“Man đầu”
馒头 là một trong những món ăn chính hiện nay của người
phương bắc Trung Quốc, nhưng lai lịch của nó phải truy ngược đến thời Tam Quốc.
Theo những ghi chép trong Sự vật kỉ
nguyên 事物纪元 thời Tống:
Chư Cát Lượng 诸葛亮 lúc nam chinh, phải vượt qua sông Lư 泸. Theo phong tục địa phương phải giết người lấy đầu để
tế Thần, Chư Cát Lượng đã lấy thịt bò, thịt dê, thịt heo dùng bột bọc lại giống
hình đầu người để thay thế. Tên gọi “man đầu” bắt đầu từ đó.
Trong Thất tu loại di 七修类移 do Lang Anh 郎英 triều Minh biên soạn có nói:
Man đầu bản danh Man đầu
馒头本名蛮头
(Man đầu vốn có tên là “Man đầu”)
Chư Cát
Lượng thời Tam Quốc từng đích thân dẫn quân chinh phạt Mạnh Hoạch 孟获 đang
cát cứ xưng hùng tại Vân Nam
云南, Quý Châu 贵州, 7 lần bắt 7 lần thả.
Sau khi bình định được phản loạn khải hoàn về lại đến sông Lư, bỗng cuồng phong
nổi lên, nước chảy xiết, sóng dâng cao, quân lính khó qua. Người địa phương bảo
với Chư Cát Lượng đó là do “Xương thần” 猖神
gây ra, cần phải dùng bảy bảy bốn mươi chín đầu người cùng bò đen dê trắng cúng
tế mới có thể gió yên sóng lặng, bình an mà qua sông. Chư Cát Lượng không nỡ
dùng đầu người để tế nên đã ra lệnh lấy thịt bò, thịt dê, thịt heo làm nhân
bánh dùng bột bọc lại, nắn thành hình đầu người để tế thần.
Xem ra
“man đầu” được sáng chế từ thời Tam Quốc cùng với “man đầu” không nhân mà người
phương bắc dùng ngay nay có sự khu biệt. “Man đầu” thời đó không chỉ có nhân thịt
bò, thịt dê, thịt heo mà còn rất lớn giống như đầu người. Có tư liệu ghi chép rằng,
thời Nguỵ Tấn sau Chư Cát Lượng, “man đầu” mà mọi người làm đều có nhân, phần lớn
được làm vào khoảng đầu mùa Xuân. Trong Bính
phú 饼赋 của Thúc Tích 束皙 đời Tấn có nói:
Đầu mùa Xuân, âm dương giao hoà, lúc bấy giờ khi tổ chức
yến tiệc, thích hợp dọn bánh “man đầu”.
Tiết
Kinh trập 惊蛰, Xuân phân 春分 tượng trưng cho
Đông đi Xuân đến. Đông thuộc âm, Hạ thuộc dương, vào đầu mùa Xuân cử hành yến
tiệc, dọn ra bánh man đầu có nhân, tượng trưng cho sự thuận lợi của một năm,
liên tưởng đến Chư Cát Lượng hưng sư nam chinh rồi hồi sư chính tại đầu mùa
Xuân. Phong tục vào đầu mùa Xuân tổ chức yến tiệc dọn “man đầu” mang ý nghĩa
Chư Cát Lượng nam chinh thắng lợi.
CHÚ
CỦA NGƯỜI DỊCH
Về
tên nhân vật Chư Cát Lượng, với chữ 诸:
- Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “Chư ”. (trang 630)
- Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn
Nhan cũng chỉ có âm “Chư ”. Và ở nét nghĩa số
11 ghi rằng: Họ người (Chư Cát Lượng 诸葛亮, tức Khổng Minh đời Tam quốc). (trang 1339)
- Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có
các âm đọc như sau:
* Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chương ngư” 章魚. Tập
vận集韻, Loại thiên 類篇, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều có phiên thiết là “ chuyên ư”專於, đọc như
chữ 渚 nhưng bình thanh. Âm đọc này có
nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa là họ kép:
Hựu
phức tính. “Hán thư” hữu Chư Cát Phong. “Tam
quốc chí” hữu Chư Cát Lượng.
又複姓. “漢書” 有諸葛豐. “三國志” 有諸葛亮.
(Họ kép. Trong “Hán thư” có Chư Cát Phong. “Trong “Tam quốc chí” có Chư Cát Lượng)
* Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chính xa” 正奢 . Tập
vận 集韻 phiên thiết là “chi xa” 之奢, đều có âm là 遮 (già), cũng là một họ.
(Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1146, 1147).
Như vậy tên gọi đúng của nhân vật là Chư Cát Lượng, nhưng mọi người quen đọc là
Gia Cát Lượng.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 25/02/2014
Nguyên tác Trung văn
诸葛亮与魏晋时的馒头
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật