CHỦ NGHĨA “TRI KÌ BẤT KHẢ NHI VI” VÀ “VI
NHI BẤT HỮU”
(tiếp theo)
- Đầu tiên: họ dự liệu là thất
bại, trong sổ dự tính của họ, việc nào cũng hai chữ “thất bại” để lên đầu,
không cần phải tính toán này tính toán nọ, lựa chọn này lựa chọn nọ. Cho nên cả
một đời của Khổng Tử, chỉ là “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” 毋意, 毋必, 毋固, 毋我 (1). “Ý”
là trước sự việc đoán chừng, “tất” là định trước thành bại, “cố” có thành kiến
trước, “ngã” là vì bản thân mình. Ý của Khổng Tử chính là nói: không nên đoán
chừng, không nên định trước sự thành bại, không nên có thành kiến trước, không
nên vì bản thân mình.
- Thứ
hai: Chúng ta đã làm người thì không thể không sinh hoạt; cho nên bất kể cuộc sống
là một đoạn ngắn cũng vậy, là hạt bụi cũng vậy, chỉ cần sống trong hạt bụi,
trong một đoạn ngắn, cho rằng việc cần phải làm thì cứ sấn tới mà làm, bất tất
phải tính toán, bất tất phải do dự.
Khổng Tử
nói rằng:
Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng
giả bất cụ (2)
知者不惑, 仁者不憂, 勇者不懼
“Bất hoặc” là sáng suốt, “bất ưu” là vui vẻ, “bất cụ”
là tráng kiện. Nói ngược lại, hoặc, ưu, cụ đều là khổ. Con người nếu sống trong
đó chẳng khác nào sống ở trong ngục. Gặp việc, trước tiên tính toán thành công
hay thất bại, há chẳng phải cả đời sống trong nghi hoặc? Gặp việc, trước tiên sợ
thất bại, một mặt làm, một mặt lo, há chẳng phải cả đời sống trong ưu sầu? Gặp
việc, trước tiên hỏi thất bại rồi làm thế nào? há chẳng phải một đời sống trong
lo sợ?
Người
“tri bất khả nhi vi”, chỉ biết có thất bại; hoặc giả có thể nói, trong tự điển
họ dùng không có hai chữ “thành công”. Thế thì, còn có gì để mà “hoặc”, để mà
“ưu”, để mà “cụ”? Cho nên họ thường để tinh thần đi đến nơi an lạc.
Khổng Tử
nói rằng:
Phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất
tri lão chi tương chí (3)
發憤忘食, 樂以忘憂, 不知老之將至.
Có thể thấy, Khổng Tử
làm là do mình ưa thích, hoàn toàn không phải do một sự ép buộc nào mới làm,
cho nên Khổng Tử chỉ biết lo làm, không biết râu của mình đã trắng. Khổng Tử
đem nhân sinh quan đặt trên “tri kì bất khả nhi vi”, cho nên mọi việc đều biến
thành “bất diệc duyệt hồ” 不亦說乎, “bất diệc lạc hồ”
不亦樂乎 (4). Nhân sinh tối
cao thượng, tối viên mãn này có thể nói là phát sinh từ chủ nghĩa “tri kì bất
khả nhi vi”. Nếu chúng ta lĩnh hội được kiến giải này, cho dù không thể đạt đến
cảnh giới “duyệt hồ” “lạc hồ”, thì chí ít cũng có thể giảm được nhiều cái “hoặc”
cái “ưu” cái “cụ”, đem tinh thần của chúng ta đặt vào một nơi yên ổn. Như vậy,
mới tính cuộc sống có thú vị, mới đáng để sống.
“Vi nhi
bất hữu” 為而不有 và “tri kì bất khả nhi vi” 知其不可而為, có thể nói là hai mặt của một câu: “Tri kì bất khả nhi vi” có thể nói
là “phá vọng phản chân” 破妄返真 (5); “Vi
nhi bất hữu” có thể nói là “nhận chân khứ vọng” 認真去妄. Chủ nghĩa “tri kì bất khả nhi vi”, có thể khiến thế giới từ phiền não
đến trong lành; chủ nghĩa “vi nhi bất hữu” có thể khiến thế giới từ cực bình
thường tẻ nhạt hiện ra sự xán lạn vui tươi.
Ý nghĩa
của “vi nhi bất hữu” là không lấy quan niệm sở hữu làm tiêu chuẩn, không nhân
vì quan niệm sở hữu mới lao động. Nói một câu đơn giản, đó là vì lao động mà
lao động.
Người bình thường mỗi khi
làm một việc gì, tất cần báo đáp, thường lấy lao động làm vật trao đổi lợi ích, vật trao đổi này chỉ
riêng mình có, không cho người khác cùng
có, đó gọi là “vi nhi hữu” 為而有. Như cầu có được
kim tiền, danh dự, nguyên nhân xa cũng vì “hữu” mới làm. Một người “hữu”, một
nhà “hữu”, một nước “hữu”, trong mắt Lão Tử, bất luận là một người, một nhà hay
một nước đều là “vi nhi hữu”, đều không phải là mục đích chân chính của lao động.
Đời người lao động không cần phải báo đáp. Nếu như anh hỏi ông ta “vì cái gì mà
lao động?” Ông ta sẽ đáp rằng: “Không vì cái gì cả”. Anh lại hỏi tiếp: “Không
vì cái gì thế thì tại sao lại lao động?” Ông ta sẽ chân thành đáp rằng: “Vì lao
động mà lao động, vì cuộc sống mà sống.” Lão Tử cũng nói:
Thượng nhân vi chi nhi vô dĩ vi (6)
上仁為之而無以為
(Người có đức nhân cao làm (điều nhân) không vì mục
đích nào)
Hàn Phi
Tử 韓非子 (7) giải thích rất rõ:
Việc ham muốn điều nhân không ngừng sinh ra
từ trong lòng, không phải vì mong cầu được báo đáp (8).
Nói một
cách đơn giản, đó là làm nhưng không vì mục đích nào, đã không vì mục đích nào
cho nên nói vì lao động mà lao động, vì cuộc sống mà sống; cũng có thể nói là
nghệ thuật hoá của lao động, nghệ thuật hoá của cuộc sống.
Lão Tử
còn nói:
Kí dĩ vi nhân, kỉ dũ hữu; kí dĩ dữ nhân,
kỉ dũ đa (9)
既以為人, 己愈有; 既以與人, 己愈多
(Càng làm cho người, mình
càng thêm có; càng cho người, mình càng được thêm nhiều)
Ở đây nói: chúng ta giúp đỡ
người khác, bản thân mình càng thêm có chứ không hề giảm thiểu; chúng ta cho
người khác, bản thân mình càng được thêm nhiều chứ không hề hao tổn. Câu này
cũng có thể giải thích là “vi nhi bất hữu” 為而不有. Thực ra mà nói, Lão Tử vốn không có quan niệm “hữu”, “vô”, “đa”, “thiểu”,
chẳng qua giả định sai biệt tướng 差別相 (10) để chỉ
dẫn người bình thường mà thôi.
Trong cuộc sống nhân loại, loại
có thế nhất chính là tính chiếm hữu. Theo nhãn quang của người bình thường,
phàm là làm cho người khác dường như mình sẽ “vô”, tặng cho người khác dường
như mình sẽ bị giảm bớt. Ví dụ như: chúng ta đến cửa hàng đồ sứ mua một chiếc
bình, chủ tiệm đòi 4 đồng, chúng ta chỉ trả ông ta 3 đồng rưỡi, chủ tiệm nếu
bán há chẳng phải là mất đi 5 cắc sao? há chẳng phải là cho người khác mình bị
giảm bớt sao? Điều này dường như tương phản với “kỉ dũ hữu”, “kỉ dũ đa”. Nhưng
nhìn từ một phương diện khác, như hôm nay tôi giảng cho quý vị nghe, coi như là
“cho” mọi người; nhưng tôi vẫn có, không hề giảm thiểu. Nếu như các thầy hàng
ngày lên lớp giảng cho mọi người nghe, không những không thể giảm những gì đã
có mà ngược lại có được “giáo học tương trưởng” 教學相長 (11). Đến như đánh đàn, ca hát cho người khác nghe cũng
không hề tổn thất, mà việc đàn và hát của mình ngày càng thành thục. Văn học
gia, thi nhân, hoạ gia, điêu khắc gia, từ thiện gia không ai là không như thế.
“Tri bất khả nhi vi” và “vi
nhi bất hữu” đều quét sạch sự so đo vô vị của nhân loại, cứ hân hoan vui vẻ làm, không nhìn
trước ngó sau, cho nên quy kết lại có thể nói chính là “vô sở vi nhi vi” 無所為而為 (làm mà không vì mục đích nào), cũng có thể nói nghệ
thuật hoá cuộc sống, đem quan niệm so đo lợi hại của nhân loại biến thành nghệ
thuật, biến thành tình cảm.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Vô ý, vô tất,
vô cố, vô ngã 毋意, 毋必, 毋固, 毋我, câu này ở thiên Tử hãn 子罕 trong Luận ngữ 論語 :
Tử tuyệt tứ: Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã
子絕四: 毋意, 毋必, 毋固, 毋我
(Khổng Tử bỏ hẳn có 4 tật
này: “vô ý” là xét việc gì thì không đem ý riêng (hoặc tư dục) của mình vào mà
cứ theo lẽ phải; “vô tất”, tức không quyết rằng điều đó tất đúng, việc đó tất
làm được; “vô cố” tức không cố chấp; “vô ngã” tức quên mình đi, không để cho
cái “ta” làm mờ ám (hoặc không ích kỉ mà phải chí công vô tư).
(Theo Nguyễn Hiến Lê: Luận ngữ, trang 154, nhà xuất bản Văn học, 1995)
(2)- Trí giả bất
hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ 知者不惑, 仁者不憂, 勇者不懼, câu này ở thiên Tử hãn 子罕 trong Luận ngữ 論語 :
(Người
trí đủ sáng suốt để phân biệt được lí lẽ cho nên không lầm lẫn; người nhân đủ
lí để thắng cái riêng của mình, cho nên không lo; người dũng đủ dũng khí để phối
hợp với đạo nghĩa, cho nên không sợ.)
(3)- Phát phẫn
vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí 發憤忘食, 樂以忘憂, 不知老之將至, câu
này ở thiên Thuật nhi 述而trong Luận ngữ 論語 .
(Lấy dũng khí làm việc, quên cả ăn uống;
Vui sướng cực độ, quên cả ưu sầu; bởi thế không biết mình đã sắp già.)
(4)- Bất diệc duyệt hồ, bất diệc lạc hồ 不亦說乎, 不亦樂乎, câu này ở thiên Học
nhi 學而trong Luận ngữ 論語 :
Tử viết: Học nhi thời
tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?
子曰: 學而時習之, 不亦說乎? 有朋自遠方來, 不亦樂乎?
(Khổng
Tử bảo rằng: Học rồi đem những gì đã học luyện tập lại, chẳng phải là thích
sao? Có bạn từ phương xa đến học cùng với mình, chẳng phải là vui sao?)
Chữ 說 đồng với chữ 悅
(duyệt), có nghĩa là vui thích.
(5)- Phá vọng phản chân 破妄返真: bài trừ hư vọng, trở về với đạo lớn chân thực hợp lí. “Phá” có nghĩa
là trừ bỏ.
(6)- Thượng nhân
vi chi nhi vô dĩ vi 上仁為之而無以為, câu này ở
chương 38 trong Lão Tử Đạo đức kinh 老子道德經. “Thượng
nhân” chỉ lấy điều nhân làm trên hết. Chữ “vi” trong “vi chi” có nghĩa là
“làm”. Chữ “vi” trong “vô dĩ vi” có
nghĩa là “nhân đó”. Lão Tử cho rằng người nhân trong
lòng yêu người, ban cho mà không cần báo đáp. Làm người nhân không việc tốt gì
không làm.
(7)- Hàn Phi Tử 韓非子:
Hàn Phi, người nước Hàn thời Chiến Quốc, học ở Tuân Khanh 荀卿, thích thuyết hình danh của Pháp gia, trứ tác có bộ Hàn Phi Tử gồm 20 quyển.
(8)- Ở thiên Giải
Lão 解老 trong Hàn Phi Tử 韓非子 có ghi:
Nhân giả vị kì trung tâm hân nhiên ái nhân
dã, kì hỉ nhân chi hữu phúc, nhi ố nhân chi hữu hoạ dã. Sinh ư tâm chi sở bất
năng dĩ, phi cầu kì báo dã, cố viết: thượng nhân vi chi nhi vô dĩ vi dã.
仁者謂其中心欣然愛人也, 其喜人之有福, 而惡人之有禍也. 生於心之所不能已, 非求其報也, 故曰: 上人為之而無以為也.
(Người
nhân là người mà hân hoan yêu mến người khác, vui khi họ được phúc, buồn khi họ
gặp hoạ. Việc ham muốn điều nhân không ngừng sinh ra từ trong lòng, không phải
vì mong cầu được báo đáp.)
Chữ 已 tức 止. “Báo” là báo đáp.
(9)- Kí dĩ vi
nhân, kỉ dũ hữu; kí dĩ dữ nhân, kỉ dũ đa 既以為人, 己愈有; 既以與人, 己愈多, câu này ở
chương 81 Lão Tử Đạo đức kinh 老子道德經. “Kí” có nghĩa
là đã; “dữ” là cho.
(10)- Sai biệt tướng 差別相: lời nhà Phật, chỉ những trạng thái khác nhau.
(11)- Giáo học tương trưởng 教學相長: việc dạy và học hỗ tương giúp nhau tăng trưởng.
Trong Lễ kí – Học kí 禮記 - 學記 ghi rằng:
Học nhiên hậu tri bất túc, giáo nhiên hậu
tri khốn. Tri bất túc nhiên hậu năng tự phản dã; tri khốn, nhiên hậu năng tự cường
dã. Cố viết giáo học tương trưởng dã.
學然後知不足, 教然後知困. 知不足然後能自反也; 知困, 然後能自強也. 故曰教學相長也.
(Học rồi
sau đó mới biết không đủ, dạy rồi sau đó mới biết là khó khăn. Biết không đủ
sau đó mới tự kiểm điểm lại mình; biết khó khăn, sau đó mới tự phấn đấu thêm
lên. Cho nên nói việc dạy và học hỗ tương giúp nhau tăng trưởng)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 23/02/2014
Nguyên tác Trung văn
“TRI KÌ BẤT KHẢ NHI VI” DỮ “VI NHI BẤT HỮU” CHỦ NGHĨA
“知其不可而為” 與 “為而不有” 主義
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật