Dịch thuật: Nguồn gốc và sự phát triển của thư tịch (tiếp theo)

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THƯ TỊCH
(tiếp theo)

          Thời lưỡng Tống (960 – 1279) là thời đại hoàng kim của kĩ thuật in khắc bản. Địa điểm khắc bản đời Tống dường như phổ cập cả nước, đặc biệt Tứ Xuyên 四川, Hàng Châu 杭州, Biện Kinh 汴京(Khai Phong 开封), Phúc Kiến 福建 … là nơi phồn vinh nhất của nghề khắc bản. Những sách khắc bản đời Tống có thể phân làm 3 hệ thống lớn:  khắc bản nhà nước, khắc bản tư nhân và khắc bản phường hội. Sách khắc bản nhà nước chỉ loại sách do các cơ quan nhà nước in khắc, có sự phân biệt khắc bản trung ương và khắc bản địa phương. Với sách do trung ương khắc in thì sách của Quốc tử giám là nổi tiếng nhất. Sách khắc bản tư nhân là do tư nhân bỏ tiền ra khắc in. Do bởi sách khắc in thường hiệu đính kĩ lưỡng hoặc lựa chọn những bản ưu tú để tiến hành phiên khắc cho nên chất lượng của loại sách này nhìn chung là cao. Thời Tống là thời kì thịnh hành loại sách do tư nhân khắc in. Trên sách của họ thường ghi rõ Gia, Đường, Trai, Phủ … Sắc khắc bản phường hội nhìn chung chỉ loại sách do “thư thương” 书商 khắc in. Cuối thời Đường đầu thời Ngũ đại, ở Thành Đô 成都 và Trường An 长安 các phường hội khắc in mọc lên như rừng. Thời lưỡng Tống, các phường hội khắc in ở các thành thị lớn trong cả nước lại càng phát triển. Sách do phường hội khắc in đều nổi tiếng với tên tự tên hiệu của “thư thương” 书商, có “thư đường” 书堂, “thư phố” 书铺, “thư tứ” 书肆hoặc “thư tịch phố” 书籍铺, “kinh tịch phố” 经籍铺.
          Khắc bản đời Tống lưu tồn hiện nay không còn nhiều, khắc bản thời Bắc Tống lại càng ít. Sách khắc bản đời tống được thế giới công nhận là trân bản, cho nên, rất được các nhà sưu tập sách đời sau coi trọng. Thời kì này xuất hiện rất nhiều các nhà sưu tập tư nhân.
          Do bởi thư tịch khắc in có sự biến đổi to lớn nên hình thức trang hoàng, đóng tập, đóng bìa cũng theo đó mà có sự phát triển. Thế kỉ thứ 10, việc thiết kế mĩ thuật sách vở ở Trung Quốc vẫn theo hình thức quyển của thời kì trước. Từ đó về sau, hình thức trang trí sách vở  đã dần đổi thành trang. Hình thức này trải qua các triều Nguyên Minh Thanh và tồn tại đến ngày nay.
          Sách được xuất bản ở hai triều Nguyên Minh cũng giống như triều Tống, có thể chia làm 3 loại: khắc bản nhà nước, khắc bản tư nhân và khắc bản phường hội. Đời Nguyên, sách do phường hội khắc in nhiều hơn sách của nhà nước và tư nhân. Phủ Kiến Ninh 建宁 ở Phúc Kiến 福建 là nơi tập trung nhiều “thư phường” 书坊, sách khắc in cũng nhiều nhất, ở huyện Kiến Dương 建阳 càng nổi tiếng. Khắc bản nhà nước thời Minh, đầu tiên là khắc bản của nội phủ tức hoàng gia, đại bộ phận là sách có liên quan đến chính giáo, lễ chế, được biên soạn trên danh nghĩa Hoàng đế triều Minh. Thứ đến ở các bộ viện của chính phủ trung ương , đặc biệt là bộ Lễ, bộ Binh, bộ Công và Đô sát viện đều có khắc bản. Khắc bản tư nhân và khắc bản phường hội ở đời Minh cũng thịnh hành. Sách  khắc in đời Minh có khuyết điểm: thứ 1, việc hiệu đính chưa đủ kĩ, còn có chỗ sai sót tương đối nghiêm trọng; thứ 2, tự ý đổi tên sách và cắt bỏ nội dung.
          Sách vở đời Thanh bất luận là từ số lượng, chất lượng hay là về mặt in ấn đều có sự tiến bộ rất lớn so với đời Minh, sách do nhà nước khắc in có chất lượng rất cao, nhiều sách hiện nay đã trở nên quý hiếm. Với việc khắc in thư tịch ở đời Thanh thì tư nhân khắc in là có giá trị nhất. Một số tư nhân khắc in thời Càn Long, Gia Khánh đã làm cho sách thời Tống trổi dậy một lần nữa, họ mô phỏng trào lưu thời Tống, đã có ảnh hưởng to lớn đến nghề khắc in sách. Sách do phường hội đời Thanh khắc in, về số lượng khiến người ta kinh ngạc. Có “thư phường” kinh doanh lâu đời, sách khắc lại nhiều. Sự xuất hiện đủ loại của các bộ tùng thư cũng là một trong những nét đặc sắc của nghề xuất bản sách đời Thanh. Tuyệt đại bộ phận những bộ tùng thư này đều do tư nhân khắc in. Còn như địa điểm khắc in, vào đầu đời Thanh có Nam Kinh 南京 Tô Châu 苏州 Hàng Châu 杭州 là nhiều nhất và tốt nhất. Về sau có Tứ Xuyên 四川 Quảng Đông  广东 Giang Tây 江西 cũng rất hưng vượng. Đến cuối đời Thanh, địa điểm khắc in đã phổ cập cả nước.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 01/10/2013

Nguyên tác Trung văn
THƯ TỊCH ĐÍCH NGUYÊN LƯU
书籍的源流
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Biên soạn: Long Tùng 龙松, Kỉ Bình 纪平
Hà Bắc nhân dân xuất bản xã, 1994.
Previous Post Next Post