ĐIỂN THÊ HÔN
TỤC MANG THAI HỘ
“Điển
thê hôn” 典妻婚 còn gọi là “quải trướng” 挂帐,
“bang thối” 帮腿, “thiếp phu” 帖夫,
“tô thê” 租妻, “điển thừa hôn” 典承婚,
chỉ hình thức hôn nhân đàn ông bỏ ra một số tiền nhất định nhờ vợ của một người
khác lâm thời làm vợ mình, mục đích chủ yếu là sinh cho mình đứa con để kế thừa
hương hoả.
Căn cứ
vào những ghi chép ở sách cổ, hình thức hôn nhân “điển thê hôn” đã xuất hiện
vào thời Tống. Như Hồng Mại 洪迈 trong Di kiên chí 夷坚志 có nói:
Điển chí thê tử, y bất tế thể, mỗi nhật cầu khất đắc
bách tiền, cận năng thái chúc độ nhật.
典质妻子, 衣不蔽体, 每日求乞得百钱, 仅能菜粥度日
(Những
người cầm đợ vợ con, quần áo không đủ che thân, mỗi ngày cầu xin được trăm tiền,
chỉ có thể rau cháo qua ngày)
Thời
Nguyên, “điển thê hôn” đã lưu hành rộng rãi ở cả nam và bắc.
“Điển
thê hôn” có những quy định tương ứng. Đương sự hai bên, chủ yếu là chồng của
người vợ bị thuê và chủ thuê phải lập “điển hôn thư” 典婚书.
Điển hôn thư mang tính chất khế ước này cần phải có chữ kí
của cả hai bên mới có hiệu lực, nó gồm hai tờ, người chồng và chủ thuê mỗi bên
giữ một tờ. Nội dung bao gồm: nguyên nhân cho thuê vợ, thời gian cho thuê, giá
tiền, việc nuôi dưỡng con cái. Cũng cần phải có người môi giới làm chứng, họ
tên của người môi giới cũng phải được viết vào điển hôn thư, để ngày sau tra
xét. Con do người vợ được thuê sinh ra mang họ của chủ thuê, thuộc sở hữu của
chủ thuê, người con đó có quyền thừa kế tài sản của chủ thuê, và cũng được ghi
tên vào gia phả. Hôn lễ “điển thê” đa phần cử hành vào ban đêm, cũng bày tiệc mời
khách, lễ tục động phòng cũng như các hôn lễ khác chỉ là không treo đèn kết hoa
mà thôi.
Về
phương diện quan hệ vợ chồng và quan hệ mẹ con, “điển thê hôn” so với các hình
thức hôn nhân khác có đặc trưng không giống nhau, đây là một hình thức hôn nhân
mang tính lâm thời. Người vợ và người chồng trước vẫn giữ mối quan hệ vợ chồng.
Khi người vợ bị đem cho thuê, đầu tiên cần phải ghi rõ trên tờ khế ước thời hạn
bắt đầu và kết thúc mối quan hệ hôn nhân giữa người vợ bị thuê và chủ thuê, việc
này để bảo đảm cốt nhục của người con được sinh ra. Nhìn chung người vợ bị thuê
phải ở tại nhà chủ, nhưng cũng có tình huống người vợ bị thuê vẫn ở tại nhà
mình, chủ thuê mỗi tháng đến nhà người vợ bị thuê ở một số ngày, lúc bấy giờ
người chồng trước phải tránh đi nơi khác, và cứ như vậy cho đến khi người vợ có
thai mới thôi. Khi người vợ bị cho thuê, sinh hoạt với người chồng trước tạm thời
bị gián đoạn, nhưng tình cảm vợ chồng không vì thế mà mất đi. Còn như sinh con,
nguyên tắc là “giữ con không giữ mẹ”. Mục đích công lợi trực tiếp của việc thuê
người mang thai hộ là để có người nối tiếp hương hoả, bởi người vợ chính thức
không có khả năng sinh sản, cho nên mới tìm người khác làm công cụ sinh sản.
Người mang thai hộ và con sinh ra tuy có mối quan hệ huyết thống nhưng đứa con sinh
ra lại gọi người vợ trước là “mẹ”. Ở một vài nơi vùng Triết Giang 浙江, đứa con gọi người mẹ sinh ra mình là “thím”. Được
xem là con của chủ, tên đứa bé sẽ được ghi vào gia phả của tộc họ. Cho nên ở một
số nơi “điển thê hôn” còn được gọi là “tô đỗ bì” 租肚皮
(thuê bụng). Lấy người làm vật, luận giá cho thuê, mang thai hộ là xem người nữ
như một món hàng để luận định, tức đồng nghĩa với một món hàng cho thuê để đối
phương sử dụng một thời gian, còn người bỏ ra món hàng sẽ thu vào một số tiền
nhất định. Đã là món hàng cho thuê đương nhiên hai bên sẽ căn cứ vào chất lượng
của “món hàng” mà định giá, cũng tức là căn cứ vào tuổi tác, dung mạo, năng lực
sinh sản cùng thời gian dài ngắn mà định giá.
Do bởi
“điển thê hôn” xung đột với hệ thống tư tưởng Nho gia chính thống, chủ yếu biểu
hiện ở chỗ tư tưởng Nho gia đề xướng quan niệm lễ giáo “tùng nhất nhi chung” 从一而终 (chung thuỷ từ đầu đến cuối), “nhất nữ bất sự nhị
phu” 一女不事二夫 (một gái không thờ hai chồng), “điển thê hôn” rõ ràng
công nhiên mạo phạm tư tưởng này. Đồng thời “điển thê hôn” cũng có khả năng trở
thành nhân tố bất ổn cho trật tự xã hội, vì thế mà trở thành tập tục hôn nhân bị
quan phương các đời hạ lệnh nghiêm cấm.
Tuy nhà
nước ra những quy định cấm chỉ “điển thê hôn” nhưng do bởi tình hình kinh tế
nghèo khó, “điển thê hôn” vẫn lưu hành trong dân gian. Mãi cho đến xã hội hiện đại, tập tục cho thuê vợ vẫn lưu hành vùng
Triết Giang. Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, bách tính bình dân cũng rất
xem trọng thanh danh của mình, đem vợ của mình cho người khác thuê, đương nhiên
cũng vì thế mà không ngẩng đầu lên được, nhưng áp lực cực mạnh của cuộc sống
khiến họ không thể đi theo con đường này. Tư Mã Thiên 司马迁
từng cảm xúc nói rằng:
Thương lẫm thực nhiên hậu tri lễ tiết (1)
仓廪实然后知礼节
(Kho lẫm đầy sau đó mới biết được lễ tiết)
Và ông cũng có nói:
Thiên kim chi tử, bất khí vu thị (2)
千金之子, 不弃于市
(Đứa con ngàn vàng không thể đem bỏ ở chợ)
Bản ý của
Tư Mã Thiên hoàn toàn không phải chỉ trích hạng tiểu dân không hiểu biết lễ
nghĩa liêm sĩ mà ông chỉ chỉ ra một đạo lí đơn giản: điều mà gọi là “lễ nghĩa
liêm sĩ” là có điều kiện. Dưới áp lực nặng như núi Thái đè lên cuộc sống, tiểu
dân không có tiền để coi trọng “vật ngoài thân”, nên đó không phải hoàn toàn là
tội của “đám tiểu dân”.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Thiên Mục dân
牧民 trong Quản Tử 管子 ghi rằng:
Thương lẫm thực tắc tri lễ tiết
Y thực túc tắc tri vinh nhục
仓廪实则知礼节
衣食足则知荣辱
(Kho lẫm đầy mới biết lễ tiết
Áo quần đủ mới biết vinh nhục)
Ở Quản Án liệt truyện 管晏列传 trong Sử kí 史记, Tư Mã Thiên 司马迁
khi dẫn lại đã sửa chữ “tắc” 则 thành chữ “nhi” 而
Thương lẫm thực nhi tri lễ tiết
Y thực túc nhi tri vinh nhục
仓廪实而知礼节
衣食足而知荣辱
(2)- Ở Hoá thực
liệt truyện tự 货殖列传序 trong Sử kí 史记 có ghi:
Thiên kim chi tử, bất tử vu thị
千金之子, 不死于市
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/01/2014
Nguyên tác Trung văn
TÁ PHÚC SINH TỬ
ĐIỂN THÊ HÔN
借腹生子
典妻婚
Trong quyển
HÔN GIÁ
婚嫁
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật