Dịch thuật: Quy chế thái giám cung đình triều Thanh (tiếp theo)

QUY CHẾ THÁI GIÁM CUNG ĐÌNH TRIỀU THANH
(tiếp theo)

          Trong Tổng quản Nội vụ phủ trị tội điều lệ 总管内务府治罪条例 có hơn 50 điều, quy định rất tỉ mỉ, chủ yếu là:
1- Phàm thái giám các cung điện, người nào không tuân theo mệnh lệnh của chủ, tự ý đánh tiểu thái giám và cung nữ, nếu là thủ lĩnh sẽ bị phát vãng làm nô dịch, nếu là thái giám sẽ bị tử hình.
2- Thái giám trong cung ra ngoài làm việc phải có hạn định thời gian, nếu quá thời gian mà không về, sẽ do tổng quản (hoặc thủ lĩnh) xử phạt; nếu qua đêm không về, do Kính sự phòng báo cho đại thần tổng quản Nội vụ phủ sai người đi bắt, theo luật mà định tội.
3- Thái giám trong cung không được ra ngoài xem hát, uống rượu. Ai vi phạm sẽ bị đánh 100 trượng, đóng gông 1 tháng, cho ra ngoại vi làm nô.
4- Thái giám nếu lần đầu bỏ trốn sau đó tự quay về sẽ bị đánh 60 bản, giảm bổng 5 tiền cùng 1 năm bạc thưởng. Nếu lần đầu bỏ trốn bị bắt được, hoặc 2  lần bỏ trốn đều thuộc loại tự quay về, sau khi bị đánh 60 bản sẽ bị phát vãng đến Ngô Điện 吴甸 làm cỏ 1 năm. Thái giám bỏ trốn 2 lần, trong đó có 1 lần tự quay về sau khi bị đánh 80 bản sẽ bị phát vãng đến Ngô Điện làm cỏ 1 năm rưỡi. 2 lần bỏ trốn đều bị bắt được, sau khi bị đánh 100 bản sẽ bị phát vãng đến Ngô Điện làm cỏ 2 năm. Thái giám bỏ trốn 3 lần, 4 lần, 5 lần, bất luận là tự động quay về hay bị bắt lại đều bị đánh 100 bản, bị phát vãng đến Ngô Điện làm cỏ 3 năm, 4 năm hoặc 5 năm. Các thái giám bị phát vãng đến Ngô Điện làm cỏ mãn hạn được thả về đều bị đưa ra ngoại vi làm nô. Nếu mãn hạn 5 năm được thả về lại bỏ trốn, bất luận như thế nào cũng đều bị đóng gông vĩnh viễn.
5- Phàm thái giám trong cung hoặc ở vườn Viên Minh 圆明, nếu hút thuốc phiện, hạn trong 1 tháng phải tự thú, đem dụng cụ hút giao nộp sẽ được miễn tội. Mỗi tháng tổng quản sẽ đi lục soát 1 lần các nơi do mình quản lí. Nếu có người cất giấu dụng cụ hút sẽ bị tội. Người hút sẽ bị giảo giam hậu (tức chờ bị tử hình), đồng thời đày gia quyến của người đó đến vùng Tân Cương 新疆 làm nô bộc cho quan binh.
          Triều Thanh thủ tục tuyển chọn thái giám rất nghiêm ngặt. Trong Thanh hội điển 清会典 ghi rằng:
          Việc tuyển chọn thái giám phải tra xét quê quán. Đặt ra 2 người trung gian chiêu mộ thái giám, do 2 huyện Đại Hưng 大兴 và Uyển Bình 宛平 lập danh sách đưa lên. Phàm có thái giám đều do trung gian đến ti báo tên, nếu chiêu mộ được 1 thái giám sẽ được thưởng 1 xâu tiền. Sau khi báo tên thái giám, tra xét quê quán, như trong khoảng 20 tuổi, hoặc ngoài 20 tuổi có thể tuyển chọn làm người hầu. Nếu tuổi quá lớn hoặc người ngoài tỉnh sẽ báo lên Thân vương, Quận vương sử dụng.
          Thái giám được tuyển chọn trước tiên phải tịnh thân. Đời Thanh quy định, nghiêm cấm tự tịnh thân, nếu ai vi phạm sẽ bị trảm giam hậu. Sau khi thái giám nhập cung đối mặt với một cửa ải khó khăn đó là phải học phép tắc. Đẳng cấp trong cung triều Thanh rất nghiêm ngặt, quy củ rất nhiều, thái giám ăn nói, hành động đều có quy định không thể vi phạm, nếu không sẽ rước lấy cái hoạ diệt thân. Ngay cả những việc đơn giản như rót trà, dọn cơm, dâng đồ vật cũng rất tỉ mỉ. Cho nên thái giám mới đầu nhập cung đều phải làm lễ bái sư, hướng đến một vị thái giám già để học hỏi, lúc bình thường phải chăm chỉ học các loại quy củ, tìm hiểu tâm tính của chủ để không sai sót.
          Cuộc sống của thái giám vô cùng gian khổ, thu nhập mỗi tháng của họ không nhiều, bị đánh mắng cùng với bị phạt bổng là việc thường có. Theo hồi ức của vị thái giám cuối đời Thanh: Từ Hi Thái Hậu rất hung dữ, hỉ nộ cũng vô chừng, thường vì một việc nhỏ mà đánh mắng thái giám. Có lần bà ta bắt một lão thái giám ăn phân của ông ta, lão thái giám vì vậy mà bỏ mạng. Cách xử phạt thái giám của triều Thanh rất nhiều, đánh bằng trượng và bằng bản là chính. Thái giám bị xem là người bị hại và là vật hi sinh của chế độ chuyên chế phong kiến, về chính trị họ không có địa vị, về kinh tế không có sự đảm bảo, thân tâm chịu những tổn hại và tàn phá nghiêm trọng. Lúc phục dịch trong cung bị lăng nhục, sau khi lui về cũng bị mọi người không thông cảm, ngay cả người nhà cũng không muốn thu nhận, xem họ là nỗi nhục to lớn. Do bởi họ thiếu kĩ năng chuyên môn, lại mất năng lực lao động, nên chỉ có thể lưu lạc đầu đường góc phố, hoặc nương thân nơi chùa miếu để sống nốt tuổi già.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 19/01/2014

Nguyên tác Trung văn
CUNG ĐÌNH THÁI GIÁM QUY CHẾ
宫廷太监规制
Tác giả: Tào Liên Minh 曹连明
Trong quyển
CUNG QUY LỄ TỤC THÁM U
宫规礼俗探幽
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post