Dịch thuật: Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật

BÃI TRUẤT BÁCH GIA, ĐỘC TÔN NHO THUẬT

Thiên nhân tam sách 天人三策
          Năm 134 trước công nguyên, Hán Vũ Đế 汉武帝xuống chiếu bảo các quận huyện tiến cử kẻ sĩ hiền lương văn học đến kim điện ở kinh đô dâng đối sách để triều đình nhậm dụng. Vì thế, Nho sinh trong thiên hạ tập trung tại Trường An 长安, mỗi người dựa vào sở học của mình dâng đối sách tại kim điện.  Với học thức uyên bác, tinh thâm Nho học, Đổng Trọng Thư 董仲舒đã căn cứ vào những gì Vũ Đế hỏi dâng liền 3 bài, sử gọi là “Thiên nhân tam sách” 天人三策.
          “Thiên nhân tam sách” của Đổng Trọng Thư thích ứng với yêu cầu củng cố sự thống trị phong kiến về chính trị và tư tưởng lúc bấy giờ, và cũng đã xác lập cơ sở lí luận cho nền tảng thống trị lấy học thuyết Nho gia làm hạt nhân của xã hội phong kiến Trung Quốc hơn hai ngàn năm, từ đó xác lập nên quy phạm tư tưởng Trung Quốc. Học thuyết tư tưởng của Đổng Trọng Thư có ảnh hưởng cực lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Ông lấy “Xuân Thu Công Dương học” 春秋公羊学 làm cốt cán, hấp thu rộng rãi học thuyết “Thiên mạng” 天命, “Thiên chí” 天志, “Hình danh pháp thuật” 刑名法术 cùng “Âm dương ngũ hành” 阴阳五行 của chư tử thời Tiên Tần, xây dựng nên hệ thống tư tưởng lấy “Thiên nhân cảm ứng” 天人感应 làm hạt nhân. Nội dung của nó bao gồm thuyết “đại nhất thống tư tưởng” 大一统思想, “Thiên nhân cảm ứng luận” 天人感应论, “Quân quyền thần thụ” 君权神授, và chuẩn tắc đạo đức luân lí tam cương ngũ thường cùng với lịch sử quan “hắc, bạch, xích tam thống tuần hoàn” 黑白赤三统循环.
Độc tôn Nho thuật 独尊儒术  
          Hán Vũ Đế xem qua “Thiên nhân tam sách” vô cùng phấn khởi. Kiến nghị “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” 罢黜百家, 独尊儒术 của Đổng Trọng Thư là ngọn nguồn của sự thay đổi chính trị nhà Hán, mở đầu cho một nền văn trị xán lạn đời Hán, cổ vũ phong khí sĩ tử đời Hán ham học chuộng văn. Vì thế Nho phong dần thịnh, Thánh học rộng truyền, Nho học đã thực hiện bước ngoặt trọng đại. Quốc gia lấy Nho học để tuyển chọn kẻ sĩ, sĩ tử lấy Nho học để rèn luyện tiết tháo; tuế cống hiền năng trở thành định chế.
          Đối với “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” đời sau đã có nhiều người hiểu lầm, cho rằng từ đó đã bóp chết văn hoá Trung Quốc, trên thực tế đó là ý kiến thiên lệch. “Độc tôn” của Đổng Trọng Thư không phải không xuất phát từ mục đích chính trị đại nhất thống tư tưởng và địa vị văn hoá chủ lưu nổi bật của Nho gia, tránh:
Sư dị đạo, nhân dị luận, bách gia thù phương, chỉ ý bất đồng
师异道, 人异论, 百家殊方, 指意不同
          (Đạo mỗi thầy mỗi khác, nghị luận mỗi người mỗi khác, bách gia khác phương, chỉ ý bất đồng)
làm trở ngại “thống kỉ khả nhất, pháp độ khả minh” 统纪可一, 法度可明. Sự độc tôn của Nho gia hoàn toàn không phải chỉ tồn tại riêng Nho gia. Bản ý của Đổng Trọng Thư không phải tước đoạt quyền sinh tồn của học thuyết chư tử trong văn hoá xã hội. Huống hồ tình hình lúc bấy giờ cũng hoàn toàn không phải như một số học giả đã nói, là “xác lập địa vị độc tôn Nho học khiến Nho học từ một trong chư tử, mượn sức của chính phủ, chiến thắng bách gia, giành được ưu thế áp đảo trở thành tư tưởng chiếm địa vị thống trị ở Trung Quốc.” Xác lập chân chính địa vị Nho gia phải đợi đến hội nghị Bạch Hổ Quan 白虎观 (1) thời Đông Hán do Hán Chương Đế 汉章帝 chủ trì.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HỘI NGHỊ BẠCH HỔ QUAN: Thời Hán Vũ Đế 汉武帝, sau khi Đổng Trọng Thư 董仲舒 đề xuất “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” 罢黜百家, 独尊儒术, tư tưởng Nho gia dần trở thành trụ cột của tư tưởng thống trị quân chủ triều Hán. Nhưng do bởi sự truyền thừa của các học phái Nho học lúc bấy giờ khác nhau, nên đối với kinh sách Nho gia và nội dung của nó có nhiều tranh nghị. Tuy thời Hán Tuyên Đế 汉宣帝 từng triệu khai “Thạch Cừ các hội nghị” 石渠阁会议 để thống nhất, nhưng sau chiến loạn Tân triều Vương Mãng 王莽, sự chia rẽ giữa các nhà một lần nữa trỗi dậy. Niên hiệu Trung Nguyên 中元 thứ 1 đời Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú 刘秀 (năm 56), đem cái học sấm vĩ chính thức xác lập thành tư tưởng chính trị quan phương. Để củng cố địa vị thống trị của tư tưởng Nho gia, khiến Nho học cùng cái học sấm vĩ tiến thêm một bước kết hợp lại với nhau, năm Kiến Sơ 建初 thứ 4 (năm 79), Hán Chương Đế 汉章帝 triệu tập Nho sinh nổi tiếng các nơi về Bạch Hổ Quan 白虎观 ở Lạc Dương 洛阳, cùng thảo luận chỗ dị đồng của ngũ kinh. Đây chính là Hội nghị Bạch Hổ Quan nổi tiếng trong lịch sử.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/84519.htm

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 15/12/2013

Nguyên tác Trung văn
BÃI TRUẤT BÁCH GIA, ĐỘC TÔN NHO THUẬT
罢黜百家, 独尊儒术
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post