Dịch thuật: Lỗ Tấn có hơn 140 bút danh

LỖ TẤN CÓ HƠN 140 BÚT DANH

          Lỗ Tấn 鲁迅 vốn có tên là Chu Chương Thọ 周樟寿, tên này do tổ phụ của Lỗ Tấn là Chu Phúc Thanh 周福清đặt cho. Khi Chu Phúc Thanh đang làm quan ở Bắc Kinh, nhận được thư nhà báo sinh Lỗ Tấn, gặp lúc có vị quan họ Trương đến thăm, Chu Phúc Thanh cho đó là điềm tốt nên đã đặt cho Lỗ Tấn tên là “A Trương” 阿张, lại lấy chữ đồng âm khác nghĩa đặt tên là “Chương Thọ” 樟寿. Điều này do em trai Lỗ Tấn là Chu Tác Nhân 周作人 nhắc đến trong quyển Lỗ Tấn đích thanh niên thời đại 鲁迅的青年时代. Năm 1898, khi Lỗ Tấn theo học ở Nam Kinh Thuỷ sư học đường 南京水师学唐, vị giám đốc học đường lại đổi tên ông thành Chu Thụ Nhân 周树人, lấy ý từ câu:
Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân
十年树木, 百年树人
(Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người)
          Theo sự khảo chứng của các chuyên gia, Lỗ Tấn sử dụng bút danh nhiều nhất là vào khoảng năm 1933 và 1934. Năm 1933 Lỗ Tấn trước sau sử dụng qua 26 bút danh, năm 1934 sử dụng qua 40 bút danh. Bút danh mà ông sử dụng trong hai năm này chiếm một nửa bút danh mà cả đời ông sử dụng.
          Bút danh của Lỗ Tấn hình thức rất đa dạng, ngụ ý rộng rãi, có bút danh tự động viên mình, có bút danh nói lên chí hướng, có bút danh bài xích kẻ địch … nội dung phong phú, lập ý sâu xa khiến mọi người kinh ngạc.
          Thiệu Hưng 绍兴, quê hương của Lỗ Tấn, vào thời Xuân Thu thuộc nước Việt, để kí thác tình cảm, Lỗ Tấn tự đặt cho mình bút danh là “Việt Khách” 越客, “Việt Đinh” 越丁, “Việt Kiều” 越侨, ngụ ý rằng mình là người đất Việt. Vợ của Lỗ Tấn tên Hứa Quảng Bình 许广平, tiểu danh là Hứa Hà 许霞, để gởi gắm tình cảm đối với vợ, Lỗ Tấn lấy bút danh là Hứa Hà 许霞. “Hứa Hà” 许遐.
          Lỗ Tấn còn có nhiều bút danh biểu thị sự tự khiêm và tự động viên, như: “Tiểu Hài Tử” 小孩子, “Ba Nhân” 巴人 … “Ba nhân” lấy ý từ câu “hạ lí ba nhân” 下里巴人, ngụ ý bản thân mình chỉ là một người rất bình thường. Năm 1903, khi Lỗ Tấn du học ở Nhật, trên tờ Triết Giang triều 浙江潮 Lỗ Tấn đăng 2 bài văn với bút danh là “Sách Sĩ” 索士 và “Sách Tử” 索子. Đây là hình thức rút gọn từ 2 câu nổi tiếng trong bài Li tao 离骚 của Khuất Nguyên 屈原:
Lộ mạn mạn kì tu viễn hề
Ngô tương thướng há nhi cầu sách
路漫漫其修远兮
吾将上下而求索
(Đường xa dài man mác hề
Ta toan lên xuống tìm tòi)
“Sách Sĩ” 索士 là chiến sĩ có chí tìm tòi, “Sách Tử” 索子 là người có chí tìm tòi. Lỗ Tấn còn dùng qua bút danh “Hà Gia Can” 何家干, “Can” , “Gia Can” 家干. Khi giải thích mấy bút danh này, Lỗ Tấn nói rằng:
          Nhân vì bút danh cũ của tôi có lúc không thông dụng nên đã đổi là “Hà Gia Can”, cũng có khi dùng “Can”, “Gia Can”. Hà lấy ý nghĩa phổ biến, cũng có ý nghĩa là “nhà ai làm”. Những bút danh này biểu đạt Lỗ Tấn tìm tòi chân lí, có tinh thần tiến thủ. “Nhụ Tử” 孺子, “Chuẩn” , “Ông Chuẩn” 翁隼, “Lữ Chuẩn” 旅隼, “Hà Quan” 遐观 cũng là những bút danh mà Lỗ Tấn dùng để động viên mình. “Nhụ Tử” ý nghĩa là:
Phủ thủ cam vi nhụ tử ngưu
俯首甘为孺子牛
(Cúi đầu nguyện làm trâu cho trẻ cưỡi)
Còn “Chuẩn” “Ông Chuẩn” “Lữ Chuẩn” ngụ ý bản thân mình dũng mãnh chiến đấu giống như một loài chim nhỏ đọ sức với trời cao. Hứa Quảng Bình từng giải thích bút danh “Lữ Chuẩn” của Lỗ Tấn:
          Chuẩn, ‘Tiên: chuẩn, cấp tật chi điểu dã, phi nãi chí thiên, dụ sĩ tốt kính dũng, năng thâm công nhập địch dã.’ Lữ chuẩn, hoà Lỗ Tấn âm tương tự, hoặc giả tùng Chu âm thoát biến. Chuẩn tính cấp tật, tắc hựu vi tiên sinh tự dụ  chi ý.
          , ‘: , 急疾之鸟也, 飞乃至天, 喻士卒劲勇, 能深攻入敌.’ 旅隼, 和鲁迅音相似, 或者从周音脱变. 隼性急疾, 则又为先生自喻之意.
          (Chuẩn, ‘Lời chú viết rằng: chuẩn là một loại chim bay nhanh, hễ bay là bay tới trời cao, ví với quân sĩ có khả năng thâm nhập tấn công địch.’ “Lữ chuẩn” có âm tương tự với “Lỗ Tấn”, hoặc có thể từ âm “Chu” biến ra. Tính cách của chuẩn là nhanh, cũng là ý mà ông ấy dùng để tự ví)
          Có thể thấy bút danh này có ngụ ý rất sâu. Còn “Hà Quan” 遐观 có ý nghĩa là đi đến nơi xa để nhìn ngắm, ý nói cần phải nhìn xa trông rộng.
          Hơn 140 bút danh của Lỗ Tấn, tuyệt đại đa số biểu thị Lỗ Tấn không sợ quyền thế, không sợ hi sinh, dũng cảm chiến đấu. Cách đặt những bút danh này, cũng như văn chương của ông, có cả vui cười giận mắng trong đó, hoặc vạch trần sâu sắc, quất ngọn roi mạnh mẽ, hoặc khéo léo châm biếm, kháng nghị đả kích. Bút danh “Vi Sĩ Diêu” 韦士繇 hài âm với “nguỵ tự do” 伪自由, vạch trần khéo léo sự thống trị hắc ám chuyên chế phong kiến lúc bấy giờ; bút danh “Kính Nhất Tôn” 敬一尊 mang ý nghĩa “kính lại một li”, tức đối với tấn công kẻ địch cần phải kiên quyết đáp trả. Năm 1930, đảng bộ Quốc Dân đảng tỉnh Triết Giang xin nhà đương cục thông báo bắt “đoạ lạc văn nhân Lỗ Tấn” 堕落文人鲁迅 (Lỗ Tấn văn nhân sa đoạ), Lỗ Tấn bèn lấy bút danh “Tuỳ Lạc Văn” 隋洛文. “Lạc Văn” 洛文 hài âm với “lạc văn” 落文 trong “đoạ lạc văn nhân” 堕落文人, “Tuỳ” là chữ “đoạ” bỏ đi chữ “ ở dưới. Khi có người công kích Lỗ Tấn là “phong kiến dư nghiệt” 封建余孽 (phần tử phong kiến còn sót lại), ông liền lấy bút danh là “Phong Dư” 封余, “Đường Phong Du” 唐丰瑜, “Phong Chi Du” 丰之瑜 để đả kích lại. “phong du” 丰瑜 hài âm với “phong dư” 封余. Lỗ Tấn còn dùng bút danh “Hoàng Cức” 黄棘, ý nghĩa là nơi ở của con cháu Hoàng Đế 黄帝 vẫn còn đầy gai góc, hoàn cảnh ác liệt, đấu tranh gian khổ. Bút danh “Thiên Minh” 天明, “Đông Hoa” 冬华  ngụ ý quá khứ tăm tối sẽ qua đi, ánh sáng đang ở phía trước, “Đông Hoa” lấy ý từ câu:
Hàn ngưng đại địa phát xuân hoa (1)
寒凝大地发春华
(Cái rét buốt ngưng đọng khắp nơi càng làm cho hoa xuân trổ thêm rực rỡ)
biểu thị niềm tin tất thắng của Lỗ Tấn đối với cách mạng.
          Lỗ Tấn còn có mấy bút danh rất thú vị phản ánh cuộc sống của ông, ngụ ý cũng rất sâu xa. Như vào những năm 30 của thế kỉ 20, Lỗ Tấn trú tại Đình Tử gian 亭子间 ở đường Sơn Âm 山阴 Tứ Xuyên bắc lộ 四川北路 được gọi là bán tô giới của Thượng Hải, nhân đó Lỗ Tấn lấy bút danh là “Thả Giới” 且介. “Thả Giới” là từ 2 chữ “tô giới” 租界 mỗi chữ bỏ đi một nửa mà thành. Ông còn đem nơi ở là Đình Tử gian đặt tên là “Thả Giới đình” 且介亭, đồng thời cho xuất bản tập tạp văn với tên là “Thả Giới đình”.
          Có thể nói, hơn 140 bút danh của Lỗ Tấn là hình ảnh thu nhỏ cuộc sống chiến đấu của ông. Thông qua những bút danh này, mọi người có thể nhìn thấy được Lỗ Tấn không sợ cường bạo, dám đấu tranh, tinh thần mạnh mẽ và phẩm cách cao thượng của ông. Đồng thời cũng có thể hiểu được ma lực và tài hoa nghệ thuật phi phàm của Lỗ Tấn.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này trong bài Vô đề 无题 , Lỗ Tấn sáng tác vào năm 1932 tặng cho Cao Lương Phú Tử phu nhân 高良富子夫人.
Huyết ốc trung nguyên phì kính thảo
Hàn ngưng đại địa phát xuân hoa
Anh hùng đa cố mưu phu bệnh
Lệ sái Sùng lăng táo mộ nha
血沃中原肥劲草
寒凝大地发春华
英雄多故谋夫病
泪洒崇陵噪暮鸦
Máu của liệt sĩ thắm đỏ cả trung nguyên càng làm cho cỏ cây thêm cứng cõi
Cái rét buốt ngưng đọng khắp nơi càng làm cho hoa xuân trổ thêm rực rỡ
Những anh hùng chính khách của Quốc Dân đảng kia
Giống như bầy quạ trong trời chiều nhỏ lệ kêu táo tác ở Sùng lăng.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 28/12/2013

Nguyên tác Trung văn
LỖ TẤN HỮU NHẤT BÁCH TỨ THẬP ĐA CÁ BÚT DANH
鲁迅有一百四十多个笔名
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post