 眉山tỉnh Tứ Xuyên 四川). Năm Gia Hựu 嘉祐 thứ 2 đời Nhân Tông 仁宗 (năm 1057) ông đậu Tiến sĩ, khi
ra làm quan, trải qua những thăng trầm. Nhân vì phản đối biến pháp của Vương An
Thạch 王安石,
ông xin chuyển ra ngoài, trong thời gian khoảng 8 năm, trước sau nhậm chức quan
địa phương tại các nơi như Hàng Châu 杭州, Mật Châu 密州, Từ Châu 徐州, Hồ Châu 湖州. Năm Nguyên Phong 元丰 thứ 2 đời Thần Tông 神宗 (năm 1079), do bởi làm thơ có ý
châm biếm triều đình bị Ngự sử đàn hặc hạ ngục, gây ra vụ “Ô Đài thi án” 乌台诗案 nổi tiếng. Sau được phóng thích
biếm đến Hoàng Châu 黄州 (nay là huyện Hoàng Cương 黄冈 tỉnh Hồ Bắc 湖北) giữ chức Đoàn luyện phó sứ.
Khoảng niên hiệu Nguyên Hựu 元祐, ông được triệu hồi về triều nhậm qua chức Hàn lâm học sĩ,
Long Đồ các học sĩ. Lại nhân vì bất mãn với chính kiến của Tư Mã Quang 司马光, ông lại ra làm quan bên ngoài,
nhậm chức Tri châu các châu như Hàng Châu 杭州, Dĩnh Châu 颍州, Dương châu 扬州, Định Châu 定州. Đầu niên hiệu Thiệu Thánh 绍圣 đời Triết Tông 哲宗, bãi bỏ cựu đảng, Tô Thức lại bị
biếm trích đến Huệ Châu 惠州 (nay là thành phố Huệ Châu 惠州 tỉnh Quảng Đông 广东), Đam Châu 儋州 (nay là huyện Đam 儋 tỉnh Hải Nam 海南). Huy Tông 徽宗 lên ngôi, ông được trở về
phương bắc. Tô Thức mất ở lữ xá Thường Châu 常州, có tên thuỵ là Văn Trung 文忠.
Tô
Thức là văn học gia, nghệ thuật gia kiệt xuất thời Bắc Tống, mở đầu phong cách
mới thơ đời Tống, cùng với Hoàng Đình Kiên 黄庭坚 được gọi là “Tô Hoàng”; về tản
văn ông được xếp vào một trong Đường Tống bát đại gia, cùng với phụ thân và em
trai được gọi là “Tam Tô”; về thư pháp ông cùng với Hoàng Đình Kiên黄庭坚, Mễ Phế 米芾, Thái Tương 蔡襄 được gọi là “Tứ đại gia”; về hội
hoạ ông cũng là danh gia. Từ của ông cảnh giới khoáng đạt, phong cách hào
phóng, khai sáng phong cách từ hào phóng không câu nệ âm luật, lấy thơ làm từ,
mở rộng lĩnh vực đề tài của từ. Tập từ của ông có tên là Đông Pha nhạc phủ 东坡乐府. Hiện còn hơn 350 bài từ của
ông.
(Nguồn Tống từ tam
bách thủ 宋词三百首, Thượng Cương Thôn Dân 上彊村民 biên soạn, Lưu Văn Lan 刘文兰 chú dịch. Sùng văn thư cục, 2003, trang 72)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/02/2014
Dịch từ nguyên tác
Trung văn
HOÁN KHÊ SA
浣溪沙
Trong quyển
ĐƯỜNG TỐNG TỪ GIÁM
THƯỞNG TỪ ĐIỂN
(ĐƯỜNG, NGŨ ĐẠI, BẮC
TỐNG)
唐宋词鉴赏辞典
(唐,
五代, 北宋)
Nhiều tác giả
Thượng Hải từ thư xuất
bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật