THÚ VỊ CỦA HỌC VẤN
(tiếp theo)
Các vị
có muốn nếm thú vị của học vấn không? Theo chỗ tôi từng trải, có mấy con đường
phải đi như sau:
Thứ 1: vô sở vi 無所為
Điều kiện quan trọng nhất của
chủ nghĩa thú vị là “vô sở vi nhi vi” 無所為而為 (1). Phàm
những việc mà “hữu sở vi nhi vi” 有所為而為 (2), đều
là lấy một việc khác làm mục đích, lấy việc này làm phương tiện. Để đạt được mục
đích, miễn cưỡng dùng phương tiện; khi mục đích đạt được, phương tiện cũng vứt
bỏ. Ví dụ như học sinh vì để tốt nghiệp mà phải học, trứ tác gia vì bản quyền
mà phải học, cách làm này là lấy học vấn làm phương tiện, chính là hữu sở vi. Hữu
sở vi tuy có lúc có thể dẫn đến một loại phương tiện thú vị, nhưng khi thú vị
phát sinh, nhất định sẽ thoát li quan hệ với “sở vi giả” 所為者 (điều mà mình làm). Anh hỏi tôi: Vì sao phải học? Tôi đáp rằng: không
vì sao cả. Lại hỏi thêm, tôi đáp rằng: Vì
học vấn mà học. Hoặc giả đáp rằng: Vì
thú vị của tôi. Các vị chớ có cho những lời tôi nói là đùa cợt: cuộc sống hợp
lí của nhân loại vốn là như thế. Em bé tại sao phải vui chơi? Vì vui chơi mà
vui chơi. Con người vì sao phải sống? Vì cuộc sống mà sống. Vì vui chơi mà vui chơi
thì vui chơi mới có thú; vì điểm thể thao mà vui chơi thì vui chơi không thú.
Thứ 2: không ngừng nghỉ
“Thuốc phiện tại sao có thể ghiền?” “ngày ngày
đều hút”. Chữ “ghiền” và hai chữ “ngày ngày” không rời nhau. Phàm bản năng của
nhân loại, chỉ cần một bộ phận nào đó gác qua một bên không dùng đến trong một
thời gian dài sẽ trở nên tê cứng, rỉ sét. Mười năm không chạy hai chân nhất định
sẽ bị cuồng; mỗi ngày chạy một tiếng đồng hồ, chạy mấy tháng liền như thế, một
ngày không chạy chân sẽ ngứa ngáy khó chịu. Nhân loại là động vật lí tính, “học
vấn dục” 學問慾 (sự ham học hỏi) vốn là một loại bản năng cố hữu; chỉ
sợ anh một khi ra khỏi trường sẽ từ bỏ học vấn, đem những khí quan từng quản lí
học vấn cho vào lãnh cung, làm hỏng khẩu vị học vấn, dù sơn hào hải vị có bày
ra trước mặt cũng không thèm động đũa.
Thưa
các vị, các vị nếu hiện tại đang theo ngành giáo dục hoặc tương lai sẽ theo
ngành giáo dục, đương nhiên không thành vấn đề, sẽ có rất nhiều cơ hội để bồi
dưỡng khẩu vị học vấn của mình. Nhưng nếu theo một ngành nghề khác, tôi khuyên
các vị mỗi ngày ngoài nghề nghiệp chính mình đang theo ra, cũng nên bỏ ra tối
thiểu một tiếng đồng hồ, nghiên cứu học vấn mà mình thích. Một tiếng đồng hồ sẽ
qua đi, nhất thiết chớ có bỏ lỡ gây nên chứng “yếu bao tử học vấn”, tự mình tước
đoạt đặc quyền hưởng thụ của nhân loại.
Thứ 3: thâm nhập nghiên cứu
Thú vị
luôn đến từ từ, càng dẫn càng nhiều; giống như ta ăn mía, càng xuống dưới càng
ngọt. Nếu các vị tuy mỗi ngày dành một tiếng đồng hồ cho học vấn, nhưng chẳng
qua lấy đó để tiêu khiển, không có tinh thần nghiên cứu thì sẽ không dẫn đến
thú vị. Hoặc giả hôm nay nghiên cứu cái này, ngày mai nghiên cứu cái kia, thú vị cũng sẽ không đến. Thú vị luôn ẩn
núp nơi sâu kín, các vị muốn được phải đi vào. Cửa lớn này mở, cửa sổ kia mở
thì cũng không thể nhìn thấy “tông miếu chi mĩ, bách quan chi phú” 宗廟之美, 百官之富 (3). Làm
sao để có thể có thú vị? Tôi đáp rằng: “Nghiên cứu học vấn mà anh ham thích”
Hai chữ “ham thích” rất quan trọng. Một người sau khi nhận được sự giáo dục
tương đương, bất luận như thế nào, luôn có một hai môn học vấn hợp với khẩu vị
của mình, đã hiểu được đại khái, có thể gia công nghiên cứu thêm. Xin các vị chọn
lấy một môn chính cho suốt đời mình (với những ai theo cuộc sống của một học giả),
hoặc xem đó là một nghề phụ ngoài nghề chính của mình ra (với những ai theo các
ngành nghề khác). Không sợ phạm vi hẹp, càng hẹp càng tập trung tinh thần,
không sợ vấn đề khó, càng khó càng có dũng khí. Chỉ cần các vị từng tầng từng bậc
đi vào bên trong, tôi đảm bảo nhất định các vị sẽ bị nó dẫn đến chỗ “dục bãi bất
năng” 欲罷不能 (muốn thôi mà không thể) (*).
Thứ 4: tìm bạn
Thú vị
có thể sánh với tĩnh điện, càng ma sát càng có nhiều. Dựa vào bản thân mình và
bản thân học vấn để ma sát; nhưng vẫn sợ bản thân có lúc sẽ đình trệ, lực phát
điện sẽ yếu. Cho nên thường dựa vào người khác giúp đỡ. Một người cần có mấy
người bạn cộng sự, đồng thời cũng cần có mấy người bạn cùng học. Bạn cộng sự
giúp ta trong nghề nghiệp; bạn cùng học và bạn cùng chơi tính chất đồng nhất, đều
dùng để ma sát thú vị của ta. Loại
bạn này nếu cùng ham thích học vấn như ta đương nhiên là tốt nhất, ta cùng với
bạn nghiên cứu. Hoặc nếu không như thế, bạn có ham thích của bạn, ta có ham
thích của ta, chỉ cần hai bên cùng có tinh thần nghiên cứu, ta và bạn thường bên
nhau hoặc thường thông tin cho nhau, thú vị của cả hai sẽ ma sát. Có được một
hai người bạn như thế coi như là một trong những hạnh phúc lớn của đời người.
Tôi nghĩ rằng, chỉ cần các vị tìm, nhất định sẽ tìm được.
Tôi nói
4 việc trên, tuy sáo cũ tầm thường nhưng e rằng nhiều người đều chưa từng làm
qua. Ôi! Người đời đáng thương biết bao! Có một thế giới thú vị không cần phải
mong cầu từ bên ngoài, không bao giờ lỗ vốn, không bao giờ xảy ra sai sót thế
mà chẳng được mấy người chịu hưởng thụ! Câu chuyện trong sách cổ “Dã nhân hiến
bộc” 野人獻曝 (4), tôi từng nếm qua mùi vị mùa Đông phơi nắng rất là sảng
khoái, không nỡ chỉ riêng mình độc hưởng, nên nay cung kính báo với các vị. Các
vị hoặc có vui lòng thu nhận? nhưng tôi vẫn còn phải nói:
Ánh nắng mặt trời tuy tốt, nhưng các vị phải tự thân
đi phơi nắng, người khác không thể phơi nắng giùm các vị.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Vô sở vi
nhi vi無所為而為: tức thích làm việc này nhưng không có mục đích nào cả.
(2)- Hữu sở vi
nhi vi有所為而為: vì mục đích nào đó mới làm việc này.
(3)- Tông miếu chi mĩ, bách quan chi phú 宗廟之美, 百官之富: ví với sự phong
phú mĩ lệ của nội dung. Trong Luận ngữ -
Tử Trương 論語 - 子張, Tử Cống 子貢 nói rằng:
Thí chi cung tường: Tứ chi tường dã cập
kiên, khuy kiến thất gia chi hảo; Phu Tử chi tường sổ nhận, bất đắc kì môn nhi
nhập, bất kiến tông miếu chi mĩ, bách quan chi phú.
譬之宮牆: 賜之牆也及肩, 窺見室家之好; 夫子之牆數仞, 不得其門而入, 不見宗廟之美, 百官之富.
(Lấy bức
tường làm ví dụ: bức tường của Tứ tôi chỉ cao tới vai, nhìn vào thấy cái đẹp
trong nhà; bức tường của Thầy cao đến mấy nhận, nếu không theo cửa mà vào thì
không thấy được cái đẹp trong tông miếu, sự phong phú của các điện)
Tử Cống
khiêm tốn nói như thế, học vấn của mình bộc lộ ra bên ngoài nên dễ dàng nhìn thấy,
còn học vấn của Khổng Tử tiềm ẩn bên trong, phải theo cửa bước vào mới thấy được.
(4)- Dã nhân hiến
bộc野人獻曝: người bình thường nêu những biện pháp bình thường. Ở
thiên Dương Chu
楊朱 trong Liệt Tử 列子 có câu chuyện:
Ngày
xưa ở nước Tống có một anh nông phu, mùa Đông thường mặc áo vải bố. Khi mùa
Xuân đến, lúc cày phơi mình dưới ánh nắng, anh ta nhìn vợ và nói rằng:
Ánh nắng có thể sưởi ấm thế mà không ai biết,
hay là đem cách này dâng lên vua, nhất định sẽ được trọng thưởng.
Ở đây
mượn câu chuyện này khiêm xưng tri thức của mình cũng rất bình thường.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Câu này ở thiên Tử Hãn 子罕 trong Luận ngữ 論語.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/12/2013
Nguyên tác Trung văn
HỌC VẤN CHI THÚ VỊ
學問之趣味
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật