CÁT LỄ
Cát lễ 吉礼 chỉ lễ tế tự. Người xưa tế tự là để cầu mong cát tường,
cho nên gọi là “cát lễ”. Trong Chu lễ -
Xuân quan – Đại tông bá 周礼 - 春官 - 大宗伯 có ghi:
Dĩ cát lễ tự bang quốc chi quỷ, thần,
kì.
以吉礼祀邦国之鬼, 神, 示
(Dùng cát lễ để tế tự Nhân quỷ, Thiên thần, Địa kì của
thiên hạ các quốc)
Đem đối
tượng tế tự phân thành 3 loại: Nhân quỷ, Thiên thần và Địa kì, dưới mỗi loại lại
chia một số loại nhỏ nữa.
1- Thiên thần
天神
Thiên
thần được tế tự không chỉ nhiều mà còn có sự phân biệt tôn ti. Trong Chu lễ
chia làm 3 bậc:
Bậc thứ 1:
là Hạo Thiên Thượng Đế 昊天上帝, hoặc còn gọi là
Thiên Hoàng Đại Đế 天皇大帝 là vị vua của bách thần, đứng đầu Thiên thần.
Thời cổ chỉ có thiên tử mới
có thể tế Thiên, chư hầu có quốc nhưng không được tế Thiên. Tế Thiên là điển lễ
quan trọng nhất của quốc gia. Mỗi năm vào lúc Đông chí 冬至,
thiên tử tại Viên khâu 圜丘 ở Nam giao của quốc đô, dùng lễ “Nhân tự” 禋祀 tế Hạo Thiên Thượng Đế. Nghi thức tế Thiên được chuẩn
bị thành tâm tỉ mỉ, nhất danh nhất vật, không có gì là không có thâm ý. Ví dụ
như: Thiên là dương, mà phương Nam là dương vị, cho nên địa điểm tế Thiên phải tại Nam giao. Trời tròn đất vuông, cho
nên đàn tế Thiên được tạo thành hình tròn. Đông chí là ngày âm tận dương sinh,
cho nên tế Thiên phải vào ngày Đông chí v.v…
Bậc thứ 2: là nhật, nguyệt, tinh thần.
Nhật, nguyệt, tinh thần phụ vào Thiên, hiển thị các điềm rõ ràng không gì bằng
nhật nguyệt. Nhật nguyệt sáng chính là Thiên sáng, cho nên cần phải tế tự.
“Tinh thần” 星辰 là chỉ “ngũ vĩ” 五纬
(tức kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ 5 đại hành tinh), thập nhị thần và nhị thập bát
tú, là những thiên thể liên quan mật thiết nhất với đời sống nhân dân. Tế nhật,
nguyệt, tinh thần dùng lễ “Thực sài” 实柴 để tế.
Bậc thứ 3: Ngoài ngũ vĩ, thập nhị thần,
nhị thập bát tú ra, còn có những sao có chức có tư, có công với dân như Tư
trung 司中, Tư mệnh 司命, Phong sư 风师, Vũ sư 雨师 v.v…
Tư
trung chủ về tông thất; Tư mệnh (sao thứ 5, thứ 4 của Văn Xương cung 文昌宫) chủ về thọ;
Phong sư chỉ sao Cơ 箕, Vũ sư chỉ sao Tất 毕, chủ về việc nổi gió giáng mưa. Tế những sao này dùng
lễ “Dửu liệu” 槱燎 để tế. Trong tế điển của đời sau, phạm vi các tinh thần
được tế tự không ngừng mở rộng, Tư dân 司民,
Tư lộc 司禄, Phân dã tinh 分野星,
Phòng tinh 房星, Linh tinh 灵星, Nông tinh 农星, Thái tuế 太岁 … cũng đều là đối
tượng để tế tự.
Phương
thức tế tự của 3 bậc nói trên có chỗ giống mà cũng có chỗ khác. Chỗ giống là lễ
tế “Nhân tự”, “Thực sài”, “Dửu liệu” đều đốt củi để khói bay lên đến Thiên thần.
Nhưng những tế phẩm đặt trên củi thì lại theo sự khác biệt tôn ti của các thần:
“Nhân tự” dùng ngọc, lụa, con vật tế để nguyên con. “Thực sài” chỉ có lụa không
có ngọc, con vật tế được xẻ ra. “Dửu liệu” chỉ có con vật tế được xẻ ra. Cũng cần
nhắc đến tế Vu 雩. Thời đại nông nghiệp, mối nguy hiểm nhiều nhất đối với
nông dân là hạn tai, người xưa mong mưa thuận gió hoà, ngũ cốc phong đăng nhân
đó mà có tế Vu. Tế Vu có 2 loại: “thường Vu” và “vì hạn mà tế Vu”. Thường Vu là
lễ tế cố định, cho dù không có hạn tai, đến kì là phải tế. Thời gian thường Vu,
trong Tả truyện – Hoàn Công ngũ niên 左传 - 桓公五年 có nói:
Long hiện nhi Vu
龙见而雩.
(Rồng hiện ra thì tế Vu)
Gọi “long hiện” là chỉ 7 sao
Thương Long 苍龙 vào tháng Tị (tháng 4 lịch nhà Hạ) lúc tối xuất hiện ở
phương đông, lúc bấy giờ vạn vật bắt đầu thịnh, cần mưa, cho nên hàng năm vào
lúc này tế Vu. Còn vì hạn mà tế Vu là nhân vì phát sinh hạn tai nên lâm thời tế
Vu, nhìn chung vào mùa Hạ và mùa Thu. Mùa Đông là lúc nông nhàn không có nỗi lo
về hạn hán, cho nên trong Cốc Lương truyện
谷粱传 có nói:
Đông vô vi Vu dã
冬无为雩也
(Mùa đông không tế Vu)
Lễ tế
Vu, thiên tử và chư hầu đều có. Thiên tử tế Vu là tế trời, gọi là “Đại Vu” 大雩; chư hầu tế Vu là tế sông núi trong nước, chỉ có thể
gọi là “Vu”. Đại Vu tế tại đàn tế lập bên cạnh Nam giao, dùng nhạc, ca vũ, gọi là
“Vũ Vu” 舞雩. Hà Hưu 何休 khi chú Công Dương truyện – Hoàn Công lục niên 公羊传 - 桓公六年 đã viết:
Sử đồng nam nữ các bát nhân, vũ nhi hô
Vu
使童男女各八人, 舞而呼雩
(Sai 8 đồng nam 8 đồng nữ, múa và gọi Vu)
Chính là chỉ loại này. Đối tượng tế Vu, trừ Thiên ra,
còn có “sơn xuyên bách nguyên” 山川百源 (Lễ kí – Nguyệt lệnh 礼记 - 月令) tức núi sông trên mặt đất. (còn tiếp)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 04/02/2014
Nguyên tác Trung văn
CÁT LỄ
吉礼
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật