Dịch thuật: Yến Anh

YẾN ANH

          Yến Anh 晏婴 (? – năm 500 trước công nguyên), tự Bình Trọng 平仲, Tể tướng triều Tề Linh Công 齐灵公, Trang Công 庄公, Cảnh Công 景公 thời Xuân Thu, hiền tướng nước Tề.  Ngôn hành của ông được chép trong bộ Yến Tử Xuân Thu 晏子春秋. Yến Anh mất vì bệnh.

          Yến Anh người Di Duy 夷维 (nay là Cao Mật 高密 tỉnh Sơn Đông 山东). Phụ thân là Yến Nhược 晏弱, từng giữ chức Chính khanh nước Tề. Yến Anh người thấp bé, tướng mạo không xuất chúng nhưng rất có tài học, phẩm hạnh lại đoan chính, giỏi ăn nói. Năm 556 trước công nguyên, Yến Nhược bệnh mất, Yến Anh được Tề Linh Công Khương Hoàn 姜环 bái làm Chính khanh, nắm giữ triều chính. Về sau tiếp tục được Tề Trang Công Khương Quang 姜光, Tề Cảnh Công Khương Chử 姜杵 bái làm chính khanh, làm quan trải 3 triều vua, chấp chính hơn 50 năm, là vị Tướng quốc nổi tiếng thời Xuân Thu.
          Cuộc sống của Yến Anh rất giản dị, luôn tiết kiệm, lấy lễ đãi kẻ sĩ, con người ông rất khiêm cung. Mỗi khi kiến nghị của ông được vua Tề chấp nhận, ông luôn khiêm nhường nói đó không phải là công lao của mình, mà đó là công của Tề vương. Khi chính kiến của ông không được chấp nhận, ông cũng không hề oán trách mà luôn nhìn lại mình xem thử có chỗ nào chưa được. Chính lệnh chính xác, ông ra sức tiến hành; chính lệnh không chính xác, ông liền tu sửa bổ chính, để giảm bớt sai lầm. Nhân đó, uy vọng của Yến Anh ở nước Tề và ở các nước chư hầu  rất cao.
          Yến Anh tài trí mẫn tiệp, khẩu tài của ông khiến mọi người kinh ngạc. Có một lần, Yến Anh vâng mệnh đi sứ nước Sở, Sở vương ỷ mình lực lượng cường thịnh, muốn làm nhục ông, nên sai người khoét một cái lỗ ở chân tường thành, truyền lệnh bảo Yến Anh thấp bé chui theo lỗ đó mà vào thành. Yến Anh không hề nao núng đáp rằng:
          Nếu tôi đi sứ nước chó đương nhiên phải chui theo lỗ chó này, không biết quý quốc có phải là nước chó không, xin đi hỏi lại cho rõ ràng.
          Sở vương đành phải mời ông vào cổng thành.
          Sở vương rất coi thường Yến Anh, tìm cách gây hấn, bảo rằng:
          Lẽ nào nước Tề không có người tài? Sao lại phái người như ông đi sứ?
          Yến Anh đáp rằng:
          Không phải đâu. Đô thành Lâm Tri 临淄 nước Tề nhân tài đông vô kể, họ chen vai nối gót, giơ tay áo lên có thể thành mây, vẩy mồ hôi thành mưa. Chỉ có điều, nước tôi có quy củ, khi đi sứ nước thượng đẳng sẽ phái người tài thượng đẳng; đi sứ nước hạ đẳng sẽ phái người tài hạ đẳng. Tôi đây là loại hạ đẳng nhất nên chỉ có thể đi sứ quý quốc mà thôi.
          Sở vương chỉ biết ngậm miệng không nói lời nào.
          Sở vương lại cho bày yến tiệc khoản đãi Yến Anh. Trong bữa tiệc, có 2 tên lính áp giải một tên tội phạm đi ngang qua ở dưới, Sở vương liền hỏi:
          Tên đó phạm tội gì? Là người nước nào vậy?
          Tên lính đáp rằng đó là tên trộm, người nước Tề. Sở vương thừa cơ muốn phục thù Yến Anh nên hỏi:
          Người nước Tề của ông sao mà hạ tiện thế, dám làm cái trò xấu xa đó?
          Yến Anh liền đứng dậy đáp rằng:
          Tôi nghe nói, quýt ở Hoài Nam 淮南 vừa lớn vừa ngọt, nhưng khi đem trồng ở Hoài Bắc 淮北, trái của chỉ bằng trái chỉ , vừa nhỏ vừa đắng. Đó là do bởi thuỷ thổ khác nhau. Nay người nước Tề ở trong nước có thể an cư lạc nghiệp, nhưng một khi đến nước Sở lại hoá thành đạo tặc, có thể cũng là do thuỷ thố khác nhau tạo ra chăng?
          Sở vương vô cùng xấu hổ, không dám xem thường Yến Anh nữa. Như vậy, với tài trí của mình, Yến Anh đã bảo vệ được nhân cách, quốc cách, không làm nhục sứ mệnh, đồng thời trở thành giai thoại lưu truyền thiên cổ.
          Thời Tề Cảnh Công, có 3 dũng sĩ tên là Điền Khai Cương 田开彊, Công Tôn Tiệp 公孙捷, Cổ Dã Tử 古冶子. Điền Khai Cương từng mang quân công phá nước Từ ; Công Tôn Tiệp từng tay không đánh chết mãnh hổ cứu Cảnh Công; Cổ Dã Tử từng chém chết con giải lớn ở Hoàng hà, khiến Cảnh Công thoát được tai hoạ. Ba người kết làm anh em, tự xưng là “Tề bang tam kiệt” , ỷ mạnh cậy công, khẩu xuât cuồng ngôn, bức hiếp xóm làng, miệt thị công khanh, ngay cả đối với Cảnh Công cũng xưng hô như người thường. Cảnh Công yêu mến vũ dũng của 3 người, cũng mắt nhắm mắt mở để mặc họ kiêu ngạo vô lễ. Ba người còn kết thành đảng với bọn gian nịnh Lương Khâu Cứ 梁丘据, Trần Vô Vũ 陈无宇, nhằm soán đoạt quốc chính. Yến Anh muốn trừ khử 3 người này, nhưng lại sợ Cảnh Công không đồng ý nên chưa dám dâng lời can gián… (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 19/10/2013

Nguyên tác Trung văn
YẾN ANH
晏婴
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post