SỬ DU VÀ SÁCH HỌC CHỮ HÁN SỚM NHẤT
CỦA TRUNG QUỐC
Sau khi
Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất thiên hạ, thực hiện “thư đồng văn”, đã có
được mấy quyển sách học chữ Hán như Thương
Hiệt thiên 仓颉篇 của Lí Tư 李斯, Viên lịch
thiên 爰历篇 của Triệu Cao 赵高, Bác học thiên 博学篇 của
Hồ Vô Kính 胡毋敬, 3 quyển này hợp lại gọi chung là “tam thương” 三仓, thu tập 3300 chữ. Đến thời Hán, lại có Cấp tựu thiên 急就篇 của
Sử Du 史游, Huấn toản thiên
训纂篇 của Dương Hùng 扬雄. Những sách này thu
thập được 5340 chữ, nhưng lưu truyền lại đến ngày nay chỉ còn Cấp tựu thiên của Sử Du.
Sử Du
sinh năm nào, mất năm nào không thấy ghi chép trong sử sách. Ông là người thời
Tây Hán, thời Hán Nguyên Đế nhậm chức Hoàng môn lệnh 黄门令 (“Hoàng môn” là tên gọi khác của hoạn quan, chuyên hầu
hạ Hoàng đế cùng gia tộc của Hoàng đế), tinh thông văn tự học, giỏi thư pháp. Cấp tựu thiên do ông biên soạn mà trong Tuỳ
thư 隋书 gọi là Cấp tựu chương 急就章, đời sau nhân
đó mà gọi sách do ông viết ra là Chương
thảo 章草. Thời Tần Thuỷ Hoàng, tự thể có sự biến đổi, thể chữ triện biến thành
thể chữ lệ, Sử Du đã tiến thêm một bước bỏ thể chữ lệ, sáng tạo đầu tiên thư
pháp “chương thảo”.
Hai chữ
“cấp tựu” 急就 trong Cấp tựu
thiên của Sử Du mang ý nghĩa là thành công nhanh chóng. Toàn sách hiện nay
có 34 chương phân loại sắp xếp theo tính danh, y phục, ẩm thực, khí dụng biên soạn thành, có vần, đa số là
câu 7 chữ, để dạy cho trẻ con học biết chữ. Sách mở đầu với 2 chữ “cấp tựu” nên
lấy “Cấp tựu” làm tên sách, tổng cộng thu thập 2016 chữ.
5 câu đầu,
nói về mục đích và tôn chỉ của việc biên soạn:
Cấp tựu kì cô dữ chúng dị,
La liệt chư vật danh tính tự.
Phân biệt bộ cư bất tạp xí,
Dụng nhật ước thiểu thành khoái ý,
Miễn lực vụ chi tất hữu hỉ.
急就奇觚与众异
罗列诸物名姓字
分别部居不杂厕
用日约少诚快意
勉力务之必有喜
Câu đầu
tiên cho chúng ta biết đây là sách học biết chữ tốc thành, khác với các sách
khác. Câu 2 và 3 nói rõ thể lệ của sách là dựa theo sự phân loại họ tên, đồ vật
mà biên soạn thành. “Dụng nhật ước thiểu” trong câu 4 ý nói tốn thời gian không
nhiều, chính là ý “tốc thành” cũng tức là nói sách Cấp tựu thiên mà ông biên soạn là loại sách đọc biết chữ tốc thành.
Cho nên câu 5 nói rằng, chỉ cần cố gắng học nó tất sẽ có “điều vui mừng”. Ví dụ
như nội dung ở phần 2 của sách đã thuật theo thứ tự: cẩm tú, ẩm thực, y thực,
khí vật, trùng ngư, phục sức, binh khí, xa mã, cung thất, động vật, thực vật, tật
bệnh, dược phẩm, tang táng … đều là câu 7 chữ, gieo vần, đọc lên rất thuận miệng.
Như những câu liên quan đến các bộ phận của cơ thể:
Giáp di cảnh hạng kiên tí trửu
Quyển vãn tiết trảo mẫu chỉ thủ
Thũng du hung hiếp lệ yết tuỷ
Trường vị phúc can phế tâm chủ
Tì thận ngũ tạng bì tề nhũ
颊颐颈项肩臂肘
卷挽节爪拇指手
肿腴胸胁唳咽髓
肠胃腹肝肺心主
脾肾五脏膍齐乳
Truyền thuyết nói rằng, thời Hán Tuyên Đế từng cho mời
những người nước Tề đến để “chính độc” cổ văn Thương Hiệt thiên, bởi vì lúc bấy giờ rất nhiều thầy dạy đọc sai. Kết
quả tìm được một người được truyền thừa tên là Trương Sưởng 张敞, có thể thấy mức độ coi trọng việc dạy nhận biết chữ ở
đời Hán. Cấp tựu thiên của Sử Du đã
giải quyết những khó khăn đa phần là khó đọc của Thương Hiệt thiên, hơn nữa đã tổ chức được những câu có vần đọc lên
thuận miệng, khiến trẻ con khi học chữ rất dễ dàng tiếp thụ.
Đến thời
Đường, Nhan Sư Cổ 颜师古, vị Kinh học gia có công rất lớn đối với Cấp tựu thiên, đã hiệu đối rõ ràng, cải
chính những chỗ sai, hệ thống chỉnh lí lại, bản duy nhất truyền cho hậu thế
chính là bản Cấp tựu thiên do ông chú
giải, việc này đã có tác dụng quan trọng đối với việc bảo tồn bộ cổ thư này. Được
xem là sách học chữ Hán hoàn chỉnh, bảo tồn chữ Hán được lưu truyền, nhiều giá
trị trong Cấp tựu thiên đến nay vẫn
còn được sử dụng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 10/10/ 2013
Nguyên tác Trung văn
NGÃ QUỐC TỐI TẢO ĐÍCH THỨC TỰ KHOÁ BẢN HOÀ SỬ DU
我国最早的识字课本和史游
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật