Dịch thuật: Tư Mệnh Chân Quân - Táo thần

TƯ MỆNH CHÂN QUÂN – TÁO THẦN

          Táo thần 灶神 là vị thần cai quản việc bếp núc trong dân gian, vốn là Hoả thần 火神, sau thành Vật thần 物神, sau nữa trở thành vị thần được nhân cách hoá. Bếp nấu nướng thức ăn đương nhiên cũng có thần cai quản, và được sự sùng bái của mọi người, điều này đối với người thời nay mà nói quả có chút khó hiểu.
          Táo thần trong dân gian gọi là Táo quân 灶君, Táo vương gia 灶王爺, Táo quân Bồ Tát 灶君菩薩… Sự xuất hiện của bếp không thể thoát rời lửa, tiên dân tại nơi cư trú nhóm lên một đống lửa, dùng để sưởi ấm, chiếu sáng, nấu thức ăn, đề phòng thú dữ … đây chính là bếp nguyên thuỷ. Trong xã hội mẫu hệ lúc bấy giờ, bếp do một phụ nữ tối cao có uy vọng trong bộ tộc cai quản. Ngày nay, tập tục ngồi quanh bếp trong đêm Trừ tịch chờ đón giao thừa chính là di phong nguyên thuỷ còn sót lại.
          Theo sự khảo chứng của các chuyên gia, Tư Mệnh Chân Quân 司命真君 là một trong Ngũ tự 五祀 thời cổ. Ngũ tự tức Môn Hộ chủ xuất nhập; Táo chủ về ẩm thực; Trung lựu 中霤 chủ về đường thất; Hành chủ về đường sá. Táo thần ở thôn quê do bởi được thờ ở gian bếp, quanh năm bị khói ám, cho nên Táo thần cũng còn được gọi là “Tạo vương gia” 皂王爺, “tạo” có nghĩa là đen.
          Lai lịch của Táo thần có thể có từ rất lâu. Trong Lễ kí 禮記 có nói: Chúc Dung 祝融 còn được gọi là Hoả thần 火神, là vị thần cai quản lửa ở bếp. Và theo truyền thuyết: Táo vương họ Trương tên Đan , tự Tử Quách 子郭, phu nhân tên Cước Kị 腳忌. Ngạn ngữ có câu:
Táo vương gia bản tính Trương, nhất oản thanh thuỷ tam chú hương
灶王爺本姓張, 一碗清水三炷香
(Táo vương gia vốn họ Trương, một chén nước trong ba nén hương)
          Cho nên, dân gian thường cho rằng Táo thần họ Trương, ngày mồng 3 tháng 8 âm lịch là sinh nhật Táo thần, mỗi nhà đều phải cúng bếp.
          Trong Kính Táo toàn thư 敬灶全書 có nói: Táo thần nhận được hương hoả của một nhà, bảo hộ sự bình yên của một nhà, quan sát thiện ác của một nhà, tấu công tội của một nhà. Những người bị cáo, nếu lỗi lớn sẽ giảm thọ 300 ngày, lỗi nhỏ sẽ giảm thọ 100 ngày, quả là lợi hại.
          Những ai có lỗi với Táo thần, có tránh cũng khỏi, đành phải tìm cách khi cúng. Vì thế hàng năm vào ngày 24 tháng Chạp khi cúng Táo thần, dâng lên rất nhiều kẹo mạch nha, dùng kẹo mạch nha để dán miệng của Táo quân lại để Táo quân không tâu những lời không có lợi cho gia chủ, chỉ tâu những lời tốt đẹp. Mọi người còn dán bên cạnh cặp câu đối:
Thượng thiên ngôn hảo sự
Hạ giới giáng cát tường
上天言好事
下界降吉祥
(Trên trời tâu những việc tốt
Dưới trần giáng những điều lành )
          Táo thần ở khu vực Đài Loan, có một số nhà thờ bức hoạ Táo thần tại gian nhà chính, nhưng ở thôn quê, đa số đều thở ở gian bếp. Dân gian tin rằng ngày 24 tháng Chạp là ngày tống Thần, cũng chính là nói: mọi việc trên mặt đất sẽ được thần minh lên trời tâu lại. Các Thần lên trời hướng đến Ngọc Hoàng Đại Đế tấu báo, đem những việc tốt xấu, phải trái công tội của mỗi nhà bẩm báo tường tận, làm căn cứ để năm sau Ngọc Hoàng sẽ theo đó mà ban phúc hoặc hoạ cho mỗi nhà. Nhân vì có liên quan đến sự bình an hoạ phúc của mỗi nhà ở năm tới, cho nên lễ tống Thần đặc biệt long trọng. Sang năm mới, ngày mồng 5 tháng Giêng các Thần mới trở về trần gian.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 22/01/2014
                                                       (Ngày 22 tháng Chạp năm Quý Tị) 

Nguồn
Previous Post Next Post