TINH THẦN “TỰ NHIÊN”
TRONG VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG TRUNG QUỐC
Các học
phái cổ đại Trung Quốc đều tìm hiểu mối quan hệ giữa con người với tự nhiên từ
nhiều phương diện khác nhau, tức cái gọi là quan hệ “thiên nhân”. Điều này
không phải là ngẫu nhiên, bởi sự sáng tạo văn hoá vật chất, văn hoá chế độ và
văn hoá quan niệm cổ đại đều không xa rời cơ sở vật chất canh tác nông nghiệp.
Trung Quốc từ rất sớm đã có phát minh về thiên văn lịch pháp, đây là nhu cầu do
bởi canh tác nông nghiệp. Từ đó dẫn đến học thuyết con người với tự nhiên.
Trong học phái Đạo giáo điều này đã có được lí chứng tương đối đầy đủ. Kinh điển
của Đạo gia là bộ Lão Tử 老子 xem “vô danh”
là nguyên thuỷ của thiên địa, “hữu danh” là gốc của vạn vật. Chúng là danh từ
có ngoại diên rất lớn. Sự sáng tạo phát minh có tính chất khoa học ở đời sau, nếu
từ triết học mà khái quát, đều không vượt qua được hạn định ngoại diên của “hữu”
và “vô”. Bộ Lão Tử còn đề xuất nên nhận
thức tự nhiên từ thực địa, không nên phụ hoạ thêm vào sự tưởng tượng chủ quan của
con người, bởi vì nguồn gốc của thiên, địa, vũ trụ là từ “Đạo”, mà “Đạo” là thuộc
về tự nhiên (“Đạo pháp tự nhiên” 道法自然). Đây là xuất
phát điểm của tinh thần “tự nhiên” trong văn hoá truyền thống Trung Quốc.
Một đại
biểu khác của học phái Đạo gia là bộ Trang
Tử 庄子, đã cường điệu con người nên tôn trọng tự nhiên, bảo vệ tự nhiên,
không được phá hoại tự nhiên. Trang Tử
đề xuất tư tưởng trác việt bảo hộ sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Nhưng Trang Tử hoàn toàn không yêu cầu con người
không làm gì trước tự nhiên, mà chủ trương dựa vào đặc điểm và kết cấu của bản
thân tự nhiên để nhận thức nó, dưới tiền đề không làm tổn hại tự nhiên, hướng đến
tự nhiên tìm lấy những tư liệu sinh hoạt mà nhân loại cần đến. Câu chuyện “Bào
Đinh giải ngưu” 庖丁解牛 trong Trang tử chính
là luận chứng mang tính đại biểu cho phương diện này.
Tinh thần
“tự nhiên” nói trên đã thúc đẩy sự phát triển khoa học kĩ thuật cổ đại Trung Quốc,
ở các lĩnh vực như thiên văn lịch pháp, nông học, Trung y học … đã có được những
thành tựu to lớn. Nhưng, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên không chỉ ở chỗ
xã hội nhân loại nên từ giới tự nhiên mà lấy những tư liệu sinh hoạt, mà còn có
một phương diện quan trọng khác, đó là con người từ giới tự nhiên mà hấp thụ lấy
mĩ cảm, lấy một số hiện tượng tự nhiên nào đó làm nguyên mẫu, tiến hành gia công
nghệ thuật, mang lại sự hưởng thụ và thú vui cao nhã cho cuộc sống. Những điều
đó chúng ta có thể thấy rất rõ từ những phương diện như khí vật cổ đại, đặc biệt
là thư pháp, hội hoạ, tác phẩm văn học, văn hoá ẩm thực, cùng với kiến trúc
viên lâm.
Tự nhiên
và con người có mặt hài hoà, những cũng có mặt không nhịp nhàng. Thiên tai mang
đến cho con người những khổ nạn, con người cổ đại đối với sự nổi giận của giới
tự nhiên cảm thấy rất lo sợ. Khi họ không thể giải thích một cách khoa học sự
khủng bố của hiện tượng tự nhiên, họ không thể không tưởng tượng ra tự nhiên
(“thiên”) có uy lực to lớn, trước mặt tự nhiên họ chỉ có thể thuận theo, không
thể phản kháng. Vì thế đem nhận thức của con người gán lên tự nhiên, hướng đến
tự nhiên đã được thần hoá mà lễ bái. Đây chính là đã tương phản với tinh thần
“tự nhiên” lí tính. Nhân đó trong văn hoá truyền thống Trung Quốc có hai loại
“thiên nhân hợp nhất” khác nhau: một loại là sự nhịp nhàng giữa con người với tự
nhiên, biểu hiện ở nhận thức của con người đối với tự nhiên, bảo vệ và lợi dụng
tự nhiên; còn loại kia đem tự nhiên thần hoá, từ đó mà tâm lí và tinh thần bị
khuất phục bởi tự nhiên thần tính. Trong văn hoá truyền thống, hai loại này vừa
hỗ tương quan hệ vừa hỗ tương khu biệt. Chúng ta nên phân biệt kĩ lưỡng và lựa
chọn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 06/10/2013
Nguyên tác Trung văn
“TỰ NHIÊN” TINH THẦN
“自然”精神
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật