LỊCH SỬ THỜ PHỤNG TÁO THẦN
Trung Quốc
là một đất nước tin thờ đa thần, trong số những thần linh mà người thời cổ tin
thờ, Táo thần 灶神 trong dân gian chiếm địa vị cao nhất. Ngạn ngữ có
câu:
Tam tế Táo, tứ tảo ốc …
三祭灶, 四扫屋…
(Ngày 23 tế Táo thần, ngày 24 quét dọn nhà cửa)
Tức chỉ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm (có thuyết là
ngày 24 tháng Chạp) tế Táo thần. Táo thần tục gọi là Táo quân 灶君, Táo gia 灶爷, Táo vương gia 灶王爷, là sự sùng bái Thần kì 神衹
vốn bắt nguồn từ sự sùng bái lửa phát triển mà thành. Bầy người nguyên thuỷ
trong cuộc sống đấu tranh trường kì với thiên nhiên đã học biết cách dùng lửa,
lửa trở thành một trong những đối tượng tự nhiên được sùng bái của người nguyên
thuỷ. Trong cuộc sống quần cư thị tộc của người nguyên thuỷ, đống lửa không bao
giờ tắt đó là bếp của họ, nơi đó của người nguyên thuỷ, Hoả thần và Táo thần là
nhất trí. Nhưng từ ngày sản sinh Táo thần, công việc mà Táo thần cai quản không
liên quan gì đến lửa hoặc lửa ở bếp. Táo thần là vị quan giám sát do Thiên Đế
phái xuống mỗi nhà, là vị đứng đầu trong nhà, phụ trách giám đốc việc thiện ác
công tội của già trẻ trong nhà, định kì bẩm báo lên thiên đình, vì thế Táo thần
có được sự sùng bái của bách tính.
Thời
Xuân Thu, dân gian lưu truyền câu ngạn ngữ:
Dữ kì mị vu Áo, ninh mị vu Táo
与其媚于奥, 宁媚于灶
(Nịnh thần Áo, thà nịnh thần Táo)
Khổng Tử
đã giải thích cho học trò việc người ta “mị vu Táo” rằng:
Bất nhiên, hoạch tội vu thiên, vô sở đảo
dã
不然, 获罪于天, 无所祷也
(Không phải vậy, mắc tội với trời thì không thể cầu đảo
gì được)
(Luận ngữ - Bát
dật 论语 - 八佾)
Nếu không lấy lòng Táo thần, Táo thần sẽ tấu việc xấu
của mình với Thượng thiên. Do bởi người với Thiên Đế không có cách nào câu
thông, cho nên Thiên Đế chỉ có thể dựa vào những lời của Táo thần. Phàm người
“vô sở đảo dã”, Táo thần bẩm cáo như thế nào, Thiên Đế sẽ định tội anh như thế
đó. Cát Hồng 葛洪 trong Bão Phác
Tử - Vi chỉ 抱朴子 - 微旨 có nói:
Nguyệt hối chi dạ, Táo thần diệc thướng
thiên bạch nhân tội trạng. Đại giả đoạt kỉ. Kỉ giả, tam bách nhật dã. Tiểu giả
đoạt toán. Toán giả, nhất bách nhật dã.
月晦之夜, 灶神亦上天白人罪状. 大者夺纪. 纪者, 三百日. 小者夺算. 算者一百日也.
(Đêm cuối
tháng, Táo thần cũng lên trời bẩm báo về tội trạng của con người. Người nào tội
nặng, sẽ đoạt bớt kỉ. Kỉ là 300 ngày. Người nào tội nhẹ sẽ đoạt bớt toán. Toán
là 100 ngày)
Cũng chính là nói, ai đắc tội với Táo thần, nếu nghiêm
trọng sẽ bị giảm sống 300 ngày, nếu nhẹ sẽ bị giảm sống 100 ngày. Thử nghỉ, vô
cớ bị mất mấy trăm ngày sống, kiểu trừng
phạt này quả thực là đáng sợ.
Táo thần
thời kì đầu sản sinh từ sự sùng bái tự nhiên của con người đối với lửa. Trước đời
Tần, tế Táo thần đã trở thành một trong “thất tự” 七祀
của điển tự quốc gia. Đến đời Hán, tế Táo thần lại được liệt vào một trong “ngũ
tự” 五祀 của đại phu, đồng thời Táo thần cũng được nhân cách
hoá, được phú cho công năng mới. Thái
Bình Ngự Lãm 太平御览 quyển 186 dẫn lời trong Hoài Nam Vạn Tất Thuật
淮南万毕术:
Táo thần hối nhật quy thiên, bạch nhân tội
灶神晦日归天, 白人罪
(Táo thần ngày cuối tháng về trời, bẩm báo tội của con
người)
Trịnh
Huyền 郑玄 khi
chú Lễ kí – Kí pháp 礼记 - 记法 cũng có nói:
(Táo thần) cư nhân gian, tư sát tiểu
quá, tác khiển cáo giả dã
(灶神) 居人间, 司察小过, 作谴告者也.
((Táo thần) ở nhân gian, xem xét lỗi nhỏ, khiển trách
nói cho biêt)
Điều này nói rõ, chí ít đến đời Hán, Táo thần đã thành
vị thần đốc sát tội lỗi của nhân gian để báo cáo với trời.
Cho nên
mọi người nếu như cầu phúc trừ tai thì phải nên cung kính với Táo vương gia, như:
không được đốt hương từ lửa ở bếp, không được gõ lên ông đầu rau, không được đặt
dao thớt lên bếp, không được nói những chuyện quái lạ, càm ràm, than khóc, hô
hoán, ca hát trước bếp, không được đem những thứ ô uế đốt trong bếp v.v…Hàng
năm đến ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp, khi Táo vương gia sắp thăng thiên báo cáo
tình hình của một năm qua, mọi người còn phải bày vật phẩm dâng cúng Táo vương
gia, đó gọi là tế Táo. Khi tế Táo, kẹo mạch nha và rượu là hai thứ không thể
thiếu. Rượu là để Táo vương gia uống say quên hết mọi chuyện, còn kẹo mạch nha
vừa ngọt vừa dính, một là để “khoá” miệng Táo vương gia, miệng Táo vương gia ăn
ngọt nên không thể nói những ác ngôn ác ngữ, chỉ có thể nói những lời tốt đẹp,
hai là kẹo mạch nha dính miệng, muốn nói lời xấu cũng không thể mở miệng được,
chỉ có thể ậm ừ cho xong.
Thời cổ
tế Táo không phân biệt thân phận sang hèn cao thấp, trên đến hoàng cung, đại thần,
dưới đến bình dân bách tính, đối với Táo thần đều cung kính. Theo một số tư liệu:
vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Hoàng đế triều Thanh đại tế Táo thần tại cung
Khôn Ninh 坤宁, đồng thời thiết lập thần vị Thiên, Địa. Hoàng đế trước
Thần vị hành lễ cửu bái để nghinh đón phúc hỉ năm mới. Ngày tế Táo, tại cung
Khôn Ninh bày hương án, đặt Thần vị, trước Thần vị đặt hương đèn cùng lễ vật,
trong sân điện đặt lò hương, đệm quỳ. Cũng giống như dân gian, trước khi Táo
quân thăng thiên báo cáo sự việc, cũng dùng kẹo dán miệng Táo thần để phòng trước
mặt Ngọc Đế nói những lời không tốt. Khi tế Táo, thỉnh Hoàng đế đến trước tượng
Phật, tượng Thần, Táo quân ở cung Khôn Ninh thắp hương hành lễ. Lễ xong, lại thỉnh
Hoàng hậu theo tuần tự hướng đến các Thần vị hành lễ.
Sự sùng
bái Táo thần, nguyện vọng lúc ban đầu là cầu được ban phúc, về sau chỉ mong
tránh được hoạ, phản ánh người xưa đối với vận mệnh của bản thân mình mịt mờ
không rõ, chỉ có thể đem nhưng hoạ phúc cát hung mà mình gặp kí thác vào Thần,
nhiều điều cấm kị đối với Táo thần như không được có những lời oán trách, nói
những lời quái dị, bực tức, đã bị kẻ thống trị lợi dụng, trở thành công cụ trói
buộc tư tưởng con người. Hiện tại, theo sự phát triển cùng sự tiến bộ không ngừng
của xã hội, phong tục tế Táo đã dần nhạt hoá, từ từ rời xa cuộc sống con người. (trích)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/01/2014
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật