Dịch thuật: Học và làm người (kì 2)

HỌC VÀ LÀM NGƯỜI
(kì 2)

          Làm sao mới có thể không lo? Tại sao người nhân lại không lo? Muốn rõ đạo lí này trước tiên cần phải biết nhân sinh quan của các bậc tiên triết Trung Quốc là như thế nào. Chữ “nhân” , toàn thể đại dụng nhân sinh quan của Nho gia đều bao gồm trong đó. “Nhân” rốt cuộc là như thế nào? rất khó dùng lời lẽ để nói rõ. Tôi cố gắng giải thích một chút, có thể nói là “phổ biến nhân cách chi thực hiện” 普徧人格之實現. Khổng Tử nói rằng:
Nhân giả, nhân dã (1)
仁者, 人也
ý nghĩa là, nhân cách hoàn thành thì gọi đó là “nhân”. Nhưng chúng ta cần phải biết rằng: nhân cách không phải biểu hiện ra bởi một cá nhân đơn độc, cần phải nhìn từ mối quan hệ giữa người với người. Cho nên chữ “nhân” là 2 người, Trịnh Khang Thành 鄭康成 giải thích là “tương nhân ngẫu” 相人偶 (2). Tóm lại, cần phải giữa anh và tôi giao cảm phát sinh qua lại thành nhất thể, sau đó nhân cách của tôi mới có thể thực hiện. Cho nên chúng ta nếu không giảng về chủ nghĩa nhân cách thì không có gì để mà nói; giảng đến chủ nghĩa này, đương nhiên quy về nhân cách phổ biến. Nói một cách khác, vũ trụ tức là nhân sinh, nhân sinh tức là vũ trụ, nhân cách của tôi và vũ trụ không là hai, không là khác biệt. Người thể nghiệm được đạo lí này, gọi đó là “nhân giả” 仁者. Thế thì hạng “nhân giả” tại sao lại không lo?  Đại phàm chỗ mà cái lo theo đến không ngoài 2 điều: một là lo thành bại, hai là lo được mất. Chúng ta có được nhân sinh quan “nhân” thì sẽ không lo thành bại. Tại sao như vậy? Bởi vì chúng ta biết vũ trụ và nhân sinh vĩnh viễn không bao giờ viên mãn, cho nên 64 quẻ ở Dịch kinh(3), bắt đầu là quẻ “Càn” mà kết thúc là quẻ “Vị tế” 未濟. Chính vì ở trong vũ trụ vĩnh viễn không bao giờ viên mãn nên mới vĩnh viễn dung chứa được sự sáng tạo, tiến hoá của chúng ta. Việc mà chúng ta làm, chẳng qua chỉ là xê dịch được 1 tấc, 2 tấc nhỏ trong cả một đoạn đường dài mấy vạn dặm tiến hoá của vũ trụ, như vậy đủ để nói là thành công không? Thế thì không làm thì như thế nào? Nếu không làm thì ngay cả 1 tấc 2 tấc cũng không thể tiến lên được, đó là thất bại rồi. Bậc “nhân giả” nhìn thấu đạo lí này, họ tin tưởng rằng chỉ có không làm mới gọi là thất bại, phàm đã làm thì không bao giờ thất bại; cho nên trong Dịch kinh có nói:
Quân tử dĩ tự cường bất tức (4)
君子以自強不息
(Bậc quân tử phải noi theo sự mạnh mẽ của trời mà phấn đầu không ngừng nghỉ)
Nhìn từ phương diện khác, họ tin rằng phàm sự việc không bao giờ thành công, mấy vạn dặm đường xê dịch được 1 tấc, 2 tấc mà gọi là thành công ư? Cho nên trong Luận ngữ 論語 có nói:
Tri kì bất khả nhi vi chi (5)
知其不可而為之
(Biết rõ không thể thành công mà vẫn cứ làm)
          Quý vị nghĩ thử, người có nhân sinh quan như thế thì có thể nói gì về thành bại đây?
          Hơn nữa, chúng ta có được nhân sinh quan “nhân” cũng không bao giờ lo được mất. Tại sao như vậy? Bởi vì nhận định một vật nào đó là ta thì mới có thể nói là được mất. Ngay cả nhân cách cũng không tồn tại đơn độc, không thể vạch rõ phần này là của tôi, phần kia là của người khác; thế thì có vật gì mà ta có thể có được chăng? Đã không có vật gì mà ta có được thì đương nhiên cũng không có vật gì mà ta mất. Ta chỉ là vì học vấn mà học, vì lao động mà lao động, hoàn toàn không phải lấy học vấn, lao động làm thủ đoạn để đạt được mục đích nào đó – có thể cho rằng đó là “sở đắc” của chúng ta. Cho nên Lão Tử 老子 có nói:
Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị (6)
生而不有, 為而不恃
(Sinh trưởng vạn vật mà không chiếm lấy làm của riêng, làm không cậy vào tài năng)
Kí dĩ vi nhân kỉ dũ hữu; kí dĩ dữ nhân, kỉ dũ đa (7)
既以為人, 己愈有; 既以與人, 己愈多
(Càng làm cho người, mình càng có dư; càng cho người, mình càng có nhiều)
          Quý vị nghĩ thử, người có nhân sinh quan như thế thì còn lo gì được mất đây? Nói tóm lại, có được nhân sinh quan này đương nhiên sẽ cảm thấy:
Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất (8)
天地與我並生, 萬物與我為一
(Sinh mạng của trời đất chính là sinh mạng của ta; vạn vật và ta là nhất thể)
Đương nhiên sẽ là:
Vô nhập nhi bất tự đắc (9)
無入而不自得
(Bất luận ở vào địa vị nào cũng đều tuỳ theo cảnh ngộ mà an nhiên tự đắc)
Cuộc sống của người đó quả là thú vị hoá, nghệ thuật hoá. Đây là sự giáo dục tình cảm cao nhất, mục đích là dạy người ta làm được điều mà gọi là “nhân giả bất ưu”.
          Làm sao mới có thể không sợ? đã có công phu “bất hoặc”, “bất ưu” thì cái sợ đương nhiên sẽ giảm thiểu đi rất nhiều, nhưng đó là việc thuộc về phương diện ý chí. Một người nếu ý chí bạc nhược, cho dù có tri thức phong phú, lúc gặp việc cũng không thể dùng được; dù có tình cảm ưu mĩ, lúc gặp việc cũng sẽ biến đổi. Thế thì ý chí làm thế nào mới kiên cường? Đầu tiên cần phải có tấm lòng trong sáng. Mạnh Tử 孟子 nói rằng:
Hạo nhiên chi khí, chí đại chí cương; hành hữu bất khiếp ư tâm, tắc nỗi hĩ (10).
浩然之气, 至大至剛; 行有不慊於心, 則餒矣.
          (Khí hạo nhiên vĩ đại nhất, cứng mạnh nhất, nếu hành vi không hợp với nghĩa và lí thì khí ấy cũng co rút lại).
Và ông cũng nói:
Tự phản nhi bất súc, tuy hạt khoan bác, ngô bất suỷ yên. Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ (11).
自反而不縮, 雖褐寬博, 吾不惴焉. 自反而縮, 雖千萬人, 吾往矣.
         (Tự xét bản thân mình thấy mình không ngay thẳng, tuy đối mặt với dân nghèo mặc áo vải thô, ta há không sợ sao? Tự xét bản thân mình thấy mình ngay thẳng, tuy đối phương có vạn người cũng thản nhiên bước tới)
          Tục  ngữ nói rất hay:
Sinh bình bất tác khuy tâm sự
Dạ bán xao môn dã bất kinh
生平不作虧心事
夜半敲門也不驚
(Bình thường không làm việc gì xấu xa hổ thẹn với lòng
Thì nửa đêm có tiếng gõ cửa cũng chẳng hề lo sợ)
          Một người nên giữ dũng khí, mọi hành vi cần phải làm công khai, đây là điều thứ 1.
          Điều thứ 2 không được để dục vọng xấu xa lôi kéo. Trong Luận ngữ 論語 có ghi rằng:
          Tử viết: “Ngô vị kiến cương giả”. Hoặc đối viết: “Thân Trành”. Tử viết: “Trành dã dục, yên đắc cương?” (12)
子曰: “吾未見剛者”. 或對曰: “申棖”. 子曰: “棖也欲, 焉得剛?”
          (Khổng Tử bảo rằng: “Ta chưa thấy ai kiên cường bất khuất”. Có người nói: “Thân Trành”. Khổng Tử bảo rằng: “Thân Trành nhiều thị hiếu dục vọng, sao có thể gọi là kiên cường bất khuất?”)      (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Nhân giả nhân dã 仁者人也: xem Trung dung 中庸, đây là lời Khổng Tử nói với Lỗ Ai Công 魯哀公.
(2)- Trịnh Khang Thành 鄭康成 giải thích là “tương nhân ngẫu” 相人偶.
          Trịnh Khang Thành tên là Huyền , người Cao Mật 高密 thời Đông Hán, là Kinh học Đại sư thời Hán. Ông viết lời chú cho các sách như Dịch , Thi , Tam lễ 三禮, Luận ngữ 論語, Hiếu kinh 孝經, Thượng thư đại truyện 尚書大傳. Ông giải thích chữ “nhân” trong Trung dung là “tương nhân ngẫu”. “Tương nhân ngẫu là từ ngữ thời Hán, ý nghĩa là cặp đôi tương thân.
(3)- Dịch kinh 易經: là sách bốc phệ thời cổ, Nho gia dùng nó để giảng triết học biến hoá của nhân sinh và vũ trụ. Tương truyền Phục Hi 伏羲 vạch ra bát quái; Văn Vương 文王 diễn thành 64 quẻ đồng thời viết quái từ; Chu Công 周公 viết hào từ; Khổng Tử soạn thập dực.
(4)- Quân tử dĩ tự cường bất tức君子以自強不息:lời tượng ở quẻ Càn viết rằng
Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức
天行健, 君子以自強不息
          Ý nói thiên thể cương kiện vận hành, bậc quân tử cần phải theo đó mà phấn đấu không ngừng nghỉ.
(5)- Tri kì bất khả nhi vi chi 知其不可而為之: Biết rõ không thể thành công mà vẫn cứ làm. Câu này ở thiên Hiến vấn 憲問 trong Luận ngữ 論語, đây là lời phê bình Khổng Tử của người giữ cổng thành nước Lỗ.
(6)- Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị 生而不有, 為而不恃: câu này ở chương 2  trong Lão Tử 老子, ý nói trời sinh trưởng vạn vật mà không chiếm lấy làm của riêng, làm mà không cậy vào tài năng.
(7)- Kí dĩ vi nhân kỉ dũ hữu; kí dĩ dữ nhân, kỉ dũ đa 既以為人, 己愈有; 既以與人, 己愈多: câu này ở chương 81 trong Lão Tử 老子. “Kí” có nghĩa là “tận” ; “dữ” có nghĩa là cho.
(8)- Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất 天地與我並生, 萬物與我為一: sinh mạng của trời đất chính là sinh mạng của ta, vạn vật và ta là nhất thể. Câu này ở thiên Tề vật luận 齊物論 trong Trang Tử 莊子.
(9)- Vô nhập nhi bất tự đắc 無入而不自得: trong Trung dung 中庸 ghi rằng:
Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc
君子無入而不自得
          Ý nói bậc quân tử bất luận ở vào địa vị nào cũng đều tuỳ theo cảnh ngộ mà an nhiên tự đắc.
(10)- Hạo nhiên chi khí, chí đại chí cương; hành hữu bất khiếp ư tâm, tắc nỗi hĩ
浩然之气, 至大至剛; 行有不慊於心, 則餒矣: câu này ở thiên Công Tôn Sửu thượng 公孫丑上 trong Mạnh Tử 孟子. Đây là lời của Mạnh Tử nói với Công Tôn Sửu. “Khiếp” có nghĩa là đầy đủ. “Nỗi” vốn có nghĩa là đói, ở đây dùng với nghĩa là không đủ. Khí hạo nhiên là vĩ đại nhất, mạnh mẽ nhất; nếu hành vi không hợp với nghĩa và lí thì khí ấy cũng co rút lại.
(11)- Tự phản nhi bất súc, tuy hạt khoan bác, ngô bất suỷ yên. Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ 自反而不縮, 雖褐寬博, 吾不惴焉. 自反而縮, 雖千萬人, 吾往矣: câu này ở thiên Công Tôn Sửu thượng 公孫丑上 trong Mạnh Tử 孟子. Mạnh Tử dẫn lời của Tăng Tử 曾子 nói với Tương Tử 襄子. “Súc” có nghĩa là “trực” , là hợp với nghĩa và lí. “Hạt” là áo vải thô. “Hạt khoan bác” 褐寬博 chỉ người nghèo mặc áo vải thô to rộng. “Suỷ” là sợ. “Yên” giống chữ “hồ” . “Ngô bất suỷ yên” 吾不惴焉 giống như “ngô bất suỷ hồ” 吾不惴乎, tức “ta há không sợ sao?”.
          Thiên Lương Huệ Vương 粱惠王 trong Mạnh Tử 孟子 có nói: “Vương không nỡ thấy nó vô tội mà đi đến chỗ chết thì chọn gì bò hay dê?”
          Ý nói tự xét mình mà lí không ngay thẳng thì tuy đối mặt với dân nghèo mặc áo vải thô, ta há không sợ sao? Tự xét bản thân mình thấy mình ngay thẳng, tuy đối phương có vạn người, ta cũng không sợ, cứ thản nhiên bước tới.
(12)- Khổng Tử nói: Trành dã dục, yên đắc cương? 棖也欲, 焉得剛? Câu này ở thiên Công Dã Tràng 公冶長trong Luận ngữ 論語. “Cương” là kiên cường bất khuất. Thân Trành 申棖 là học trò Khổng Tử. Khổng Tử bảo: “Thân Trành thị hiếu dục vọng nhiều, sao có thể gọi là kiên cường bất khuất.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 11/01/2014

Nguyên tác Trung văn
VI HỌC DỮ TỐ NHÂN
為學與做人
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Previous Post Next Post