Dịch thuật: Khổ nhất và vui nhất

KHỔ NHẤT VÀ VUI NHẤT

          Đời người, việc gì là khổ nhất? Nghèo chăng? không phải! Thất ý chăng? cũng không phải! Già chăng? Chết chăng? đều không phải. Tôi cho rằng cái khổ nhất của con người không gì khổ hơn là trên vai mình gánh một trách nhiệm tương lai. Người nếu biết thế nào là đủ thì dù nghèo cũng không khổ; nếu có thể an phận (không hi vọng quá đặc biệt), dù thất ý cũng không khổ; già, bệnh, chết là việc sinh tử mà con người không thể tránh được, với người đạt quan (1) xem rất bình thường, cũng không cho là khổ. Phàm sống trên thế gian có việc một ngày cần phải làm, việc cần phải làm nếu không làm xong, giống như gánh nặng ngàn cân đè lên vai, có khổ cũng không gì khổ hơn. Vì sao vậy? bởi vì phải chịu sự trách cứ của lương tâm, muốn trốn cũng không trốn được.
          Hứa với người khác làm một việc mà chưa làm, nợ tiền người khác mà chưa trả, chịu ơn người khác mà chưa báo, đắc tội với người khác mà chưa đền, thì ngay cả khuôn mặt của họ cũng dường như không dám nhìn. Tuy không thấy họ nhưng trong giấc ngủ dường như có bóng dáng của họ vây lấy ta. Tại sao vậy? bởi vì cảm thấy có lỗi với họ, bởi vì trách nhiệm của mình đối với họ chưa làm xong. Không chỉ đối với một cá nhân mới như vậy, đối với gia đình, đối với xã hội, đối với quốc gia cho đến đối với bản thân mình cũng đều như thế. Phàm thuộc loại người mà ta nhận việc tốt của họ, đối người đó ta phải có trách nhiệm. Phàm thuộc việc ta phải làm, hơn nữa sức có thể làm được, đối với việc đó ta cũng phải có trách nhiệm. Phàm thuộc việc mà bản thân mình chủ ý làm, lập khế ước cho bản thân ở hiện tại và tương lai, chính là mình đối với bản thân mình tăng thêm một tầng trách nhiệm. Có trách nhiệm này, lương tâm lúc nào cũng theo dõi ở phía sau. Trách nhiệm của một ngày cần phải làm xong mà không làm xong, rốt cuộc sẽ sống qua một ngày đau khổ. Trách nhiệm của một đời cần phải làm xong mà làm không xong thì khi chết cũng mang theo nỗi đau khổ xuống mồ. Loại đau khổ này không thể sánh với nghèo, bệnh, già, chết, những loại đau khổ thông thường mà hạng người đạt quan có thể loại bỏ được. Cho nên tôi cho rằng đời người đã không có đau khổ thì thôi, nếu có đau khổ thì đương nhiên không có loại đau khổ nào nặng hơn loại này.
          Việc gì là vui nhất? Trách nhiệm hoàn thành được xem là cái vui đầu tiên của con người. Cổ ngữ nói rất hay:
Như thích trọng phụ
如釋重負
(Như trút được gánh nặng).
 Tục ngữ cũng có nói:
Tâm thượng nhất khối thạch đầu lạc liễu địa
心上一塊石頭落了地
(Khối đá trong lòng rơi xuống đất)
          Con người đến lúc đó, sự vui sướng khoái lạc này không thể dùng ngôn ngữ để hình dung. Trách nhiệm càng nặng, ngày gánh vác càng dài. Đến khi trách nhiệm hoàn thành, trời cao đất rộng, hoàn toàn yên lòng không áy náy, niềm vui đó càng tăng lên mấy lần. Phần lớn mọi việc trong thiên hạ cái vui có được từ trong đau khổ mới là đúng vui. Đời người cần biết có nỗi khổ gánh vách trách nhiệm, mới có thể biết cái vui khi làm xong trách nhiệm. Vui và khổ này tuần hoàn, có thú vị của nhân gian. Nếu không làm xong trách nhiệm, chịu sự trách cứ của lương tâm, những nỗi khổ này đều do mình tìm tới. Ngược lại, ở đâu cũng hoàn thành trách nhiệm, ở đó đều vui sướng; khi nào cũng hoàn thành trách nhiệm, khi đó đều vui sướng, vui sướng do ở mình. Khổng Tử 孔子 sở dĩ nói:
Vô nhập nhi bất tự đắc (2)
無入而不自得
(Bất luận là ở vào hoàn cảnh nào cũng đều an nhiên tự đắc)
chính là tác dụng này.
          Thế thì tại sao Mạnh Tử 孟子 lại nói:
Quân tử hữu chung thân chi ưu (3)
君子有終身之憂
(Người quân tử có cái lo suốt đời)
Bởi vì càng là thánh nhân hào kiệt thì trách nhiệm của họ càng lớn; hơn nữa họ thường đem các loại trách nhiệm tự mình gánh vác, đòn gánh trên vai chưa có lúc nào bỏ xuống. Tăng Tử 曾子 cũng nói:
Nhậm trọng nhi đạo viễn, tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ? (4)
任重而道遠, 死而後已, 不亦遠乎?
(Gánh trên vai nặng mà đường thì xa, đến chết mới thôi, cũng chẳng phải là đường xa sao?)
Lòng ưu dân, ưu quốc của nhân nhân chí sĩ, lòng bi thiên mẫn nhân của chư Thánh chư Phật, tuy nói họ một đời chịu đau khổ cũng đúng, nhưng họ ngày ngày hết lòng vì trách nhiệm, ngày ngày được cái vui trong cái khổ, cho nên rốt cuộc vẫn là vui không phải khổ.
Có người nói:
Cái khổ đó là do bởi mình gánh vác trách nhiệm mà ra, nếu ta đem trách nhiệm bỏ xuống thì há chẳng phải là mãi mãi không có cái khổ sao?
Không phải như thế, chỉ có làm xong trách nhiệm mới không có cái khổ, hoàn toàn không phải bỏ dở trách nhiệm thì không có cái khổ. Đời người nếu có thể mãi mãi giống đứa bé lên hai, ba tuổi, vốn không có trách nhiệm thì sẽ không có cái khổ. Đến lúc trưởng thành, trách nhiệm tự nhiên đè lên vai, làm sao mà tránh được? Chẳng qua có sự phân biệt trách nhiệm lớn nhỏ mà thôi. Hoàn thành được trách nhiệm lớn thì sẽ có cái vui lớn; hoàn thành được trách nhiệm nhỏ thì sẽ có cái vui nhỏ. Nếu như anh tránh né thì đó là tự đâm đầu vào bể khổ, mãi mãi không thể giải trừ.
  
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- ĐẠT QUAN 達觀: nhìn những sự việc mà không vừa ý với mình một cách rộng lượng bao dung.
(2)- Câu này ở sách Trung dung 中庸 :
          Quân tử tố kì vị nhi hành, bất nguyện hồ kì ngoại. Tố phú quý hành hồ phú quý, tố bần tiện hành hồ bần tiện, tố di địch hành hồ di địch, tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn. Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên.
君子素其位而行, 不願乎其外. 素富貴行乎富貴, 素貧賤行乎貧賤, 素夷狄行乎夷狄, 素患難行乎患難. 君子無入而不自得焉.
          (Người quân tử tuỳ theo địa vị mà cư xử, không cầu mong ở bên ngoài. Vốn giàu sang thì ở theo giàu sang, vốn nghèo hèn thì ở theo nghèo hèn, vốn di địch thì ở theo di địch, vốn hoạn nạn thì ở theo hoạn nạn. Người quân tử bất luận là ở vào hoàn cảnh nào cũng đều an nhiên tự đắc.)
(3)- Câu này ở thiên Li lâu hạ 離婁下 trong Mạnh Tử 孟子 :
君子有終身之憂, 無一朝之患.
Quân tử hữu chung thân chi ưu, vô nhất triêu chi hoạn.
(Người quân tử có cái lo suốt đời mà không có cái lo một buổi)
(4)- Câu này ở thiên Thái Bá 泰伯 trong Luận ngữ 論語 :
         Tăng Tử viết: “Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhậm trọng nhi đạo viễn, nhân dĩ vi kỉ nhậm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?”
          曾子曰: “士不可以不弘毅, 任重而道遠, 仁以為己任, 不亦重乎? 死而後已, 不亦遠乎?
          (Tăng Tử bảo rằng: “Kẻ sĩ không thể không kiên cường mạnh mẽ, là vì gánh trên vai nặng mà đường thì xa. Lấy điều nhân làm nhiệm vụ của mình, cũng chẳng phải là nặng sao? Đến chết mới thôi, cũng chẳng phải là đường xa sao?)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 17/10/2013

Nguyên tác Trung văn
TỐI KHỔ DỮ TỐI LẠC
最苦與最樂
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Previous Post Next Post