CHẾ ĐỘ GIÁO DỤC HỌC HIỆU THỜI CỔ
Học hiệu
学校 là nơi dạy mọi người học tập tri thức văn hoá, công
năng cơ bản của nó là đào tạo nhân tài. Giáo dục học hiệu đại khái khởi nguồn
vào đời Thương. Đến đời Chu , giáo dục học hiệu
đã có một quy mô nhất định. Học hiệu lúc bấy giờ là “quốc học” 国学 do quan tổ chức và phụ trách, quốc học ở kinh thành gọi
là “Bích ung” 辟雍, quốc học ở các nước chư hầu gọi là “Phán cung” 泮宫. Hai cấp quốc học này đều thuộc về “đại học” 大学. Trong quốc học còn có “tiểu học” 小学, nhìn chung được lập gần đại học. Học trò ở quốc học
về cơ bản là con em quý tộc, con em bình dân rất ít. Ngoài ra, các thôn làng ở
đời Chu còn có “hương học” 乡学, tuỳ theo cấp tổ chức
của thôn làng mà có 4 loại: “thục” 塾, “tường” 庠, “tự” 序 và “hiệu” 校. Nội dung giáo dục ở đại học chủ yếu là thi, thư, lễ,
nhạc. Còn nội dung giáo dục ở hương học có “lục đức” 六德,
“lục hạnh” 六行, “lục nghệ” 六艺 (1).
Đến thời
Xuân Thu Chiến Quốc, theo sự suy yếu thế lực của vương thất nhà Chu , quốc học cũng xuống dốc. Giáo sư quốc học cũng phân
tán khắp nơi, học hiệu tư nhân theo đó mà xuất hiện. Khổng Tử 孔子 là nhà giáo dục mở tư học đầu tiên, học trò của ông
có đến hơn 3000 người. Vì thế xuất hiện cục diện quan học và tư học cùng tồn tại.
Đời sau, tư thục, học viện do tư nhân sáng lập ngày càng nhiều, trở thành
phương thức trọng yếu để truyền bá và kế thừa văn hoá truyền thống.
Đời
Hán, học hiệu do quan lại tổ chức và phụ trách hưng khởi lại. “Đại học” sáng lập
thời Hán Vũ Đế là học phủ cao nhất của nhà nước, kiêm truyền thụ tri thức và
nghiên cứu học vấn làm nhất thể. Nội dung giáo dục đại học chủ yếu là những
sách như Luận ngữ 论语, Hiếu kinh 孝经, về sau lấy kinh điển Nho gia làm chính. Đồng thời,
tư học dân gian đời Hán cũng rất hưng thịnh. “tiểu học” còn gọi là “mông quán” 蒙馆, “thư quán” 书馆, “đại học” gọi là “tinh
xá” 精舍, “tinh lư” 精庐 … Chế độ giáo dục của
hai loại học hiệu này có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau. Giáo dục học hiệu
đã khiến cho văn hoá trung nguyên nối đời lưu truyền, văn hoá truyền thống
không ngừng phát dương quang đại.
Khu vực
trung nguyên do bởi chiếm cứ địa vị ưu thế là trung tâm chính trị, kinh tế,
quân sự, văn hoá của quốc gia cổ đại, cùng với ưu thế nhân tài đông đúc, lại là
vùng đất đầu tiên sáng lập chế độ điển chương, đã môi giới cho việc truyền thụ
giáo dục ở học hiệu, khiến văn hoá trung nguyên đời đời nối nhau, và đã mở rộng
ra các nơi trong cả nước, đồng thời trải qua giáo dục học hiệu, trung nguyên đã
hấp thu tri thức văn hoá của các nơi
trong cả nước. Như vậy, với thời gian lâu dài, văn hoá cổ đại trung nguyên trở
thành nền tảng chủ yếu của văn hoá truyền thống Trung Hoa, cũng là chủ lưu
trong dòng sông lịch sử văn hoá truyền thống Trung Hoa.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Trong Chu lễ
- Địa quan – Đại Tư Đồ 周礼 - 地官 - 大司徒 có ghi:
Dĩ hương tam vật giáo vạn dân, nhi tân hưng
chi. Nhất viết lục đức: trí, nhân, thánh, nghĩa, trung, hoà. Nhị viết lục hạnh:
hiếu, hữu, mục, nhân, nhậm, tuất. Tam viết lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số.
以乡三物教万民, 而宾兴之. 一曰六德: 知, 仁, 圣, 义, 忠, 和. 二曰六行: 孝, 友, 睦, 姻, 任, 恤. 三曰六艺: 礼, 乐, 射, 御, 书, 数.
(Dùng nội
dung của 3 phương diện để dạy muôn dân, và tiến cử người hiền năng. Một là lục
đức: trí, nhân, thánh, nghĩa, trung, hoà. Hai là lục hạnh: hiếu, hữu, mục,
nhân, nhậm, tuất. Ba là lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số.)
Nguồn: Chu lễ dịch chú 周礼译注, Dương Thiên Vũ 杨天宇
soạn., trang 156. Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2004
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
11/02/2014
Nguyên tác Trung văn
HỌC HIỆU GIÁO DỤC CHẾ ĐỘ
学校教育制度
Trong quyển
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật