HAI BÚT DANH
ĐẶC BIỆT
Nghiệt hải hoa 孽海花 là bộ tiểu thuyết lịch
sử vạch trần phê phán những hủ bại chốn quan trường của triều Thanh, tác giả là
tiểu thuyết gia nổi tiếng Tăng Phác 曾朴.
Thực ra người phát khởi viết lúc ban đầu bộ tiểu thuyết này không phải là Tăng
Phác mà là học giả nổi tiếng Kim Tùng Sầm 金松岑.
Kim Tùng Sầm người
huyện Ngô Giang 吴江 Giang Tô 江苏, thời trẻ tham gia “Ái quốc
học xã” 爱国学社, cùng qua lại mật thiết với
các chí sĩ yêu nước như Trâu Dung 邹容,
Chương Thái Viêm 章太炎, Thái
Nguyên Bồi 蔡元培. Ông ra sức
chủ trương cách mạng dân chủ giai cấp tư sản, theo con đường phát triển của
phương Tây nhằm cứu dân tộc Trung Hoa. Ông hướng đến tự do, căm ghét sự hủ bại
phản động đầu hàng bán nước của chính phủ triều Thanh, đau xót trước sự hoành
hành của liệt cường xâm nhập. Đối với chủ nghĩa đế quốc lăng nhục nhân dân
Trung Quốc là “Đông Á bệnh phu” 东亚病夫
ông càng đau lòng nhức óc. Ông quyết tâm viết một bộ tiểu thuyết, vạch trần sự
hủ bại của triều Thanh, kêu gọi dân chúng thức tỉnh, đặt tên bộ tiểu thuyết đó
là Nghiệt hải hoa 孽海花. Viết xong 6 hồi đầu, các hồi sau ông giao nhiệm vụ cho Tăng Phác tiếp tục. Ông
và Tăng Phác cùng định ra đề cương chương hồi tỉ mỉ cho phần sau, cuối cùng
Tăng Phác hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, khi tác phẩm đăng báo, kí bút danh của
2 người. Đây là 2 bút danh rất đặc biệt:
- “Ái tự do giả” 爱自由者 là bút danh của Kim Tùng Sầm.
- “Đông Á bệnh
phu” 东亚病夫 là bút danh của Tăng Phác.
Hai bút danh này
thể hiện rõ tấm lòng ưu quốc ưu dân, mong tìm đến ánh sáng, nhiệt tình yêu nước, công kích kẻ địch.
“Ái tự do giả” là
tác giả hướng đến tự do, kêu gọi dân chúng thức tỉnh; còn “Đông Á bệnh phu” là
sự phẫn nộ phản kháng của tác giả đối với sự lăng nhục nhân dân Trung Quốc của
chủ nghĩa đế quốc.
Sau khi Nghiệt hải hoa công bố làm chấn động một
thời, được cho là một trong “Tứ đại khiển trách tiểu thuyết” 四大谴责小说 (1) có giá
trị nhất của Trung Quốc. Nhưng lúc bấy giờ không ai biết “Ái tự do giả” và
“Đông Á bệnh phu” là hai người nào. Ngay cả đại phiên dịch gia Lâm Cầm Nam 林琴南 cũng phải hỏi thăm khắp
nơi. Mãi đến khi Tăng Phác công bố danh tính chân thực mọi người mới biết tác
giả của bộ kì tuyệt này chính là đại danh đỉnh đỉnh Kim Tùng Sầm và Tăng Phác.
Kim Tùng Sầm từng
tại quê nhà mở trường tiểu học, đích thân làm thầy, ông truyền thụ cho học sinh
nhưng tri thức và tư tưởng yêu nước, đem hi vọng cứu vớt dân tộc kí thác vào học
sinh. Học giả nổi tiếng Liễu Á Tử 柳亚子
và Trần Khánh Lâm 陈庆林 sau này
chính là môn sinh đắc ý của ông. Truyền thuyết kể rằng, tên Liễu Khí Tật 柳弃疾 của Liễu Á Tử và tên Trần
Khứ Bệnh 陈去病 của Trần Khánh Lâm là do
ông đặt cho. Ông hi vọng học sinh không quên nỗi nhục “Đông Á bệnh phu”, phấn đấu
để cứu vớt dân tộc.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TỨ ĐẠI KHIỂN TRÁCH TIỂU
THUYẾT 四大谴责小说 gồm:
- Quan trường hiện hình kí 官场现形记
(60 hồi) của Lí Bảo Gia 李宝嘉 (Lí Bá
Nguyên 李伯元). Bộ tiểu thuyết này do những
câu chuyện ngắn độc lập tập hợp lại mà thành.
- Nhị thập niên mục đổ chi quái hiện trạng 二十年目睹之怪现状
(108 hồi) của Ngô Ốc Nghiêu 吴沃尧
(Ngô Nghiễn Nhân 吴趼人). Tiểu
thuyết phản ánh những hiện tượng xã hội Trung Quốc trong 20 năm sau chiến tranh
Trung - Pháp.
- Lão Tàn du kí 老残游记 (20 hồi) của Lưu Ngạc 刘鹗. Tiểu thuyết miêu tả câu
chuyện của vị lang trung giang hồ (Lão Tàn).
- Nghiệt hải hoa 孽海花 (30 hồi, phụ lục 5 hồi)
của Tăng Phác 曾朴. Tiểu thuyết
viết về câu chuyện giữa Tái Kim Hoa 赛金花
và Trạng nguyên Kim Văn Thanh 金雯青.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 10/11/2013
Nguyên
tác Trung văn
LƯỠNG
CÁ ĐẶC THÙ ĐÍCH BÚT DANH
两个特殊的笔名
Trong
quyển
TRUNG
QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên 张壮年
Trương Dĩnh Chấn 张颖震
Sơn
Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật