NGỘ BÚT THÀNH DĂNG
Điển cố
“Ngộ bút thành dăng” 误笔成蝇 (lỡ tay vấy mực,
vẽ thành con ruồi) được hoạ đàn các đời truyền làm giai thoại, đó là câu chuyện
Ngô Đế Tôn Quyền 孙权 thời Tam quốc sai hoạ gia trứ danh Tào Bất Hưng 曹不兴 vẽ trên bức bình phong.
Tào Bất
Hưng, có sách viết là 弗兴, người Ngô Hưng 吴兴 (nay là Hồ Châu 湖州
Triết Giang 浙江), giỏi vẽ rồng, hổ, ngựa, người … nổi tiếng lúc bấy
giờ. Ông cùng với Trịnh Ẩu 郑妪 người giỏi xem tướng,
Ngô Phạm 吴范 giỏi phong khí, Triệu Đạt 赵达
giỏi toán, Nghiêm Vũ 严武 giỏi cờ, Tống Thọ 宋寿 giỏi đoán mộng, Hoàng Gia 皇家
giỏi thư pháp, Lưu Đôn 刘敦 giỏi thiên văn được
gọi là “bát tuyệt” 八绝 của đất Ngô.
Nhân vật
mà Tào Bất Hưng vẽ, những nếp gấp trên y phục dính vào thân, giống như từ dưới
nước mới lên, cho nên mọi người gọi phong cách vẽ của ông là “Tào y xuất thuỷ” 曹衣出水.
Với hội hoạ, Tào Bất Hưng rất khổ luyện, nhất
là vẽ nhân vật đã có sự đột xuất. Theo những ghi chép trong Kiến Khang thực lục 建康实录 của Hứa Tung 许嵩 ghi rằng: Tào Bất Hưng vẽ một bức tranh lớn, tâm nhạy
tay nhanh, trong chốc lát vẽ xong:
Đối đầu bộ, thủ, túc, tâm, ức, kiên, bối,
vô di xích độ
对头部,手,足,心,臆,肩,背,亡遗尺度
(Đối với
đầu, tay, chân, tim, ức vai, lưng, tất cả đều không sơ sót)
Có một
câu chuyện có thể chứng minh sự tinh diệu trong cách vẽ của Tào Bất Hưng. Một lần
nọ, Ngô Đế Tôn Quyền mời ông vẽ trên bức bình phong. Sau khi vẽ xong đưa cho
Tôn Quyền xem qua. Tôn Quyền vô cùng vui cùng. Tào Bất Hưng đã vẽ một giỏ mơ.
Tôn Quyền càng xem càng thích, xem đi xem lại, bỗng phát hiện phía trên giỏ có
một con ruồi. Tôn Quyền lấy tay áo phủi đi, nhưng con ruồi không hề động đậy.
Người bên cạnh trông thấy cười nói với Tôn Quyền:
Đại vương, đó không phải là con ruồi thật,
mà là vẽ đấy.
Tôn Quyền
dụi mắt, ghé sát bình phong nhìn kĩ mới thấy quả đó là con ruồi vẽ, liền cười lớn
nói rằng:
Tào Bất Hưng quả là thánh thủ trên hoạ đàn! Con ruồi
mà ông ta vẽ ta tưởng là thật.
Kì thực, Tào Bất Hưng nguyên
không có ý vẽ con ruồi lên bức bình phong. Khi ông tập trung tinh thần để vẽ, mọi
người chung quanh đều cất tiếng trầm trồ khen ngợi. Trong lúc hưng phấn, ông sơ
ý làm rơi một giọt mực lên, mọi người bên cạnh đều cho là đáng tiếc, nhưng Tào
Bất Hưng không hề biến sắc, nheo mắt lại nhìn một lát rồi từ từ đem giọt mực vẽ
thành một con ruồi đang bay. Mọi người chung quanh đều hết lời khen ngợi tài
năng và công lực thâm hậu của ông.
Vào tháng 10 một năm nọ, Tào
Bất Hưng đi chơi ở Thanh Khê 青溪, trông thấy một con
rồng đỏ từ trên trời bay xuống, lướt sóng mà đi, ngay lập tức ông liền vẽ thành
bức “Thanh Khê xích long đồ” 青溪赤龙图. Sau khi dâng
lên Ngô chủ Tôn Hạo 孙皓, Tôn Hạo vô cùng tán thưởng, đích thân đề khoản và
cho lưu giữ trong phủ. Tranh truyền đến Nam triều Lưu Tống, hoạ gia Lục
Thám Vi 陆探微 trông thấy, rất kinh ngạc cho là diệu bút. Thời Văn Đế
文帝 (1), xảy ra hạn hán, cầu đảo nhiều mà không linh ứng, nên
đã đem bức “Thanh Khê xích long đồ” đặt trên bờ sông, trong phút chốc, trên
không có mây mù, và một trận mưa to rơi xuống. Truyền thuyết này tuy là thần
thoại, nhưng cũng đủ để thấy con rồng mà Tào Bất Hưng vẽ truyền thần như thế
nào.
Năm Xích Ô 赤乌 thứ 4 (năm 241) (2), vị cao tăng Ấn Độ là
Khương Tăng Hội 康僧会 lần đầu tiên đến Kiến Nghiệp 建业
(Nam Kinh 南京), khi “thiết tượng hành đạo” 设象行道, Tào Bất Hưng có cơ hội nhìn thấy một số tranh Phật từ “Tây quốc” truyền
vào, ông liền mô phỏng, trở thành hoạ gia mô phỏng tranh Phật “Tây quốc” sớm nhất
Trung Quốc, nhân đó ông được mọi người xưng tụng là “Hoạ Phật chi tổ”. Ông vẽ
hình Phật rất nhanh, trong khoảnh khắc đã hoàn thành một tác phẩm có kết cấu cực
kì phức tạp, thế mà “đầu bộ, thủ, túc,
tâm, ức, kiên, bối” rất hài hoà,
không hề lệch chuẩn, đủ để thấy kĩ xảo vẽ thành thục và cao siêu của ông.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- VĂN ĐẾ 文帝: chỉ Văn Đế Lưu
Nghĩa Long 刘义隆 nhà Lưu Tống thời Nam Triều. Văn Đế trị vì 30 năm, từ
năm 424 đến năm 454.
(2)- XÍCH Ô 赤乌: là niên hiệu của Đại
Đế Tôn Quyền 孙权 nước Ngô thời Tam quốc. Niên hiệu này sử dụng 14 năm,
từ năm 234 đến năm 251.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/10/2013
Nguyên tác Trung văn
NGỘ BÚT THÀNH
DĂNG
误笔成蝇
Trong quyển
TRUNG QUỐC HỘI HOẠ VĂN HOÁ
中国绘画文化
Tác giả: Tần Mộng Na 秦梦娜
Thời Sự xuất bản xã, 2008.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật