Dịch thuật: Binh thư

BINH THƯ

          Nói đến việc binh, mọi người thường đem khởi nguyên của binh pháp truy ngược đến thời Hoàng Đế 黄帝, như thường nói Trung thổ binh học, triệu tự Viêm Hoàng 中土兵学肇自炎黄. Đây rõ ràng có liên quan đến trận chiến Bản Tuyền 阪泉 giữa Hoàng Đế và Viêm Đế, trận đại chiến sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc được ghi chép trong cổ tịch. Ở trận chiến này, hai bên đều dùng mưu lược, 3 lần đánh nhau phân thắng bại. Tiếp đó, trận đại chiến ở Trác Lộc 涿鹿 Hoàng Đế đánh với Xi Vưu 蚩尤 càng đấu trí đấu dũng, cuối cùng Hoàng Đế được Cửu Thiên Huyền Nữ 九天玄女 trao cho phép thuật, dùng xe Chỉ Nam phá trận mây mù của Xi Vưu mới giành thắng lợi. Cách nói này mang màu sắc mê tín, nhưng được xem là cơn đau trước khi đẻ ra nền văn minh, quy mô chiến tranh cuối thời nguyên thuỷ cũng không nhỏ, cũng rất tàn khốc. Kinh nghiệm của những cuộc chiến này đương nhiên người đời sau có thể tiếp thu, nhưng thời Hoàng Đế chưa có văn tự thành thục, nhận thức và tổng kết chiến tranh không thể có những ghi chép nào, cho nên Thần Nông binh pháp nhất thiên 神农兵法一篇, Hoàng Đế thập lục thiên 黄帝十六篇 được chép trong Hán thư – Nghệ văn chí 汉书 - 艺文志 chỉ có thể là của người đời sau nguỵ thác. Có học giả cho rằng Quân chính 军政, Quân chí 军志 được chép trong Tả truyện 左传 là tác phẩm cuối thời Tây Chu, cho nên cho rằng binh thư Trung Quốc sản sinh vào thời Tây Chu. Sau Hoàng Đế, trung nguyên lại phát sinh mấy trận đại chiến, như trận chiến Hạ Khải 夏启 thảo phạt họ Hữu Hỗ 有扈, trận chiến Minh Điều 鸣条 Thang phạt Kiệt , trận chiến Mục Dã 牧野 Vũ Vương 武王 phạt Trụ , đều là những cuộc đọ sức về quân lực và mưu lược, tổng kết cách dùng binh ở những trận chiến này, đồng thời có thể thấy dùng văn tự để viết thành sách, điều kiện đã hoàn toàn thành thục. Huống hồ, Tôn Vũ 孙武 được xem là binh học đại gia, trong Tôn Tử binh pháp 孙子兵法 của ông vẫn bảo tồn áng văn thất lạc Quân chính, Quân chí. Nhưng cần phải nói rằng, bộ trứ tác lí luận quân sự thành sách tương đối hoàn chỉnh và sớm nhất của Trung Quốc đó là Tôn Tử binh pháp 孙子兵法 của Tôn Vũ 孙武 cuối thời Xuân Thu. Nó là điển hình cho binh thư thời kì đầu, phản ánh trình độ cao về binh học của Trung Quốc. Tôn Tử binh pháp đặt nền móng cho cơ sở lí luận và địa vị của binh học trung nguyên, đồng thời Tôn Tử binh pháp cũng đặt nền móng cho cơ sở tư tưởng triết học quân sự cổ đại Trung Quốc, binh pháp đời sau đa số không vượt qua được.
          Binh pháp Trung Hoa từ đời Hán trở về trước trứ lục rất nhiều, theo Hán thư – Nghệ văn chí 汉书 - 艺文志, binh thư tồn lục đã có 53 nhà, 790 thiên. Đời sau chú thích các binh thư đời trước và các loại binh thư được viết sau này, theo Trung Quốc binh thư tri kiến lục 中国兵书知见录 là hơn 3300 bộ, 23500 quyển, trong đó binh thư nay hiện còn là hơn 2300 bộ, 18500 quyển (bao gồm những bản in khác nhau về cùng một binh thư). Trong đó binh thư sản sinh ở trung nguyên cùng bản chú thích về nó chiếm số lượng tương đương. Lấy 7 quyển Tôn Tử 孙子, Ngô Tử 吴子, Lục thao 六韬, Tư Mã pháp 司马法, Tam lược 三略, Uý Liêu Tử 尉缭子, Lí Vệ Công vấn đối 李卫公问对mà bản Vũ kinh thất thư 武经七书 được ban chiếu hiệu đính vào năm Nguyên Phong 元丰 thứ 3 đời Tống Thần Tông (năm 1080) thu thập, về cơ bản có xuất xứ từ trung nguyên, do người ở trung nguyên sáng tác. Như Tôn Vũ 孙武 , tác giả của Tôn Tử binh pháp, tổ tịch nước Trần , sau khi đến nước Tề được ban tính là Tôn thị 孙氏; bộ Ngô Tử 吴子 là bộ sách ghi chép cuộc luận binh giữa Ngô Khởi 吴起 với Nguỵ Văn Hầu 魏文侯, Nguỵ Vũ Hầu魏武侯; Lục thao tương truyền là sáng tác của Khương Thái Công 姜太公 đầu đời Chu; Tư Mã Pháp là trứ tác của Điền Nhương Thư 田穰苴 người nước Tề; Tam lược tên gọi đầy đủ là Hoàng Thạch Công tam lược 黄石公三略, Hoàng Thạch Công là ẩn sĩ nước Tần; Uý Liêu Tử là trứ tác của người họ Uý thời Chiến Quốc; Lí Vệ Cống vấn đối còn có tên là Đường Lí vấn đối 唐李问对 là những vấn đáp về việc dùng binh giữa Lí Tĩnh 李靖 và Đường Thái Tông 唐太宗 được chép lại thành sách. Từ sau đời Tống, Vũ kinh thất thư được định là quan thư, có học quan, đặt chức Bác sĩ, có thể thấy địa vị của nó rất cao, rất được tôn sùng. Ngoài ra đương nhiên còn có nhiều bộ binh thư khác cũng có giá trị, như Vũ kinh tổng yếu 武经总要 40 quyển do Tăng Công Lượng 曾公亮 đời Tống biên soạn, ghi lại đạo dùng binh như chiến pháp, trận pháp, giảng võ, dùng binh … cũng là bộ binh thư điển hình mà binh gia đời sau cần phải đọc. Còn những sách liên quan đến việc dùng binh và nội dung quân sự mưu lược càng nhiều vô kể. Sách về binh thư mênh mông như thế, nếu không phải là chuyên gia quân sự thì không thể đọc nỗi. Nhưng các loại binh thư tuy mỗi loại đều có sở trường riêng nhưng cũng có chỗ gần giống nhau, nhất là những luận bàn đa số đều xuất phát từ “binh học Thánh điển” 兵学圣典Tôn Tử binh pháp. Chúng tôi cho rằng, muốn biết sơ về binh pháp cổ đại Trung Quốc, không cần mà cũng không thể đọc hết các bộ binh thư hiện tồn, chỉ cần tập trung đọc hơn 10 bộ trọng yếu khác thời kì như Tôn Tử binh pháp 孙子兵法, Tôn Tẫn binh pháp 孙膑兵法, Lục thao 六韬, Uý Liêu Tử 尉缭子,Tư Mã pháp 司马法, Tam lược 三略, Lí Vệ Công vấn đối 李卫公问对, Vũ kinh tổng yếu 武经总要. Trứ tác quân sự Trung Quốc cận hiện đại, đa số kế thừa tinh hoa binh pháp cổ đại, lại phát triển trong điều kiện xã hội mới và bối cảnh chiến tranh để thích ứng cho yêu cầu chiến tranh hiện đại. Đối tượng chiến tranh và binh khí được sử dụng đã có sự khác nhau về bản chất, nhưng lí luận và mưu lược binh pháp cổ đại trung nguyên hiện tại vẫn có giá trị ứng dụng trọng yếu.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 20/02/2014

Nguyên tác Trung văn
BINH THƯ
兵书
Trong quyển
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post