THÁNH NHÂN VÔ PHỤ
TỘC NGOẠI HÔN
Theo sự
phát triển xã hội và văn minh nhân loại, chế độ quần hôn dần bị hạn chế, đầu
tiên là hôn nhân cùng huyết thống bị cấm chỉ, vì thế đã từ quá độ tộc nội hôn đến
tộc ngoại hôn.
Tộc ngoại
hôn không những cấm chỉ hôn phối giữa anh chị em ruột mà ngay cả sự thông hôn
giữa các thành viên trong tộc cũng bị cấm, đây chính là nguyên nhân mà thời cổ
gọi là “đồng tính bất hôn”. Bởi vì họ đã nhận thức được sự thông hôn giữa những
người cùng thị tộc sẽ mang lại nguy hại, nhất là đối với con cháu đời sau.
Tộc ngoại
hôn sản sinh vào giai đoạn cuối của thời đại thị tộc mẫu hệ ở xã hội nguyên thuỷ.
Chúng ta có thể kiểm chứng thông qua “Nữ nhi quốc” 女儿国
trong truyền thuyết cổ đại. Giống như thầy trò Đường tăng, Trư Bát Giới ở “Nữ
nhi quốc” mà Tây du kí 西游记 đã viết, vì uống
nước sông mà có thai. Trong Kính hoa
duyên 镜花缘, Đường Ngao 唐敖 và Lâm Chi Dương 林之洋 bị bao vây buộc làm đám cưới lúc ở “nữ nhi quốc”.
Nhưng truyền thuyết nữ nhi quốc được lưu truyền rộng rãi trong lịch sử đã cho
chúng ta một gợi mở quan trọng, tức dân tộc Hán ở trung nguyên đã tiến vào thời
đại phong kiến có trình độ văn minh cao, riêng một số dân tộc thiểu số ở vùng
biên cương vẫn còn ở vào thời đại thị tộc mẫu hệ lạc hậu. Điều đáng chú ý là những
ghi chép về nữ nhi quốc này đều là những vùng biên cương xa xôi hoặc ở trên biển,
cho nên chỉ có thể nghe nói mà không được nhìn thấy sự thực.
Đương
nhiên, điển hình nhất về phong tục chế độ quần hôn ở xã hội nguyên thuỷ của
Trung Quốc được bảo trì đến hiện đại đó là “A chú hôn” 阿注婚
của dân tộc Nạp Tây ở Vĩnh Ninh 永宁 Vân Nam 云南. Nghĩa gốc của từ “A chú” trong tiếng Nạp Tây là bạn
bè nam nữ có thể gọi nhau là “A chú”, hôn nhân giữa hai bên không gọi là giá
thú, cũng không tổ chức một gia đình kiểu vợ chồng. Theo tập quán, con gái đến
tuổi 14, 15 cử hành “xuyên quần tử lễ” 穿裙子礼 (tương đương với “cập kê lễ” của con gái Hán tộc cổ đại), biểu thị đã
thành niên, có thể tìm A chú, cùng với người khác họ chung sống với nhau. Nam a
chú vào lúc hoàng hôn hoặc đêm đến nhà nữ ngủ, sáng sớm rời khỏi. Hai bên nam nữ
đều sống trong đại gia đình mẫu hệ của người mẹ. Hai bên nam nữ tự do đi lại với
nhau, con cái sinh ra do bên nữ nuôi dưỡng, người con trai không chịu trách nhiệm
gì.
Với
truyền thuyết cổ đại “Thánh nhân vô phụ, cảm thiên nhi sinh” 圣人无父感天而生 (Thánh nhân không có cha, do bởi cảm ứng với trời mà
được sinh ra) nếu chúng ta quan sát từ lăng kính chế độ quần hôn ở xã hội
nguyên thuỷ thì không khó để mà lí giải, Thánh nhân không phải là “vô phụ”, mà
chỉ là không thể biết chính xác cha đẻ của mình là ai mà thôi, điều này hoàn
toàn nhất trí với trạng thái xã hội tộc ngoại quần hôn chế ở xã hội nguyên thuỷ
“dân tri hữu mẫu bất tri hữu phụ” 民知有母不知有父 (dân chỉ biết
có mẹ mà không biết có cha). Sau khi đến xã hội phong kiến, để thần hoá “Thánh nhân” mới
cho là “cảm thiên nhi sinh”, tạo nên vầng hào quan trên đầu người mà “bất tri
kì phụ”.
Trong Sử kí chính nghĩa 史记正义 của Trương Thủ
Tiết 张守节 có nói, mẹ của Hoàng Đế 黄帝
tên là Phụ Bảo 附宝 nhân vì ở ngoài đồng nhìn thấy sấm chớp vây quanh sao
Bắc Đẩu nên đã cảm ứng mà có thai, sau 24 tháng sinh ra Hoàng Đế ở Thọ Khâu 寿丘. Mẹ của Viêm Đế 炎帝
tên là Nhâm Tự 任姒 khi dạo chơi ở Hoa Dương 华阳
gặp “thần long thủ” 神龙首 cảm ứng mà sinh ra Viêm Đế. Mẹ của Chuyên Húc 颛顼 tên là Nữ Xu 女枢,
gặp “vầng sáng như cầu vồng bao quanh mặt trăng, cảm Nữ Xu tại cung U Phòng 幽房mà sinh ra Chuyên Húc”.
Trong Sử kí – Ân bản kỉ 史记 - 殷本纪 ghi rằng: Mẹ của ông Tiết 契,
thuỷ tổ của người Thương một hôm đang tắm bên bờ sông, nhân vì nuốt phải trứng
chim yến (thời cổ gọi chim yến là “huyền điểu” 玄鸟)
mà có thai sinh ra ông Tiết. Người Chu đối với Khương Nguyên 姜嫄, mẹ của thuỷ tổ Hậu Tắc 后稷
đã hết lời ca tụng rằng: Khương Nguyên không có con, liền cung kính tế Thượng Đế,
khi quay về đã giẫm lên dấu chân của Thượng Đế, liền:
Tái chấn tái tức
Tái sinh tái dục (2)
载震载夙
载生载育
Bà liền có thai và luôn cung kính
Sinh ra người con chăm lo nuôi nấng
Và đã mang thai sinh ra Hậu Tắc. Hậu Tắc sinh ra rất
li kì, giống như bào thai của loài dê nhưng không mở ra. Khương Nguyên liền hỏi
vu bốc. Thầy vu bảo rằng đó là ý muốn của Thượng Đế, không tế tự tốt thì làm
sao sinh được con. Vì thế Khương Nguyên đem Hậu Tắc bỏ ở bên đường nhỏ, kết quả
là:
Ngưu dương phì tự chi
牛羊腓字之
Bò dê yêu quý che chở, tránh không giẫm lên.
Bò dê
đã không giẫm lên mà còn cho bú. Bà lại nhặt lên bỏ vào trong rừng, lại được
người đốn củi nhặt về. Lần thứ 3, bà vất Hậu Tắc trên băng lạnh để cho chết
cóng, nhưng kết quả là:
Điểu phú dực chi
鸟覆翼之
Chim liền dùng cánh che chở
Bầy chim dùng đôi cánh che cho đứa bé khỏi lạnh.
Khương Nguyên cảm thấy kì lạ, nên đã đem về nhà nuôi dưỡng, đặt tên là “Khí” 弃 (tức từng 3 lần bị vứt bỏ). Về sau ông Khí trở thành
tổ tiên của người Chu , rất giỏi về nghề nông,
ông được người đời sau tôn là Nông thần Hậu Tắc.
Những
truyền thuyết thần thoại li kì về Thánh nhân cảm ứng trời đất được sinh ra như
thế trong các sử tịch có rất nhiều, điều đó phản ánh thời kì chuyển biến của các thị tộc bộ lạc cổ đại Trung Quốc từ xã hội
thị tộc mẫu hệ hướng đến xã hội thị tộc phụ hệ, vẫn còn chế độ tộc ngoại quần
hôn, quan hệ tính giao rất hỗn loạn, chính là ngay cả người mẹ cũng không biết
đích xác người cha của đứa bé là ai. Thêm vào đó người thời bấy giờ có thể cũng
chưa nhận thức được sự huyền diệu bí ẩn của vấn đề sinh dục giữa nam nữ, cho
nên cũng chỉ có biết mẹ mà không biết cha. Vì thế với Thánh nhân thời viễn cổ
chỉ có thể giải thích một cách thần bí là do cảm cùng trời đất mà được sinh ra.
Thông qua truyền thuyết “Thánh nhân vô phụ” của thời viễn cổ, chúng ta có thể
thấy được hình ảnh thu nhỏ về chế độ quần hôn thời đại thị tộc mẫu hệ ở xã hội
nguyên thuỷ.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- 2 câu này và 2 câu kế tiếp ở bài Sinh dân 生民, phần Đại nhã 大雅
trong Kinh Thi.
Với câu Điểu phú dực chi鸟覆翼之, trong nguyên
tác là Điểu dực phú chi 鸟翼覆之.Theo Kinh Thi, tập 3 của Tạ
Quang Phát xuất bản năm 1992 và Thi Kinh 詩經 bản tiếng Trung do Trí Dương xuất bản xã ấn
hành năm 2004 đều in là:
Điểu phú dực chi
鸟覆翼之
tôi theo 2 sách trên sửa lại.
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 19/11/2013
Nguyên tác Trung văn
THÁNH NHÂN VÔ PHỤ
TỘC NGOẠI HÔN
圣人无父
族外婚
Trong quyển
HÔN GIÁ
婚嫁
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật