A HOÀN
Thời cổ,
phàm là trẻ con chưa đến tuổi thành niên, bất luận là trai hay gái, đa số đều
buộc tóc trên đỉnh đầu thành 2 búi ở bên trái và bên phải. Vì hình dạng hơi giống
sừng trâu nên gọi là “tổng giác” 总角, cũng do bởi tóc vấn
lại thành búi (kế 髻) nên gọi là “tổng kế” 总髻.
Phong tục này sớm đã hình thành từ thời Tiên Tần.
Tổng
giác đến một giai đoạn nhất định, giữa con trai con gái có sự khu biệt. Theo tập
tục cổ đại, bé trai là “giác” 角, bé gái là “ki” 羁. Bé gái sinh ra sau 3 tháng, cha mẹ sẽ chọn ngày tốt cạo bỏ tóc thai, chỉ
chừa lại trên đỉnh đầu chỏm tóc có dạng hình chữ “thập”, nhìn giống như đầu ngựa
buộc dàm nên có tên gọi là “ki” 羁. Bé trai vẫn là song
giác.
Đến khi
lớn, con trai 20 tuổi phải cử hành “lễ đội mũ” (quán lễ 冠礼), con gái 15 tuổi cũng cử hành “lễ cài trâm” (kê lễ 笄礼) để đánh dấu đã trưởng thành, từ lúc này trở đi, kiểu
tóc của con trai con gái cũng có sự thay đổi. Con trai sẽ vấn tóc lại thành
búi, con gái để tóc dài không cắt, chải thành 2 búi bên trái bên phải đối xứng
nhau. Do bởi 2 búi tóc này rất giống chạc cây hình chữ 丫 (a) nên được gọi là “a kế” 丫髻,
cũng còn gọi là “a đầu” 丫头. Về sau “a đầu” trở
thành từ dùng để chỉ con gái lúc trẻ.
“A đầu”
cũng còn gọi là “nha đầu” 鸦头, nhìn chung đa số
dùng để gọi con gái lúc trẻ. Ở khu vực Giang Nam 江南,
gọi nữ tì là “a đầu”.
Tên gọi
“a đầu” 丫头 từ “a kế” 丫髻 mà ra, thời cổ “a kế”
丫髻 cũng gọi là “kế a” 髻丫.
Nhân vì trái phải đối xứng nên cũng gọi là “song kế a” 双髻丫.
Trong bài Hoán hoa nữ 浣花女, Lục Du 陆游 có viết:
Giang đầu nữ nhi song kế a
Thường tuỳ a mẫu cung tang ma
江头女儿双髻丫
常随阿母供桑麻
(Nơi đầu sông có cô gái đầu chải hai búi tóc
Thường theo giúp mẹ việc trồng dâu gai)
Có loại
“a kế” không giống như thế, khi vấn tóc thường đem 2 búi tách ra khá xa; hoặc
trước khi vấn bện tóc thành 2 bím, sau đó búi thành búi nhỏ, kiểu tóc này cũng
gọi là “a kế”. Còn có một kiểu khác, tức trước tiên đem tóc trên đầu phân thành
2 bên, mỗi bên sẽ vấn tóc theo hình trụ, sau đó dùng một sợi dây cột ở giữa, để
cho tóc nương vào 2 bên tai. Nếu bỏ sợi dây ra, hoặc đem cột ở ngọn tóc, thì đó
không gọi là “a kế” nữa, mà phải gọi là “a hoàn” 丫鬟.
“A
hoàn” 丫鬟 cũng được viết là 丫环
(a hoàn) hoặc 鸦鬟 (nha hoàn), đây cũng là kiểu tóc của các cô gái trẻ.
Thời cổ gọi nữ tì là “a hoàn”, nhân vì kiểu tóc mà có tên gọi như thế. Thơ văn
cổ thường nhắc đến tên gọi của kiểu tóc này. Trong bài Vũ lâm lang thi 羽林郎诗, Tân Diên Niên 辛延年
viết rằng:
Lưỡng hoàn hà yểu điệu
Nhất thế lương sở vô
两鬟何窈窕
一世良所无
(Hai chùm tóc đeo những vật trang sức vô cùng quý giá
Trên đời thật là hiếm có)
“A
hoàn” và “a kế” mới nhìn thấy giống nhau, kì thực cả 2 khác nhau. Khu biệt chủ
yếu ở 2 phương diện. Đầu tiên “a kế” là búi tóc mà bên trong thì chặt. còn “a
hoàn” bên trong thì rỗng; thứ nữa, vị trí vấn “a kế” và “a hoàn” cũng khác
nhau, “a kế” vấn cao trên đỉnh đầu, còn “a hoàn” là 2 búi áp vào 2 bên mang
tai, hoặc cho thòng đến tai. Cho nên trong sách cổ khi nói đến “hoàn” thường dụng “đê hoàn” 低鬟,
“thuỳ hoàn” 垂鬟, mà không nói “cao hoàn” 高鬟
chính là do bởi nguyên nhân này.
Ngoài
những khu biệt về ngoại hình, “A hoàn” và “a kế” cũng phản ánh tuổi tác của người
vấn tóc. Nhìn chung, nữ giới lúc còn nhỏ vấn “a kế” là chính, khi thành niên, đổi vấn “a hoàn”, rất ít người
vấn “a kế”. Đợi đến ngày xuất giá, đem “hoàn” vấn thành “kế” (búi) của thiếu phụ
để đánh dấu đã trưởng thành. Nếu đã quá tuổi kết hôn mà chưa xuất giá vẫn chỉ
có thể vấn “hoàn” mà không vấn “kế”.
Thi
nhân Bạch Cư Dị 白居易 đời Đường ở Tân
nhạc phủ 新乐府 đã viết về một câu chuyện tình yêu:
Tri quân đoạn trường cộng quân ngữ
Quân chỉ Nam sơn tùng bách thụ
Cảm quân tùng bách hoá vi tâm
Ám hợp song hoàn trục quân khứ. (1)
知君断肠共君语
君指南山松柏树
感君松柏化为心
暗合双鬟逐君去
(Biết chàng đau buồn nên cùng trò chuyện
Chàng chỉ cây tùng cây bách ở núi Nam
Tấm lòng tùng bách của chàng làm cho cảm động
Hợp hai chùm tóc lại ngầm ý nói theo chàng)
Nữ chủ
nhân trong bài thơ kể lại những hồi ức lúc ban đầu của tình yêu, Người chồng của
nàng lúc bấy giờ chỉ cây tùng cây bách mà thề với nàng, hành động của chàng khiến
nàng cảm động, cho nên nàng đã vui lòng đem hai chùm tóc hợp lại thành búi, ngầm
theo ý trung nhân. Từ câu chuyện này có thể thấy, chải tóc theo kiểu “hoàn” và
vấn tóc theo kiểu “kế” là tiêu chí để xem người con gái đã thành hôn hay chưa.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Bốn câu này ở bài Tỉnh để dẫn ngân bình 井底引銀瓶.
Trong Bạch Cư Dị thi tập hiệu chú 白居易詩集校注 của Tạ Tư Vĩ 謝思煒,ở bài Tỉnh để dẫn ngân bình 井底引銀瓶 , câu Ám hợp song hoàn trục quân khứ 暗合雙鬟逐君去, phần chú có ghi rằng:
Nữ tử vị xuất giá thời sơ song hoàn, kết hôn thời hợp
song hoàn vi nhất
女子未出嫁時梳雙鬟, 结婚時合双鬟為一.
(Con gái lúc chưa xuất giá
chải tóc thành “song hoàn”, khi kết hôn hợp “song hoàn” lại làm một)
(tập 1, trang 421, Trung Hoa
thư cục, 2006)
Huỳnh Chương
Hưng
Quy Nhơn 15/10/2013
Nguyên tác Trung văn
A HOÀN ĐÍCH CỐ SỰ
丫鬟的故事
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
PHỤC SỨC
中国民俗文化
服饰
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Bắc Kinh - Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật