SỞ TỪ
“Sở từ”
楚辞 là một thể thơ mới do quan Đại phu nước Sở là Khuất
Nguyên 屈原 khai sáng, tên gọi của nó xuất hiện vào thời Tây Hán.
Người thời Hán thường gọi “Sở từ” là “phú” 赋,
kì thực bất luận là từ thể thức hoặc từ tính chất mà nói, cả hai đều không giống
nhau.
Sở từ
là sản vật của văn hoá Sở, sự sản sinh Sở từ, đầu tiên nó có mối quan hệ trực
tiếp với Sở thanh, Sở ca, thứ đến, nó có quan hệ mật thiết với “vu ca” 巫歌 của dân gian nước Sở. Cửu ca 九歌 mà Khuất Nguyên sáng tác là trên cơ sở nhạc ca tế thần
dân gian có sự gia công mà thành. Thêm vào đó, trong Sở từ đã miêu tả nhiều
phong tục sản vật của đất Sở, sử dụng nhiều phương ngôn đất Sở .
Ngoài
ra, sự hỗ tương thâm nhập của văn hoá Nam Bắc, văn hoá và chế độ tiên tiến của
trung nguyên cũng đã dần được văn hoá Sở tiếp nhận. Phong khí tường thuật hoa lệ
của các Tung hoành gia thời Chiến quốc cũng có ảnh hưởng không nhỏ đối với Sở từ.
Từ thể
thức mà nói, trên thực tế Sở từ có 2 loại:
- Một
loại giống Thi kinh 诗经nhưng có sự cải
tạo, như Quất tụng 橘颂, Thiên vấn 天问, cơ bản là thể “tứ ngôn”
- Một
loại khác là “tao thể” 骚体 lấy Li tao 离骚, Cửu ca 九歌 làm đại biểu,
đây là dạng thức điển hình của Sở từ.
Thể Sở từ
điển hình nhìn từ thi phong có sự phô bày khoa trương, sự tưởng tượng phong
phú. Tác phẩm của Khuất Nguyên tràn đầy sự tưởng tượng kì ảo, bộc lộ lớp lớp
tình cảm chân thành (như Li tao 离骚), miêu tả phô
trương sự vật (như Chiêu hồn 招魂). Còn tác phẩm
của Tống Ngọc 宋玉 đã tiến thêm một bước về phương diện tự sự miêu tả.
Từ hình
thức mà nói, Sở từ dài hơn so với Thi kinh, mô thức câu cũng lấy 4 chữ làm
chính, cả bài biến đổi dài ngắn không câu thúc, điều này đã khiến cho sự trữ
tình đạt ý càng thêm sâu sắc lâm li, triển khai được dung lượng biểu hiện.
Từ ngôn
ngữ mà nói, Sở từ đa phần dùng Sở ngữ, Sở thanh; từ ngữ phương ngôn đất Sở xuất
hiện với số lượng lớn. Ngoài ra, chữ “hề” 兮,
chữ “ta” 些 làm hư từ thán ngữ cũng được dùng rất nhiều, trở
thành tiêu chí rõ nét của Sở từ.
Khuất
Nguyên 屈原 tên là Bình 平, quý tộc nước Sở, sống
vào thời đại chư hầu đấu tranh kịch liệt nhất cuối thời Chiến quốc. Khuất
Nguyên tiếp thụ sự giáo dục văn hoá tốt đẹp, có lí tưởng chính trị cao xa và
tinh thần phấn đấu hiến thân. Nhưng do bởi quân vương hôn dung và bị gian thần
hãm hại, hai lần bị biếm, cuối cùng sau một thời gian dài bị lưu đày, ông đã nhảy
xuống sông Mịch La 汨罗 tự tận.
Về tính
chân nguỵ của tác phẩm Khuất Nguyên, từ đời Hán đã có nhiều tranh luận. Cách
nhìn tương đối nhất trí của hiện nay là, có thể xác định có 23 thiên của Khuất
Nguyên : Li tao 离骚 Thiên vấn 天问 Cửu chương 九章 là do Khuất Nguyên sáng tác, Cửu ca 九歌 là tác phẩm mà Khuất Nguyên đã căn cứ vào ca khúc tế
thần dân gian gia công nhuận sắc mà thành. Thiên Chiêu hồn 招魂 cũng thuộc về Khuất Nguyên. Còn Viễn du 远游, Bốc cư 卜居, Ngư phủ 渔父, đa số học giả cho là do người đời sau làm ra, Đại chiêu 大招 là tác phẩm mô phỏng Chiêu hồn 招魂, đều không phải là tác phẩm của Khuất Nguyên.
Li tao 离骚 là thơ trữ tình trường thiên Khuất Nguyên tự thuật lại
cuộc đời mình. Nhân cách cao khiết, lí tưởng chính trị tốt đẹp, tình cảm yêu nước
và tinh thần phê phán kẻ thù , tinh thần truy cầu dù chết cũng không hối hận của
Khuất Nguyên đã dung hợp trong thơ, cấu thành một bộ thi thiên ái quốc chủ
nghĩa vĩ đại.
Sau Khuất
Nguyên, nước Sở có Tống Ngọc 宋玉, Đường Lặc 唐勒, Cảnh Sai 景差 đều nổi tiếng về từ
phú. Hiện tại chỉ có tác phẩm của Tống Ngọc là được lưu truyền. Trong các sử
sách, tác phẩm của Tống Ngọc có hơn 10 thiên, nhưng hiện tại được công nhận là
chân tác chỉ có thiên Cửu biện 九辩.
Tiên Tần
là thời kì sáng lập, manh nha văn hoá Trung Quốc, tinh thần văn hoá của thời kì
này có ảnh hưởng sâu sắc đối với hậu thế. Văn học Tiên Tần được xem là một bộ
phận trọng yếu của văn hoá Tiên Tần cũng trở thành mẫu mực được các đời sau tôn
sùng.
Huỳnh Chương
Hưng
Quy Nhơn 16/10/2013
Nguyên tác Trung văn
SỞ TỪ
楚辞
Trong quyển
XUÂN THU CHIẾN QUỐC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
春秋战国文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật