TỤC CƯỚP HÔN
Cướp
hôn là một hình thức hôn nhân cổ xưa, là mô thức hôn nhân quá độ từ xã hội mẫu
hệ hướng đến xã hội phụ hệ.
Theo sự
phát triển của sức sản xuất và sự xuất hiện chế độ tư hữu, người nam không cam
chịu một cuộc sống “tối đi sáng về”, mà muốn đưa người nữ về nhà mình, trở
thành một bộ phận “tài sản”, hoàn thành sự chuyển biến quan hệ cư xử hôn nhân
và chế độ kế thừa tài sản. Còn người nữ đối mặt với sự thất lạc địa vị chủ đạo
cũng không chịu cúi đầu vâng lời, vẫn hi vọng gia đình mẫu hệ tiếp tục phát triển.
Vì thế đã xuất hiện nam giới dùng hành vi cướp mang tính cưỡng chế làm vật sở hữu
của mình đối với nữ giới, đây chính là tục cướp hôn. Thành viên thị tộc nguyên
thuỷ từ chỗ nam theo ở bên nữ chuyển biến thành nữ theo ở bên nam, là “một
trong những cuộc cách mạng cấp tiến nhất mà lịch sử nhân loại từng trải qua”.
Cướp hôn chính là một hình thức biểu hiện hoàn thành sự chuyển biến này. Từ đó,
“nam thú nữ giá” 男娶女嫁 trở thành một tập tục hôn nhân cố định.
Về tục
cướp hôn cổ đại Trung Quốc, trong Dịch
kinh 易经 có lưu lại một số tư liệu:
Truân như, chiên như, thừa mã ban như,
phỉ khấu hôn cấu
屯如, 邅如, 乘马班如, 匪寇婚媾
(Khó khăn chồng chất,
xe một nơi người cưỡi ngựa một nẻo, anh ta không phải phường thảo khấu, thực ra
chỉ muốn thành hôn sự)
(Quẻ Truân 屯, hào Lục nhị 六二)
Thừa mã ban như, cầu hôn cấu. Vãng cát,
vô bất lợi
乘马班如, 求婚媾. 往吉, 无不利
(Xe ngựa
rời rạc, cố gắng làm sao để kết hợp, nếu tiếp tục đi sẽ gặp may mắn, mọi sự đều
thuận lợi)
(Quẻ
Truân 屯,
hào Lục tứ 六四)
Bí như, ba như, bạch mã hàn như, phỉ khấu
hôn cấu
贲如, 皤如, 白马翰如, 匪寇婚媾
(Nên
trang điểm thật lộng lẫy như vậy, hay trang phục thật đơn giản toàn màu trắng,
kìa xem ngựa trắng hùng dũng cất cao đầu rong ruổi trên đường, không phải là
quân thảo khấu đang đến, mà chính là người muốn đến cầu hôn).
(Quẻ Bí 贲, hào Lục tứ 六四)
(Lời dịch
ở 3 đoạn trên theo KINH DỊCH cấu hình tư
tưởng Trung Quốc của Dương Ngọc Dũng và Lê Anh Minh. Nxb Khoa học xã hội,
2006)
Những
ghi chép ở các quẻ này đã miêu tả sinh động cảnh cướp hôn của một chàng trai cổ
đại đeo cung tên, cưỡi ngựa tiến về phía trước.
Tục cướp
hôn thời nguyên thuỷ là người nam cầm vũ khí, cưỡi ngựa đi cướp cô gái. Đến thời
sau, cướp chỉ là một hình thức hôn nhân, nhìn chung là bắt chước cướp, nhưng
“cướp giả hôn nhân thật”. Thời Nguỵ Tấn, phương thức “cướp giả hôn nhân thật”
trở thành phong khí. Lúc bấy giờ trước khi gã con gái, trước cửa nhà gái phải cất
rạp, cô gái sẽ ngồi trong đó, bà con thân tộc cầm vũ khí bảo vệ. Ngày cướp cô
dâu, bà con bên nhà trai cưỡi ngựa cầm vũ khí đến, “giao đấu” cùng bên nhà nữ.
Chàng rể cưỡi ngựa xông thẳng vào rạp, cướp cô dâu lên ngựa chạy. Lúc này, cha
mẹ bên nhà gái hô hoán mọi người đuổi theo, nhưng trước sau vẫn luôn giữ một
khoảng cách nhất định. Trên đường cô dâu cố ý ngã ngựa mấy lần, chàng rể cũng mấy
lần đỡ lên lại. Cứ như vậy đến nhà trai và thành thân (1).
Trong lịch
sử, tục cướp hôn của tộc Mông Cổ 蒙古 có nét đặc sắc.
Ngày cưới, chàng rể người đeo vũ khí, dẫn một nhóm bạn đến nhà gái. Anh em cô
dâu đứng chặn trước cửa hỏi lí do, tục gọi là “lan môn” 拦门 (chặn ngõ). Tiếp đó, hai bên bắt đầu lôi kéo, ẩu đả,
trải qua một trận đấu trong khoảng thời gian ngắn, bên nhà gái sẽ mời nhà trai
vào nhà để dẫn cô dâu đi.
Đến nửa
đầu thế kỉ 20, các dân tộc ở Trung Quốc như Di 彝,
Lật Túc傈僳, Cảnh Pha 景颇, Dao 瑶, Thái 傣 … vẫn còn bảo lưu tục
cướp hôn. Đương nhiên, cướp hôn tuy là di tồn của tập tục cướp hôn thời nguyên
thuỷ, nhưng thực chất hai bên đã bằng lòng, nhiều tình tiết được sắp đặt, hoàn
toàn không “đại động can qua”. Trước khi cướp hôn, hai bên nam nữ phải ấn định
thời gian, địa điểm để tiện bề chuẩn bị. Đợi đến lúc cướp, cô dâu giả vờ tư
thái kêu cứu, bà con bên nhà gái sẽ đổ ra cứu. Trải qua “trận đấu”, cô dâu bị
cướp đi.
Đến giữa
thế kỉ 20, tộc người Dao vẫn còn tục cướp hôn. Nam nữ yêu nhau, sau khi trải qua một
thời gian qua lại bí mật, đã nghĩ cách lấy lòng cha mẹ. Khi cử hành hôn lễ,
chàng rể ăn mặc thật đẹp, hông đeo kiếm, mời mấy người bạn cùng đi đến nhà gái
đón dâu. Cô dâu nhìn thấy chàng rể trong bụng vui mừng nhưng lại làm ra vẻ
không bằng lòng. Đương lúc chàng rể ra bộ “hoang mang”, cô dâu bỏ chạy ra
ngoài, chàng rể cố ý lộ vẻ kinh ngạc, nhanh chóng đuổi theo. Cô dâu chạy lúc
nhanh lúc chậm, chạy đến bên rừng không có ai trông thấy liền dừng lại để chàng
rể chạy đến. Sau đó chàng rể “bắt được” cô dâu đưa về lại nhà gái. Sau đó không
lâu, cô dâu lại thừa cơ hội “bỏ chạy”, chàng rể lại đuổi theo. Cứ như vậy 3 lần,
trải qua “đuổi bắt”, cô dâu “không biết làm cách nào” đành theo chàng rễ và
đoàn đón dâu về nhà trai. Sau khi đến nhà trai, cô dâu lại giả vờ muốn trồn về
nhà mình, vì vậy, phải diễn lại màn kịch “3 lần trốn”, “3
lần bị bắt” . Lần cuối cùng cô dâu bị bắt đã cùng với chàng rể bái thần thành thân.
Tục cướp
hôn của tộc người Thái vẫn còn một chút mùi vị cướp thật. Nam nữ hai bên trải qua thời gian
bí mật yêu nhau, thường bàn định một loại biện pháp cướp hôn để cưỡng bức hai
nhà đồng ý thành thân. Tại một ngày đã định, chàng trai dẫn theo mấy người bạn,
một tay xách một túi đựng đầy tiền đồng, tay kia cầm dao dài lặng lẽ đến nấp tại
một địa điểm đã định ở gần nhà gái. Lúc bấy giờ cô gái tìm cớ ra ngoài, đi vòng
đến chỗ hẹn. Chàng trai đợi cô gái đến gần lúc bấy giờ mới kêu lên một tiếng,
nhảy xổ ra bắt cô gái cõng lên lưng bỏ chạy. Cô gái giả vờ vùng vẫy la kêu cứu.
Người nhà nghe tiếng kêu kéo đến, hàng xóm cũng ra giúp. Chàng trai ước thấy đội
quân đuổi theo gần đến, vội bảo bạn lấy tiền đồng rải trên mặt đất. Những người
đuổi theo nhìn thấy liền khom người xuống nhặt. Vì thế chàng trai thừa cơ “cướp”
cô gái về nhà. Mấy ngày sau, chàng trai mời bà mai đến nhà gái xin cưới. Trong
tình huống “ván đã đóng thuyền”, trừ yêu sách sính lễ ra, nhà gái đành phải đồng
ý. (còn tiếp)
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Hướng Nãi Đán 向乃旦:
Huyết duyên . Lương duyên . Nghiệt duyên 血缘 . 良缘 . 孽缘 trang
49.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 25/01/2014
Dịch từ nguyên tác Trung văn
THƯỞNG KIẾP HÔN
抢劫婚
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật