CHẾ ĐỘ TUẤT HÌNH ĐỜI HÁN
Hán Vũ
Đế 汉武帝 tôn Nho có lợi cho sự truyền bá và phồn vinh của Nho
học, một số lượng lớn Nho sinh tiến vào các cấp của chính phủ, từ đó có được cơ
hội tham dự và cải tạo chính trị triều đình. Dưới ngọn cờ tôn Nho, đã thu nạp
chủ trương “Công Dương” gia “公羊”家 “ Xuân Thu quyết ngục” 春秋决狱 , đưa tư tưởng
Nho gia vào pháp lệnh Hán gia có kế thừa ở đời Tần, khiến pháp luật của đế quốc
bước đầu được Nho gia hoá. Nguyên tắc hình pháp triều Hán chủ yếu có:
Nguyên
tắc tôn kính người già thương yêu trẻ con
Nguyên
tắc bà con thân thuộc che dấu cho nhau
Nguyên
tắc quý tộc quan lại có tội được xem xét
Nguyên
tắc mua tước chuộc tội tử.
- Nguyên tắc tôn kính người
già thương yêu trẻ con biểu hiện ở hình pháp chính là chế độ tuất hình 恤刑. Tuất hình là đối với người già, trẻ em, phụ nữ, người
tàn tật khi định tội xử hình có sự khoan hồng. Triều Hán khi định lượng hình phạt,
đối với những loại người trên đều có quy định khoan miễn, lấy đó thể hiện sự
nhân ái của Nho gia. Quy định của loại tuất hình này có mấy tình huống như sau:
Trừ trọng
tội giết người ra, những tội khác phù hợp với quy định đều có thể miễn hình.
Như Hán luật quy định:
Niên vị mãn bát tuế, bát thập dĩ thượng,
phi thủ sát nhân, tha giai bất toạ.
年未满八岁, 八十以非手杀人, 他皆不坐.
(Trẻ em chưa đủ 8 tuổi,
người già từ 80 tuổi trở lên, trừ chính tay giết người, các tội khác đều không bị xét xử)
Lấy
sinh hình thay cho tử hình, hoặc lấy khinh hình thay cho trọng hình. Trong Hán thư – Huệ Đế kỉ 汉书 - 惠帝纪 có ghi:
Dân niên thất thập dĩ thượng, nhược bất mãn
thập tuế, hữu tội đáng hình giả giai hoàn chi.
民年七十以上, 若不满十岁, 有罪当刑者皆完之.
(Dân từ 70 tuổi trở
lên, và trẻ em chưa tròn 10 tuổi, nếu bị tội đáng xử thì đều được hoàn)
(“Hoàn”
完 chỉ “hoàn hình” 完刑,
tức không bị nhục hình, không bị tổn hại thân thể, chỉ cho lao tác)
Lấy
“hoàn hình” thay cho “nhục hình”, hoặc đối với trẻ em phạm tội giết người sẽ giảm
miễn tử hình. Người già, con nít, phụ nữ có thai được miễn đeo hình cụ. Ngoài ra
còn có quy định phương pháp chuộc tội cho nữ phạm nhân. Trong Hán thư – Bình Đế kỉ 汉书 - 平帝纪 ghi rằng:
Thiên hạ nữ đồ dĩ định, quy gia, cố sơn,
tiền nguyệt tam bách.
天下女徒已定, 归家, 雇山, 钱月三百
Ý nghĩa
là nữ phạm nhân trong nước đã bị định tội, được thả cho về nhà, chỉ mỗi tháng bỏ
ra 300 tiền thuê người khác làm lao dịch.
(“Nữ đồ”
女徒 vốn bị xử vào núi chặt cây, cho nên “cố nhân” 雇人 (thuê người) thay làm lao dịch gọi là “cố sơn”)
- Nguyên
tắc bà con thân thuộc che giấu cho nhau tức “thân thân đắc tương thủ nặc” 亲亲得相首匿. Bà con cùng huyêt thống trực hệ của 3 đời và giữa vợ
chồng, trừ tội mưu phản đại nghịch ra, những tội khác đều có thể có hành vi che
giấu tội phạm, và loại này cũng được miễn giảm hình phạt. Người sớm nhất đề ra
nguyên tắc này đó là Khổng Tử 孔子, người sáng lập Nho
gia. Khổng Tử chủ trương:
Phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn (1).
父为子隐, 子为父隐.
(Cha giấu tội cho con, con giấu tội cho cha)
Thời
Hán sau khi tư tưởng Nho gia độc tôn, “thân thân đắc tương thủ nặc” trở thành một
nguyên tắc định tội lượng hình trong pháp luật. Hán Tuyên Đế 汉宣帝 từng ban chiếu rằng:
Tự kim tử tự nặc phụ mẫu, thê nặc phu, tôn nặc
đại phụ mẫu, giai vật toạ. Kì phụ mẫu nặc tử, phu nặc thê, đại phụ mẫu nặc tôn,
tội thù tử, giai thướng thỉnh Đình uý (2)
dĩ văn.
自今子自匿父母, 妻匿夫, 孙匿大父母, 皆勿坐. 其父母匿子, 夫匿妻, 大父母匿孙, 罪殊死, 皆上请廷尉以闻.
(Từ
nay, con che giấu tội cho cha mẹ, vợ che giấu tội cho chồng, cháu che giấu tội
cho ông bà đều không bị liên luỵ. Còn cha mẹ giấu tội cho con, chồng giấu tội
cho vợ, ông bà giấu tội cho cháu, nếu đó là tử tội thì phải xin Đình uý phán
quyết.)
Căn cứ
vào nguyên tắc này, con cháu che giấu tội cho bậc tôn trưởng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; còn bậc
tôn trưởng che giấu tội cho con cháu, trừ tử tội xin miễn giảm ra, những tội khác cũng
không chịu trách nhiệm hình sự. Từ đó có thể biết quan niệm đạo đức của Khổng Tử
đã được chuyển hoá thành nguyên tắc luật pháp.
- Nguyên
tắc quý tộc quan lại có tội được xem xét, cũng tức là chế độ “thượng thỉnh” 上请. Chế độ xem xét bắt đầu từ thời Tây Hán, quý tộc quan
lại phạm pháp, trước tiên cần phải báo lên Hoàng đế để xin được miễn giảm. Chế
độ này đã bảo vệ đặc quyền của quý tộc quan lại, rõ ràng là sự bảo hộ đối với đạo
đức tông pháp mà Nho gia đề xướng. Theo ghi chép trong Tống sử - Cao Tổ bản kỉ 宋史 - 高祖本纪, Cao Tổ năm
thứ 7 từng ban chiếu lệnh:
Lang trung hữu tội nại dĩ thượng, thỉnh
chi.
郎中有罪耐以上, 请之
(Lang trung phạm vào tội “nại” trở lên, được xin xem
xét)
(“Nại” 耐 tức tội “nại”, một
loại hình phạt gọt râu tóc)
Lang
trung là quan Thị vệ của vị quân chủ, chức vị tuy thấp nhưng do bởi là thân tín
của quân chủ cho nên được hưởng đặc quyền “tiên thỉnh”. Chế độ tiên thỉnh đã phản
ánh một sự thật đó là quý tộc quan lại phạm pháp khác với bách tính phạm cùng tội
đó, nó ngược lại với chủ trương “hình vô đẳng cấp” 刑无等级 (hình phạt không phân biệt đẳng cấp) của Pháp gia, nhất trí với quan
niệm “lễ” về lí luận đẳng cấp mà Nho gia khẳng định.
- Nguyên
tắc mua tước chuộc tội tử. Đời Hán, phạm vào tội tử có thể dùng tiền để chuộc.
Trong Hán thư – Huệ Đế kỉ汉书 - 惠帝纪 ghi rằng:
Dân hữu tội, đắc mãi tước tam thập cấp
dĩ miễn tử tội
民有罪, 得买爵三十级以免死罪
(Dân phạm tội, có thể mua tước 30 cấp để miễn tội tử)
Tước, 1
cấp trị giá 2000 tiền, 30 cấp là 6 vạn.
So với
triều Tần, nguyên tắc hình pháp triều Hán có sự biến đổi tương đối lớn, điều
này có quan hệ với tư tưởng Nho gia được xem là tư tưởng chỉ đạo lập pháp. Mặc
dù “Hán luật” thuộc về lập pháp Pháp gia, nhưng pháp luật đời Hán lại thẩm thấu
tinh thần Nho gia. Đặc điểm nổi bật của pháp chế Nho gia là chủ trương đức chủ
hình phụ, cũng tức là xem hình pháp là công cụ bảo vệ đạo đức Nho gia. Đời Hán
lấy đức chủ hình phụ làm tư tưởng chỉ đạo lập pháp cho nên đã ảnh hưởng cực lớn
đến nguyên tắc hình pháp.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này ở thiên Tử Lộ 子路 trong Luận ngữ 论语
(2)- ĐÌNH UÝ 廷尉: trong nguyên tác
in nhầm là “diên uý” 延尉. Đình uý là tên chức
quan được đặt ra từ thời Tần, một trong cửu khanh. Đình uý nắm giữ việc hình ngục.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/11/2013
Nguyên tác Trung văn
TUẤT HÌNH CHẾ ĐỘ
恤刑制度
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật