HỌC VÀ LÀM NGƯỜI
(kì 1)
Thưa
quý vị! Tôi dạy ở Nam Kinh 南京 đến nay đã được 3
tháng rồi. Giới học giả ở Tô Châu 蘇州 nhiều lần viết thư
mời, nhưng tiếc là tôi tại Nam Kinh ngày nào cũng có bài vở không thể phân
thân. Hôm nay đến đây được tụ tập cùng quý vị thuộc các trường trong toàn thành
phố khiến tôi vô cùng cảm kích. Nhưng có một việc xin quý vị lượng thứ, đó là
trong một tháng lại đây tôi có chút bệnh, phải gắng gượng lắm, hôm nay không thể
diễn giảng được dài, sợ phụ tấm lòng kì vọng của quý vị.
Xin được
hỏi quý vị:
Tại sao phải đi học?
Tôi tin rằng mọi người đều trả lời như nhau:
Là vì để có được học vấn.
Tôi hỏi
thêm:
Tại sao anh lại cần học vấn?
Anh cần học những thứ gì?
E rằng đáp án của quý vị không giống nhau; hoặc tự
mình trả lời không được.
Thưa
quý vị! Tôi xin thay mặt quý vị đáp một câu:
Là vì để học làm người.
Quý vị ở
trường, nào học Quốc văn, Lịch sử, Địa lí, Anh ngữ, Số học, Vật lí, Hoá học,
Sinh lí, Tâm lí, cho đến Triết học, Văn học, Chính trị, Pháp luật, Kinh tế,
Giáo dục, Nông nghiệp, Công nghiệp, Thương nghiệp v.v… chẳng qua đó là một cách
mà làm người phải cần đến, không thể nói chỉ dựa vào những môn đó mà đạt đến mục
đích làm người. Quý vị rất tinh thông những môn học đó, quý vị có thể thành người
hoặc không thể thành người thì đó lại là một vấn đề khác.
Tâm lí
nhân loại có 3 bộ phận: trí 知, tình 情, ý 意 (1); trạng
thái phát đạt viên mãn của 3 bộ phận này, các bậc tiên triết của chúng ta gọi
đó là “tam đạt đức” 三達德 (2) – trí 知, nhân 仁, dũng 勇. Tại sao gọi là “đạt
đức”? Bởi vì 3 điều này là tiêu chuẩn đạo đức phổ thông của nhân loại. Nói tóm
lại, có đủ 3 điều này mới có thể trở thành con người. Trạng thái hoàn thành của
3 điều này như thế nào? Khổng Tử 孔子 nói rằng:
Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng
giả bất cụ (3).
知者不惑, 仁者不憂, 勇者不懼.
(Người trí thì không lầm, người nhân thì không lo người
dũng thì không sợ)
Cho nên
giáo dục cần phải chia làm 3 phương diện: trí dục 智育,
tình dục 情育, ý dục 意育. Hiện tại dạy trí dục,
đức dục, thể dục. Không đúng; phạm vi của đức dục rất chung chung, phạm vi của
thể dục rất hẹp. Trí dục dạy con người không lầm lẫn, tình dục dạy con người
không lo âu, ý dục dạy con người không sợ hãi. Các nhà giáo dục dạy học sinh cần
phải lấy 3 điều này làm cứu cánh (4). Chúng ta tự mình dạy lấy mình
cũng cần phải lấy 3 điều này làm cứu cánh.
Làm sao
mới có thể không lầm lẫn? Quan trọng nhất
đó là nuôi dưỡng sức phán đoán trong mỗi chúng ta. Muốn nuôi dưỡng sức phán
đoán; bước đầu tiên, tối thiểu cần phải có thường thức tương đương; tiến thêm một
bước, đối với việc mà mình phải làm cần phải có tri thức chuyên môn; tiến thêm
một bước nữa, cần phải có trí tuệ phán đoán khi gặp sự việc. Giả dụ như với một
người ngay cả thường thức tương đương
cũng không có, nghe như nghe sấm, mà nói như thần sấm ra oai; nhìn thấy nguyệt
thực lại nói đó là ễnh ương tham ăn. Thế thì nhất định đụng tới việc gì cũng đều
không có chủ ý, gặp phải một vấn đề khó khăn thì chỉ biết dựa vào cầu thần, bói
quẻ, xem tướng, đoán số để giải quyết. Quả đúng là như người ta nói “đại hoặc bất
giải” 大惑不解 (5), trở thành người đáng thương nhất. Những gì mà ở trường
tiểu học, trường trung học dạy đó chính là những thường thức cơ bản mà con người
cần có, để tránh phàm mọi việc đều sờ soạn trong bóng tối. Nhưng chỉ có những
thường thức này vẫn chưa đủ. Chúng ta làm người, mỗi người luôn cần nghề nghiệp
chuyên môn, nghề nghiệp này hoàn toàn không phải cá nhân mình đi khai phá, mà
trước đó đã có nhiều người làm qua. Họ tích luỹ được vô số kinh nghiệm, phát kiến
ra nhiều nguyên lí, nguyên tắc, đó chính là học thức chuyên môn. Chúng ta định
làm một nghề gì thì cần phải có học thức chuyên môn của nghề đó. Ví dụ như muốn
làm nghề nông, cải cách thổ nhưỡng ra làm sao, cải cách hạt giống ra làm sao,
phòng trừ sâu bọ, thuỷ tai hạn hán ra làm sao … đều là những kinh nghiệm mà tiền
nhân có được, nó trở thành học thức. Chúng ta có được những học thức này, ứng dụng
nó để xử trí công việc này, đương nhiên là sẽ không lầm lẫn, ngược lại sẽ bị lầm
lẫn. Làm thợ, buôn bán … mỗi nghề đều có học thức chuyên môn của nghề đó, cũng
giống như thế. Tôi muốn làm một nhà tài chính ư? Loại tô thuế nào có thể sinh ra kết quả nào,
loại công trái nào có thể sinh ra kết quả nào v.v… đều là những kinh nghiệm của
tiền nhân có được, trở thành học thức. Chúng ta có được những học thức này, vận
dụng nó để xử trí công việc, đương nhiên sẽ không lầm lẫn, ngược lại sẽ bị lầm
lẫn. Nhà giáo dục, nhà quân sự … đều có học thức chuyên môn của họ, cũng giống
như thế. Những tri thức mà chúng ta mong có được từ trường cao đẳng trở lên,
chính là loại này. Nhưng chỉ dựa vào những thường thức và học thức này đủ
không? Vẫn chưa thể được. Vũ trụ và nhân sinh là sống động, không phải xơ cứng;
sự việc mà chúng ta gặp mỗi ngày là phức tạp, là biến hoá, không phải đơn thuần,
bất biến. Nếu như chúng ta học một điều mới hiểu một điều, gặp phải một việc
chưa học thì tay sẽ chân vụng về luống cuống. Cho nên cần phải nuôi dưỡng thành
trí tuệ tổng thể mới có thể có được sức phán đoán căn bản. Trí tuệ tổng thể đó
làm sao nuôi dưỡng thành đây?
Việc đầu tiên, đem đầu óc
thô thiển của chúng ta bấy lâu nay mài luyện, để biến nó thành tinh tế và thiết
thực; như vậy, bất luận gặp phải sự việc khó khăn phức tạp như thế nào, nhất định
cũng sẽ nghĩ ra được đạo lí rõ ràng của nó từ đầu đến cuối, đương nhiên là không
đi đến chỗ lầm lẫn.
Thứ hai, đem đầu óc tối tăm
của chúng ta bấy lâu nay nuôi dưỡng nó cho ra trò để biến nó thành trong sáng;
như vậy, một khi sự việc đến, chúng ta mới có thể thung dung, phán đoán nó một
cách sáng suốt, đương nhiên là không đi đến chỗ lầm lẫn.
Những thường thức, học thức
và trí tuệ tổng thể nói trên đều là điều cần thiết của trí dục; mục đích là dạy
con người đi đến chỗ “trí giả bất hoặc”.
(còn
tiếp)
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Trí 知, tình 情, ý 意: tức trí tuệ, tình cảm
và ý chí.
(2)- Tam đạt đức 三達德:
trong Trung dung 中庸 có câu:
Trí, nhân, dũng tam giả, thiên hạ chi đạt
đức dã
知, 仁, 勇三者, 天下之達德也
(Trí, nhân, dũng là ba đức thường của thiên hạ)
Đây là
lời của Khổng Tử trả lời Lỗ Tương Công 魯襄公.
“Đạt” 達 có nghĩa là thông thường.
(3)- Trí giả bất
hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ 知者不惑, 仁者不憂, 勇者不懼: câu này ở thiên Tử Hãn 子罕 trong Luận ngữ 論語.
(4)- Cứu cánh 究竟:
tức mục đích cuối cùng.
(5)- Đại hoặc bất giải 大惑不解: thiên Thiên địa 天地 trong Trang Tử 莊子 có câu:
Đại hoặc giả, chung thân bất giải
大惑者, 終身不解
(Mê lầm lớn suốt đời không giác ngộ)
“giải” 解 là giác ngộ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 10/01/2014
Nguyên tác Trung văn
VI HỌC DỮ TỐ NHÂN
為學與做人
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật