Dịch thuật: Dân tộc Trung Hoa tại sao được gọi là "Hoa Hạ"

DÂN TỘC TRUNG HOA TẠI SAO ĐƯỢC GỌI LÀ “HOA HẠ”

          Sự hình thành và phát triển Hán tộc lấy Hoa Hạ 华夏 làm chủ thể, dung hợp các tộc khác, không ngừng lớn mạnh lên. Trong lịch trình phát triển nền văn minh 5000 năm của Trung Hoa, theo sự giao lưu qua lại, hỗ tương thẩm thấu về kinh tế văn hoá của các dân tộc đã hình thành dân tộc Trung Hoa thống nhất – dân tộc Hoa Hạ. “Hoa Hạ” là xưng hiệu của dân tộc Trung Hoa, phàm là 56 dân tộc hiện đang sinh sống trên đất nước Trung Hoa đều được gọi là “dân tộc Hoa Hạ”. Người Trung Quốc thường cho mình là “dân tộc Hoa Hạ”, “con cháu Hoa Hạ”. Đối với nguồn gốc hai chữ “Hoa Hạ” rất khó đưa ra luận định. Để giải thích bí ẩn này xưa nay có nhiều thuyết.
          Về nguồn gốc “Hoa Hạ”, từ thời thượng cổ đã lưu truyền một truyền thuyết. Xi Vưu 蚩尤, một người rất có dã tâm, vốn là đại thần của Viêm Đế 炎帝, muốn độc bá thiên hạ đã liên hợp với Miêu tộc 苗族, định đuổi Viêm Đế từ phương Nam xuống Trác Lộc 涿鹿, tự xưng là Nam phương đại đế. Trận chiến quyết định thắng bại bắt đầu diễn ra ở cánh đồng Trác Lộc. Đương lúc đại chiến, Xi Vưu tay cầm trường kiếm chỉ huy quân sĩ xông vào doanh trận Viêm Đế. Bộ lạc Viêm Đế đương lúc yếu thế, một mặt bất đắc dĩ phải kháng cự, mặt khác tìm cách dẫn đội quân rút lui chiến trường cầu viện Hoàng Đế 黄帝. Lúc bấy giờ Xi Vưu đã tiến quân đến Trác Lộc, Hoàng Đế ra lệnh chỉnh đốn lại đội ngũ, hai bên bắt đầu một trận chiến mới. Hoàng Đế nghĩ rằng, chỉ cần cùng với Viêm Đế đồng tâm hiệp lực nhất định có thể đánh bại Xi Vưu. Nhưng Hoàng Đế đã đánh giá thấp Xi Vưu, Xi Vưu dùng yêu thuật, trong phút chốc sương mù phủ đầy, trời tối mù mịt. Đội quân của Viêm Đế và Hoàng Đế bị đánh bại. Đối mặt với Xi Vưu, người gây ra chiến tranh làm hại bách tính, Hoàng Đế quyết định ra sức đánh một trận sống mái. Hoàng Đế tìm đến Viêm Đế bàn bạc kế hoạch tác chiến, lợi dụng Thái cực suy đoán, lại sai người đến đại bản doanh của Xi Vưu thám thính quân tình, biết được Xi Vưu lại dùng yêu thuật sắp phản công. Hoàng Đế nắm quyền chủ động chiến tranh. Khi đội quân của Xi Vưu xông lên đã bị liên quân Viêm Hoàng vây chặt. Lúc bấy giờ liên quân Viêm Hoàng lấy xương làm trống trận, đánh trống vang dậy cả trời đất khiến sĩ khí liên quân tăng cao, quân sĩ trở nên anh dũng. Cuối cùng đánh bại bộ lạc Xi Vưu, Xi Vưu cũng bị bắt làm tù binh. Xi Vưu không chịu đầu hàng bị Hoàng Đế ra lệnh chém đầu. Hai bộ lạc Viêm Hoàng cuối cùng đoàn kết nhất trí, thống nhất trung nguyên. Từ đó, các bộ lạc ở trung nguyên đều tôn Hoàng Đế làm cộng chủ. Dưới sự thống lĩnh của Hoàng Đế, bộ lạc Viêm Đế Hoàng Đế dung hợp thành dân tộc Hoa Hạ, đây chính là nguồn gốc của hai chữ “Hoa Hạ”.
          Còn có một thuyết khác có liên quan. Đối với thuyết này có sự giải thích khác nhau. Tương truyền, triều Hạ là triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Đại Vũ 大禹 trải qua mấy năm trị thuỷ thành công được vua Thuấn chọn làm người kế nhiệm. Đại Vũ đã mở ra một thời đại tươi sáng, cho nên lúc bấy giờ tộc Hạ Hậu 夏后 mà Đại Vũ là đại biểu đang chiếm ưu thế trở thành bộ lạc thị tộc cực thịnh. Thêm vào đó tộc Hạ Hậu lấy Hoa sơn 华山 làm trung tâm sinh sống, cho nên được mọi người gọi là tộc Hoa Hạ. Đây cũng là nguyên nhân tại sao con của Đại Vũ kiến lập vương triều đầu tiên gọi là “Hạ”.
          Ngày nay đối với nguồn gốc của tên gọi “Hoa Hạ” cũng còn có những tranh luận Một số chuyên gia học giả đã đem nhiều quan điểm quy nạp thành 2 loại:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, “Hoa Hạ” là danh xưng của dân tộc. Họ cho rằng Trung Quốc cổ đại lấy “Hạ” làm tộc danh:
Hoa Hạ tộc định cư tại Hoa sơn chi chu, Hạ thuỷ chi bàng, cố nhi đắc danh.
华夏族定居在华山之周, 夏水之旁, 故而得名
(Tộc Hoa Hạ định cư ở quanh Hoa Sơn, bên cạnh sông Hạ, nên nhân đó mà có tên)
Danh từ “Hạ” là từ sông Hạ mà ra. Dân tộc Trung Hoa từ xưa tới nay là một dân tộc to lớn được cấu thành từ sự dung hợp các dân tộc khác nhau. Nó mặc dù không phải là một dân tộc đơn thuần, nhưng trong lịch sử nó trước sau lấy một dân tộc hạt nhân làm trung tâm, dần dung hợp và đồng hoá các dân tộc khác, hình thành một “dân tộc đa nguyên hoá mang tính đơn nguyên”, đó chính là dân tộc Trung Hoa ngày nay. Thời Tiên Tần, nó được gọi là “Hoa tộc” hoặc “Hạ tộc”. “Hoa” chỉ “Hoa tộc” cư trú tại Hoa sơn, lấy mai côi hoa 梅瑰花 () làm tô tem, “Hạ” chỉ Hạ Hậu thị 夏后氏 tổ tiên của “Hạ tộc” cư trú ở trung và hạ du Trường giang.
- Một quan điểm khác cho rằng “Hoa Hạ” về căn bản không phải để gọi dân tộc, nó chỉ là một khái niệm văn hoá địa vực. Nhưng ở đây lại có 2 cách giải thích khác nhau.
Thứ nhất: tổ tiên xa xưa của dân tộc Trung Hoa từng được chia là 3 tập đoàn chủ yếu là Hoa Hạ 华夏, Đông Di东夷 và Miêu Man 苗蛮. Trong những cuộc cạnh tranh và chiến tranh không ngừng, Hoàng Đế cuối cùng chiếm được địa vị bá chủ, tập đoàn Hoa Hạ do ông lãnh đạo trở thành chủ lưu chính trị và văn hoá lúc bấy giờ, tập đoàn Đông Di và Man Miêu không thể không xưng thần và đã bị ép gia nhập vòng văn minh Hoa Hạ.
Thứ hai: thời viễn cổ lấy văn hoá cao thấp để định danh. Cho nên khu vực Chu lễ văn hoá cao gọi là “Hạ”, cũng như thế, dân tộc có văn hoá cao gọi là “Hoa”. “Hoa” và “Hạ” hợp lại, gọi chung là “Trung Quốc”. Về sau “Hoa Hạ” không ngừng dung hợp lớn mạnh, phàm các dân tộc chung quanh khi tiếp nhận văn hoá Hoa Hạ, đều gia nhập phạm trù văn hoá Hoa Hạ truyền thống, Hoa Hạ dần trở thành tượng trưng của văn minh Trung Hoa.
Đến giai đoạn hiện nay của chúng ta, vẫn chưa hoàn toàn giải được bí ẩn về nguồn gốc của danh xưng “Hoa Hạ”.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 19/12/2013

Nguyên tác Trung văn
TRUNG HOA DÂN TỘC VỊ THẬP MA  KHIẾU “HOA HẠ”
中华民族为什么叫华夏
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post