Dịch thuật: Tục cướp hôn (tiếp theo)

TỤC CƯỚP HÔN
(tiếp theo)

          Cướp hôn là một phương thức hôn phối lưu hành rộng rãi nhất ở tộc người Cảnh Pha 景颇, có thể chia làm 3 loại nhỏ: lạp thân 拉亲, thâu thân 偷亲, thưởng thân 抢亲.
          “Lạp thân” là chỉ việc chàng trai âm thầm lấy đi một vật trên người cô gái mà mình yêu, sau đó tự định thời gian thành thân. Đến ngày đã định, chàng trai mời mấy người bạn, nhân lúc cô gái ra ngoài, đến cướp về trại để thành thân. Sau đó nhờ bà mai thông báo cho cha mẹ cô gái để bàn hôn lễ. Cha mẹ cô gái không biết phải làm thế nào, đành phải đồng ý.
          “Thâu thân” là chỉ việc nam nữ thanh niên yêu nhau mà cha mẹ cô gái không đồng ý, vì thế cô dâu ngoài mặt phản đối, nhưng ngầm bảo chàng trai cướp mình đi.
          “Thưởng thân” tức cưỡng đoạt để đạt đến mục đích kết hôn. Tình huống này, thường nhân vì cô dâu tài mạo xuất chúng, cùng là đối tượng của mấy chàng trai, giữa các chàng trai có sự nghi kị lo lắng, cho nên “cần phải ra tay trước” cướp cô gái để thành thân. Nhân đó, loại tình huống này một khi phát sinh, cha mẹ nhà gái thường sẽ đòi hỏi lễ vật tương đối nhiều. Cũng có tình huống cô gái đã đính hôn với người khác, thậm chí đã kết hôn, người đi cướp cần phải bồi thường một số tiền tương đối lớn cho người vốn đã là chồng của cô gái.
          Người Ngạc Luân Xuân 鄂伦春 cũng có tục cướp hôn, nhưng chỉ hạn chế ở việc cướp quả phụ. Theo tập quán của người Ngạc Luân Xuân, nếu quả phụ có con thì thông thường không thể tái giá; nếu tái giá phải nuôi con đến lớn mới được. Nhưng nhà mẹ của quả phụ vì lợi ích thiết thân của con gái nên thường ủng hộ việc cải giá, điều này không thể không dùng hành động bạo lực. Đến lúc đó nhà người mẹ của quả phụ sẽ liên hợp với nhà trai sắp cưới, có lúc vì để phô trương thanh thế còn liên hợp với thành viên của gia tộc hai bên, đến nhà người chồng trước để cướp quả phụ. Theo quy định: chỉ cần cướp quả phụ ra khỏi “tiên nhân trụ” 仙人柱 (1) nơi quả phụ sinh sống, gia đình của người chồng trước không có quyền lưu giữ cô ta lại nữa. Nhưng nhà của người chồng trước có thể từ phía “đi cướp” đòi bồi thường một số con tuần lộc. Do bởi phía “đi cướp” người đông thế mạnh, hơn nữa lại đến thình lình, nhà của người chồng trước khó mà chống đỡ, nên quả phụ thường bị cướp đi.
          Tục cướp hôn của tộc người Di đơn thuần là “đùa giả mà làm thật”. Hai bên nam nữ trước tiên bàn định ngày kết hôn, chàng rể không phải kèn trống đi rước dâu mà là nắm dao cầm gậy đến nhà cha mẹ vợ cướp dâu. Còn nhà cô dâu? Cũng tập họp một số người mạnh khoẻ dàn trận đợi để bảo vệ cô dâu cùng gia đình. Sau khi người đi cướp đến, sự xung đột hai bên không phải chỉ làm cho có lệ mà là dao thiệt, gậy thiệt ra sức đánh, thậm chí đánh đến sưng đầu mẻ trán, máu nhỏ dầm dề. Nhưng, tập quán truyền thống là: một khi người ngựa phía chàng rể xông được vào nhà gái thì hai bên ngay lập tức đình chiến nghị hoà, nhà gái bày rượu thịt chiêu đãi nhà trai. Sau yến tiệc, cô dâu trang điểm thật đẹp, được anh em cùng bà con bạn bè cùng hộ tống đến nhà trai. Khi đến trước cửa nhà trai, lại phát sinh trận hỗn chiến thứ hai, mục tiêu là cướp lấy khăn che mặt của cô dâu. Phía cô dâu muốn cướp được để quăng lên mái nhà, cho đó là vật chứng cô dâu tại nhà chồng sẽ có được quyền chi phối. Còn phía chàng rể muốn cướp được để liệng xuống đất trước cửa rồi giẫm lên, lấy đó chứng minh chàng rể có quyền uy trong nhà. Cuộc chiến rất kịch liệt, kết quả thường là nhân vì phía chàng rể chiếm lợi thế người đông nên kết thúc thắng lợi. Nghi thức cướp hôn này hé lộ “gene di truyền” của cuộc đấu tranh giữa phụ quyền và mẫu quyền. Chỗ khác nhau là tập quán cướp hôn kiểu này trước khi cướp, hai bên nam nữ đều xây dựng được cơ sở ái tình, chứ không phải là hành động bạo lực mà bên nam cưỡng hành chiếm hữu. Bất luận là cướp thật hay là cướp giả, tập tục này mang đậm màu sắc hỉ kịch, nó khác một trời một vực với kiểu chủ nô lệ thời trước là  “kẻ đương quyền lợi dụng hình thức hôn nhân này để thoả mãn lòng tư dục”.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TIÊN NHÂN TRỤ 仙人柱: cũng gọi là “tà nhân trụ” 斜仁柱, “yết nhân trụ” 歇人柱, tiếng Hán gọi là “toát la tử” 撮罗子. Đây là một loại lều ở của tộc người Ngạc Luân Xuân鄂伦春 được làm từ 20 đến 30 khúc cây dài khoảng 5, 6m chụm đầu lại, chân xoải ra, bên ngoài phủ lên một lớp da thú, nhìn giống hình chiếc nón.
          Nguồn http://www.baike.com/wiki
                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 26/01/2014

Dịch từ nguyên tác Trung văn
THƯỞNG KIẾP HÔN
抢劫婚
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post