Dịch thuật: Hoa Mộc miên

HOA MỘC MIÊN

          Hàng Thế Tuấn 杭世骏 đời Thanh có bài Vịnh Mộc miên hoa 咏木棉花, bài thơ viết rằng:
Mục cực Tang Ca Mộc loạn lưu
Đê chi uyển địa nhập Đoan Châu
Tối lân tam nguyệt đông phong cấp
Nhất lộ xuy hồng thướng dịch lâu
目极牂牁木乱流
低枝踠地入端州
最怜三月东风急
一路吹红上驿楼
          Bài thơ gửi gắm niềm vui thích trước cảnh tượng tráng lệ của hoa Mộc miên. Hai câu đầu tả cảnh hoa Mộc miên nở rộ:
          Tang Ca 牂牁 là tên dòng sông thời cổ
Mộc chỉ hoa Mộc miên sắc đỏ
Uyển là cong, uốn khúc
Đoan Châu 端州 tên châu
Đưa mắt hướng về dòng sông Tang Ca ở xa, mặt nước phản chiếu bóng của hoa Mộc miên đan xen nhau tạo thành làn sóng đỏ. Từng đoá từng đoá hoa to lớn trĩu cành sà xuống đất kéo dài mãi đến Đoan Châu.
Hai câu cuối bộc sự lộ hào tình đắc ý:
Lân tức “ái”
Cấp là nhanh
Hồng chỉ hoa Mộc miên
Dịch lâu 驿楼: thời cổ, nơi tạm thời nghỉ chân của các quan viên khi đi lại.
          Đáng yêu thay ngọn gió dương xuân tháng 3 tràn tới, thổi bung những đoá hoa Mộc miên, nở đỏ tươi suốt cả đoạn đường đi đến dịch lâu.
          Theo truyền thuyết của người Hải Nam 海南, ngày xưa tại Ngũ Chỉ sơn 五指山 có một người tộc Lê tên là Cát Bối 吉贝, vì để cho bà con trong làng được an cư lạc nghiệp, ông đã thống lĩnh dân tộc mình ngoan cường chống lại quân địch xâm lược, và đã nhiều lần đánh bại sự tiến công của địch, được mọi người xưng tụng. Nhưng về sau có một tên phản đồ mật báo cho quân địch, Cát Bối trên núi bị bao vây trùng trùng lớp lớp, và đã bị trúng tên tử vong. Chẳng bao lâu, nơi ông hi sinh mọc lên một cây Mộc miên to lớn, tấm thân khôi ngô của ông hoá thành thân cây mọc hiên ngang, những mũi tên biến thành cành nhánh, còn những giọt máu tươi hoá thành những đoá hoa sắc đỏ. Để tưởng nhớ ông, người đời sau đã gọi cây đó là cây Anh hùng 英雄. Từ đó “Anh hùng” trở thành biệt danh của cây Mộc miên.   (trích)

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
MỘC MIÊN 木棉: còn có nhưng tên khác như Phan chi hoa 攀枝花, Hồng miên thụ 紅棉樹, Gia bạc miên 加薄棉, Anh hùng thụ 英雄樹, Cát bối 吉貝, Phong hoả 烽火, Ban chi 班枝, Quỳnh chi 瓊枝.
          “Phong hoả” có gốc từ Nam Việt Vương Triệu Đà 趙佗, vì hoa đỏ nở đầy cả cây giống như lửa nên ông đặt tên như thế.
          “Cổ bối” 古貝 là dịch âm từ tiếng Phạn Karpassa.
          “Cát bối” 吉貝 có lẽ dịch âm từ thổ ngữ Nam Dương là Ceiba. Tên gọi này chỉ loại Mộc miên Ceiba Pentandra ở Java.
          “Quỳnh chi” chỉ loại Mộc miên ở đảo Hải Nam (Quỳnh là tên gọi khác của Hải Nam)
          “Anh hùng thụ”: tên gọi này do bởi trong rừng, ngọn của cây Mộc miên thường vượt cao hơn các cây khác cho nên có tên gọi như thế.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
Từ điển Trung Việt của nhà xuất bản Khoa học xã hội giải thích là cây gạo.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 16/02/2014

Nguyên tác Trung văn
MỘC MIÊN HOA
木棉花
Trong quyển
THƯỞNG HOA MỊCH DƯỢC
赏花觅药
Tác giả: Cát Đức Hoành 葛德宏
Thượng Hải Trung y dược Đại học xuất bản xã, 2000.
Previous Post Next Post