TẾT TRÙNG DƯƠNG
(tiếp theo)
Tết
Trùng dương là ngày tết truyền thống của người Hán được hình thành từ các loại
dân tục hoà chung với nhau thành nhất thể. Nhìn chung tết Trùng dương bao gồm
các hoạt động như dạo chơi ngắm cảnh, lên cao ngắm ra xa, thưởng thức hoa cúc,
đeo cành thù du, ăn bánh Trùng dương, uống rượu hoa cúc.
Lên cao
Ở tết
Trùng dương đầu tiên là tục lên cao. Tháng 9 mùa Thu thuộc hành kim, trời cao
khí mát, mùa này lên cao ngắm ra xa có thể có được tinh thần sảng khoái, thân
thể mạnh khoẻ trừ được bệnh tật. Từ thời Tây Hán, trong Trường An chí 长安志 đã có ghi chép, thời Hán tại kinh thành mọi người vào
ngày mồng 9 tháng 9 du ngoạn ngắm cảnh. Thời Đông Tấn có câu chuyện “Long Sơn lạc
mạo” 龙山落帽 nổi tiếng (1).
Ăn bánh Trùng dương
Theo sử
sách ghi chép, bánh Trùng dương (Trùng dương cao 重阳糕)
còn được gọi là “Hoa cao” 花糕, “Cúc cao” 菊糕, “Ngũ sắc cao” 五色糕,
cách chế biến tương đối tuỳ ý, không nhất
định. Ngày mồng 9 tháng 9 khi trời vừa sáng, người ta lấy một miếng bánh đắp
lên trán con cái, miệng lầm rầm khấn, cầu cho con cái trăm việc đều được đăng cao,
đó chính là bản ý của người xưa khi làm bánh Trùng dương. Bánh Trùng dương làm
thành 9 tầng, trông giống như một toà tháp, bên trên còn làm thêm 2 con dê con
lấy ý nghĩa phù hợp với Trùng dương. Có khi trên bánh còn gắn một lá cờ nhỏ màu
đỏ, đồng thời đốt nến. Đại khái là dùng “điểm đăng” 点灯
(thắp đèn) và “ngật cao” 吃糕 (ăn bánh) để thay
cho “đăng cao”, lá cờ nhỏ màu đỏ thay thế cành thù du. Bánh Trùng dương ngày
nay cũng không có cách chế biến cố định, các nơi vào ngày tết Trùng dương ăn loại
bánh mềm cũng gọi là bánh Trùng dương.
Ngắm hoa cúc
Vào
ngày tết Trùng dương, trước giờ luôn có tập tục thưởng ngắm hoa cúc, cho nên tết
Trùng dương cũng còn gọi là “Thu cúc hoa tiết” 秋菊花节. Tháng 9 âm lịch tục gọi là “Cúc nguyệt” 菊月,
vào ngày tết tổ chức hội hoa cúc, mọi người đua nhau đến thưởng ngắm hoa cúc. Từ
thời Tam quốc đến nay, tết Trùng Dương mọi
người tập họp nhau lại uống rượu, ngắm hoa cúc, làm thơ đã trở thành thời thượng.
Trong cổ tục của người Hán, hoa cúc tượng trưng cho trường thọ.
Uống rượu hoa cúc
Ngày tết Trùng dương có tập tục
truyền thống uống rượu hoa cúc. Rượu hoa cúc vào thời cổ được xem là loại rượu
mà vào ngày tết Trùng dương phải uống, được xem là loại “cát tường tửu” xua đuổi
được tai hoạ, cầu được may mắn.
Đời Hán
đã có rượu hoa cúc. Tào Phi 曹丕 thời Nguỵ từng tặng
hoa cúc cho Chung Diêu 钟繇 vào tết Trùng
dương, chúc Chung Diêu trường thọ. Cát Hồng 葛洪
đời Tấn trong Bão phác tử 抱朴子 có chép chuyện
những người trong núi Nam Dương 南阳 ở Hà Nam
河南, nhân vì uống nước Cam Cốc 甘谷
nơi mọc đầy hoa cúc mà mạnh khoẻ trường thọ. Lương Giản Văn Đế 梁简文帝 trong bài Thái
cúc thiên 采菊篇 có viết:
Tương hô đề khuông thái cúc châu
Triêu khởi lộ thấp triêm la nhu
相呼提筐采菊珠
朝起露湿沾罗襦
(Gọi nhau xách giỏ hái hoa cúc
Sáng sớm sương rơi thấm ướt cả áo)
ở đây cũng là hái hoa cúc ủ rượu. Mãi đến đời Minh
Thanh, rượu hoa cúc vẫn thịnh hành. Cao Liêm 高濂
đời Minh trong Tuân sinh bát tiên 遵生八笺 có nói rượu
hoa cúc là thức uống thịnh hành làm cho thân thể khoẻ mạnh.
Đeo cành thù du
Thời cổ
vào ngày tết Trùng dương còn có tập tục đeo cành thù du, cho nên tết Trùng
dương cũng còn gọi là “Thù du tiết” 茱萸节. Thù du được dùng
làm vị thuốc. Đeo cành thù du và cài hoa cúc vào thời Đường đã phổ biến. Thù du
mùi thơm nồng, có tác dụng xua đuổi côn trùng, khử thấp, trục phong tà, đồng thời
cũng có thể tiêu tích thực, trị hàn nhiệt. Dân gian cho rằng ngày mồng 9 tháng
9 cũng là ngày gặp hung, nhiều tai nhiều nạn, cho nên vào ngày tết Trùng dương
mọi người thích đeo cành thù du để tị tà cầu phúc, nhân đó thù du còn được mọi
người gọi là “Tịch tà ông” 辟邪翁.
4- Truyền thuyết
thần thoại
Trong Tục
Tề hài kí 续齐谐记.
Truyền
thuyết sớm nhất liên quan đến tết Trùng dương được thấy trong Tục Tề hài kí 续齐谐记 của Ngô Quân 吴圴 triều Lương.
Hoàn Cảnh
桓景 ở Nhữ
Nam
汝南 theo Phí Trường Phòng 费长房
du học nhiều năm. Trường Phòng bảo rằng: “Ngày mồng 9 tháng 9, nhà anh có tai
hoạ. Mau về nhà, bảo người nhà mỗi người may một túi màu đỏ, đựng thù du đeo
bên mình, lên núi cao uống rượu hoa cúc, thì có thể trừ được tai hoạ”. Hoàn Cảnh
làm theo lời, cả nhà đều lên núi. Chiều tối về lại nhà, thấy gà chó bò dê đều
chết cả. Người đời nay vào ngày mồng 9 tháng 9 lên núi cao uống rượu, phụ nữ đeo
túi đựng thù du là bắt đầu từ đó.
Truyền thuyết trong dân gian được diễn hoá.
Tương
truyền vào thời Đông Hán, tại Nhữ Nam汝南 có một con ôn ma,
chỉ cần nó xuất hiện, nhà nhà đều đổ bệnh, hàng ngày đều có người mất. Bách
tính nơi đó cực kì khốn khổ. Một trận ôn dịch đã cướp đi cha mẹ của Hoàn Cảnh 桓景, bản thân Hoàn Cảnh suýt chút nữa cũng mất mạng. Sau
khi khỏi bệnh, Hoàn Cảnh từ biệt người vợ và bà con trong thôn làng, quyết tâm
ra đi học phép tiên để diệt trừ ôn ma. Hoàn Cảnh đi khắp nơi tìm thấy học đạo,
đi khắp các danh sơn cuối cùng hỏi thăm, biết được có một ngọn núi cổ xưa ở
phía đông, trên núi có một vị tiên trưởng pháp lực vô biên. Hoàn Cảnh không sợ
đường xa gian nan nguy hiểm, theo sự chỉ dẫn của tiên hạc, cuối cùng đến được
ngọn núi ấy, tìm được vị tiên trưởng. Tiên trưởng cảm động tinh thần của Hoàn Cảnh
nên đã lưu anh ta lại, dạy cho kiếm thuật trừ yêu quái, và tặng cho anh ta một
thanh bảo kiếm. Hoàn Cảnh khổ luyện quên ăn quên ngủ, cuối cùng đạt được võ nghệ
phi phàm.
Một
ngày nọ vị tiên trưởng gọi Hoàn Cảnh đến và nói rằng:
Ngày mai
là mồng 9 tháng 9, ôn ma sẽ xuất hiện gây hoạ, anh bản lĩnh đã học thành, nên
quay về giúp dân trừ hại.
Tiên trưởng đưa cho Hoàn Cảnh
một bao lá thù du, một bình rượu hoa cúc, đồng thời ngầm truyền thụ “tịch tà dụng
pháp”, bảo Hoàn Cảnh cưỡi hạc tiên về nhà.
Hoàn Cảnh
về đến quê nhà, sáng sớm ngày mồng 9 tháng 9, theo lời dặn của tiên trưởng đưa
bà con đến một ngọn núi gần đó, phát cho mỗi người một chiếc lá thù du, một
chén rượu hoa cúc, chuẩn bị hàng phục ôn ma. Khoảng trưa, theo mấy tiếng kêu
quái lạ, ôn ma xuất hiện bên bờ sông Nhữ, nhưng ôn ma vừa mới đến chân núi, bỗng
ngửi được mùi thơm kì lạ của lá thù du và mùi rượu hoa cúc liền dừng lại, mặt đột
nhiên biến sắc. Lúc bấy giờ Hoàn Cảnh tay cầm thanh bảo kiếm trừ yêu xuống núi,
qua mấy lượt giao đấu Hoàn Cảnh đâm chết ôn ma. Từ đó vào ngày mồng 9 tháng 9
phong tục lên cao tránh ôn dịch dần truyền lại. Người đời sau xem phong tục lên
cao vào ngày tết Trùng dương là một hoạt động tránh tai tị hoạ.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- LONG SƠN LẠC MẠO龙山落帽 (rớt mũ ở Long Sơn): câu chuyện xuất xứ từ trong Tấn thư – Mạnh Gia truyện 晋书 - 孟嘉传:
Thời
Đông Tấn, Mạnh Gia 孟嘉 làm Tham quân cho Chinh tây Đại tướng quân Hoàn Ôn 桓温. Hoàn Ôn rất trọng Mạnh Gia. Ngày mồng 9 tháng 9 năm
nọ, Hoàn Ôn đưa thủ hạ đến Long Sơn 龙山 du ngoạn, đồng thời
tổ chức yến tiệc. Thủ hạ lúc bấy giờ đều mặc quân phục. Trong buổi tiệc, một trận
gió thổi qua, Mạnh Gia vì đội không quen mũ lính nên mũ bị gió thổi rớt xuống đất
nhưng không hay biết. Hoàn Ôn bảo thủ hạ không được nói để xem cử chỉ của Mạnh
Gia thế nào. Lát sau Hoàn Ôn bảo Tôn Thạnh 孙盛
làm bài văn châm biếm, sai người đưa bài văn cùng với mũ cho Mạnh Gia. Mạnh Gia
xem qua liền viết một bài đáp lại. Mọi người đều khen hay.
Về sau
người ta dùng “Long Sơn lạc mạo” 龙山落帽 làm điển cố đăng
cao trong ngày tết Trùng dương.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 14/10/2013
TRÙNG DƯƠNG TIẾT
重阳节
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật